[ad_1]
Qua 5 đời Bộ trưởng Giao thông vận tải, 13 năm dai dẳng với 12 lần trễ hẹn và kỷ lục về “đội vốn”, dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông chính thức được đưa vào vận hành từ ngày 6/11…
Ngày 6/11, Bộ Giao thông vận tải và TP. Hà Nội tổ chức Lễ bàn giao, tiếp nhận dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông.
Ngay sau lễ bàn giao, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, TP. Hà Nội là những vị khách đầu tiên lên tàu tại ga Cát Linh khởi hành đến ga Yên Nghĩa.
VẬN HÀNH AN TOÀN, KHAI THÁC CÓ HIỆU QUẢ
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, kết cấu hạ tầng giao thông được Chính phủ và Hà Nội quan tâm đầu tư để giảm ùn tắc giao thông, trong đó, đẩy mạnh đầu tư vận tải hành khách công cộng.
Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả dự án, Thứ trưởng cho rằng, tới đây cần có sự kết nối đồng bộ giữa các loại hình giao thông khác cũng như sớm hoàn thiện hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch phát triển giao thông đã được thông qua.
Thứ trưởng cũng yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt chỉ đạo Tổng thầu EPC (Trung Quốc) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Metro Hà Nội trong quá trình khai thác, vận hành, bảo hành hệ thống.
Sáng nay, đường sắt Cát Linh – Hà Đông chính thức vận hành
Thông tin về quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội đến năm 2030, ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, thành phố sẽ có 10 tuyến với tổng chiều dài 417,8 km.
Đây là loại hình vận tải khối lượng lớn nên cần được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, với tiến độ hiện nay, 8-10 năm mới xây dựng được một tuyến đường sắt đô thị. Do vậy, tới đây cần có bước đột phá trong việc huy động nguồn vốn ODA.
“Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có ý nghĩa quan trọng đối với giao thông công cộng của Hà Nội và là khởi đầu cho quy hoạch đường sắt. Đến nay, công trình đã hoàn thành và chấp nhận nghiệm thu, chuẩn bị đủ nhân lực, năng lực quản lý, xây dựng kế hoạch tiếp nhận bàn giao để vận hành khai thác”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Tuấn cũng lưu ý, thành phố cũng rút ra nhiều bài học từ dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông để triển khai dự án sau. “Metro Hà Nội cần tổ chức tiếp nhận, vận hành tàu an toàn, tổ chức bảo trì, bảo dưỡng tốt phương tiện và hạ tầng kỹ thuật để khai thác dự án hiệu quả”, ông Tuấn yêu cầu.
Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm, tháng 10/2011 dự án chính thức được khởi công xây dựng và cơ bản hoàn thành công tác thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị vào tháng 11/2018.
Từ tháng 12/2018, dự án thực hiện căn chỉnh đồng bộ, vận hành thử kỹ thuật và vận hành thử nghiệm. Đến cuối tháng 12/2020, dự án hoàn thành công tác chạy thử liên động toàn hệ thống.
Trước khi đưa vào khai thác, Tổng thầu EPC đã thực hiện vận hành hơn 5.740 chuyến tàu chạy, với tổng số hơn 70.000 km vận hành an toàn dưới sự giám sát bởi các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn đánh giá an toàn. Dự án được Bộ Giao thông vận tải nghiệm thu đảm bảo tuân thủ đúng quy định và Hội đồng Kiểm tra nhà nước chấp thuận kết quả nghiệm thu, đủ điều kiện bàn giao đưa vào khai thác.
GIÁ VÉ 0 ĐỒNG 15 NGÀY ĐẦU
Cách đây hơn 1 tuần, tại cuộc làm việc với Bộ Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành các công đoạn còn lại, bàn giao tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông cho TP. Hà Nội trước ngày 10/11/2021 để đưa vào khai thác, sử dụng.
Kế hoạch vận hành giai đoạn đầu là 1 năm kể từ khi bàn giao cho TP. Hà Nội. Hà Nội sẽ khai thác toàn bộ 13 đoàn tàu dựa trên căn cứ vào lưu lượng hành khách. Sức chở tối đa là 960 người/đoàn.
Cụ thể, giai đoạn 1, 6 tháng đầu, sẽ có 6 đoàn được vận hành không ngừng nghỉ, thời gian giãn cách là 15 phút.
Giai đoạn 2, 6 tháng tiếp theo vận hành 9 đoàn tàu, giờ cao điểm 6 phút/lượt, giờ bình thường 10 phút/lượt.
Hanoi Metro chuẩn bị hơn 200.000 vé 0 đồng để phát cho hành khách trải nghiệm tàu trong 15 ngày đầu vận hành. Sau khi kết thúc hành trình, hành khách trả lại vé này cho đơn vị vận hành ở cửa ra.
Về thời gian hoạt động, trong 15 ngày đầu miễn phí, đường sắt Cát Linh – Hà Đông mở cửa từ 5h30 và đóng vào 20h hằng ngày. Khi khai thác thương mại, sẽ mở từ 5h30 sáng và kết thúc 22h30.
Giá vé lượt từ trên 7.000 đồng đến 15.000 đồng tùy theo chặng sử dụng; giá vé ngày là 30.000 đồng/người/ngày, không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến.
Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người/tháng cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người/tháng cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Sở Giao thông vận tải Hà Nội về thực hiện phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách giữa hệ thống vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) điều chỉnh lộ trình, cự ly đối với các tuyến xe buýt.
Dọc tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có 55 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt này từ năm 2020. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến. Trong tương lai sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Cả 12 ga đều bố trí điểm trông giữ xe đạp, xe máy dành cho người dân đi tàu.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 ngày 9/7/2008.
Bắt đầu khởi công tháng 10/2011, dự án có tiến độ hoàn thành tháng 6/2015 với tổng mức đầu tư ban đầu hơn 552 triệu USD, chủ yếu vốn vay ODA Chính phủ Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công. Sau nhiều lần vỡ tiến độ và “đội vốn” hơn 9.231 tỷ đồng, dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 868,04 triệu USD, tương đương 18.001,5 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu.
Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1435 mm. Tổng chiều dài chính tuyến của dự án là 13,05km với 12 nhà ga, 13 đoàn tàu có tốc độ tối đa 80km/giờ, tốc độ khai thác là 35km/giờ. Thời gian chạy tàu toàn tuyến là 23,63 phút. Khi đưa vào khai thác thương mại sẽ hoạt động liên tục từ 5h-23h hàng ngày.
[ad_2]