[ad_1]
Thế giới công nghệ 2021 chứng kiến nhiều biến động lớn, trong đó có việc chuỗi cung ứng toàn cầu “rối loạn”, NFT nở rộ, hay cuộc đua máy tính lượng tử.
Sự thiếu hụt chip manh nha từ cuối năm 2020 trở nên trầm trọng trong 12 tháng qua, biến thành một cuộc khủng hoảng bán dẫn, tác động lớn đến hàng loạt chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.
Bắt đầu từ lĩnh vực ôtô, nhu cầu về chip bất ngờ tăng mạnh ở nhiều mảng như điện thoại, laptop, thiết bị chơi game… do nhiều người phải làm việc và học tập từ xa trong đại dịch. Apple, công ty được đánh giá luôn có nguồn cung linh kiện ổn định, phải thừa nhận nhiều sản phẩm không thể đến tay khách hàng đúng tiến độ, khiến họ thiệt hại 6 tỷ USD. Xiaomi cũng ngấm đòn thiếu chip và đánh mất vị trí thứ hai về smartphone.
Trong nhiều lĩnh vực khác, một số công ty thậm chí phải sản xuất thiết bị theo công nghệ đã cũ hàng chục năm, hoặc không trang bị chip cho sản phẩm trong lúc chờ thị trường bán dẫn bình ổn. Cuộc khủng hoảng cũng khiến nhiều bên đối mặt với tình trạng nguồn cung bán dẫn chất lượng kém, hay chip giả. Các chuyên gia trong ngành dự đoán, vấn đề thiếu hụt chip có thể tiếp tục trong năm 2022, trước khi đạt mức dư thừa vào những năm sau đó.
Bê bối nội bộ của Facebook
Vào tháng 5, cựu quản lý Frances Haugen viết đơn xin nghỉ việc tại Facebook. Nhưng trước khi nghỉ, bà bí mật sao chép hàng nghìn trang tài liệu nội bộ của mạng xã hội rồi chia sẻ cho giới truyền thông và ra làm chứng trước Quốc hội Mỹ đầu tháng 10. Đây được xem là “ác mộng tồi tệ nhất” trong lịch sử mà CEO Mark Zuckerberg và Facebook đối mặt.
Tài liệu cho thấy mạng xã hội lớn nhất thế giới biết rõ những tác động tiêu cực của Instagram đối với trẻ vị thành niên, sự tồn tại của các nhóm kích động bạo lực, hay cách những kẻ buôn người dùng Facebook như một công cụ giao dịch… Nhưng thay vì giải quyết vấn đề, công ty chọn cách phớt lờ hoặc xử lý hời hợt vì ưu tiên lợi nhuận. Ngoài Haugen, một số cựu nhân viên khác cũng đứng ra tố cáo công ty cũ. Nội bộ Facebook trở nên hỗn loạn khi nhiều nhân viên của mạng xã hội bày tỏ sự bất mãn trên workplace, cũng như nghỉ việc do lo ngại uy tín cá nhân bị giảm sút nếu tiếp tục ở lại.
Trước bê bối, Facebook cố “dìm” khủng hoảng bằng cách chĩa mũi dùi vào cựu nhân viên, hạ uy tín của Haugen và tuyên bố những lời khai, báo cáo của bà về tài liệu nội bộ của Facebook đã bị bóp méo. Mark Zuckerberg chỉ trích những gì Haugen nói trước Quốc hội đã tạo ra một “bức tranh sai lệch về công ty”, khẳng định họ đang xây dựng trải nghiệm đáp ứng nhu cầu của những người trẻ tuổi trong khi vẫn giữ an toàn cho họ.
Gần một tháng sau khi Haugen tung ra các thông tin nội bộ, Facebook tuyên bố công ty đổi tên thành Meta nhằm tập trung cho vũ trụ ảo metaverse. Động thái này được đánh giá là hướng đi tương lai của Zuckerberg, nhưng cũng được cho là để né tránh bê bối.
Phong trào chơi game blockchain kiếm tiền
Game blockchain theo hình thức chơi để kiếm tiền (play-to-earn) bắt đầu xuất hiện cách đây vài năm, nhưng phát triển âm thầm cho đến khi Axie Infinity thu hút sự chú ý trên toàn cầu vào tháng 5.
Axie Infinity là dự án game kết hợp công nghệ blockchain do công ty Sky Mavis có trụ sở tại TP HCM phát triển. Đồng tiền số trong trò chơi đã tăng giá trị hơn 26 lần trong năm nay, trở thành tiền mã đầu tiên do người Việt phát triển có mức vốn hóa vượt 8 tỷ USD.
Hàng loạt dự án game blockchain cũng nở rộ trên toàn cầu trong năm nay. Nhiều công ty trò chơi truyền thống tuyên bố blockchain là “cuộc cách mạng tiếp theo” mà họ không muốn bị bỏ lỡ. Xu hướng này khác biệt so với game truyền thống ở tính phi tập trung, khi tài sản trong trò chơi được phân bổ giữa người chơi thay vì được kiểm soát tập trung bởi một máy chủ.
Game blockchain được nhận định đang thay đổi cuộc sống của nhiều người, nhất là tại Đông Nam Á, khi giúp họ có thêm nguồn thu nhập, thậm chí thay cho công việc chính. Tuy vậy, đa số game xuất hiện thời gian qua tập trung vào yếu tố kiếm tiền, trong khi gameplay còn đơn giản, đồ họa chưa chỉn chu, gây lo ngại có thể kéo tụt sự phát triển của văn hóa game.
NFT nở rộ
Vào tháng 3, giới công nghệ bất ngờ khi hình ghép kỹ thuật số của 5.000 bức tranh có tên Everydays: The First 5000 Days được mua với giá 69 triệu USD – mức cao kỷ lục tại nhà đấu giá Christie’s. Tác phẩm của nghệ sĩ Beeple này được gắn mã NFT (non-fungible token), còn gọi là token độc nhất, được mã hóa dữ liệu nhận dạng và được lưu trữ, trao đổi dựa trên blockchain.
Sau tác phẩm của Beeple, hàng loạt NFT nghệ thuật giá triệu USD khác cũng được giao dịch. Giới phân tích nhận định, NFT đang tạo làn sóng mới trong thị trường nghệ thuật, giúp các nghệ sĩ có thêm thu nhập và cách tiếp cận mới đến cộng đồng.
Không chỉ lĩnh nghệ thuật, NFT còn được gắn vào mọi thứ từ dòng tweet đầu tiên của nhà sáng lập Twitter, avatar hình con vượn, nét vẽ nguệch ngoạc hay hình ảnh hòn đá… và được rao bán với giá từ hàng nghìn đến hàng triệu USD. Đặc biệt, cùng với xu hướng metaverse – được cho là kỷ nguyên tiếp theo của Internet, nhiều người bắt đầu đổ tiền đầu tư và thu mua bất động sản ảo dưới dạng NFT. Hồi tháng 11, khu đất ảo trong Decentraland được mua với giá 618.000 Mana, tương đương 2,43 triệu USD; hay mảnh đất Genesis trong Axie Infininty có giá 550 ETH, tương đương 2,3 triệu USD…
Cơn sốt NFT lên cao đến mức dữ liệu từ hệ thống từ điển Collins cho thấy, tần suất sử dụng từ khóa NFT đã tăng 11.000% so với năm ngoái, vượt các chủ đề nóng như Covid-19, Crypto, Metaverse để trở thành Từ của năm.
Tuy nhiên, đầu tháng này, ông Gou Wenjun, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Giám sát Chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cũng cảnh báo tính phi tập trung và ẩn danh khiến NFT có thể thành công cụ của tội phạm và khủng bố.
Cuộc đua sức mạnh máy tính lượng tử
Sau cuộc cách mạng về AI, BigData, 5G, công nghệ lượng tử được đánh giá là đường đua mới của thế giới năm nay. Ngày càng nhiều hệ thống tính toán với sức mạnh vượt trội để đạt ưu thế lượng tử.
Vào tháng 3, dữ liệu Valuenex cho thấy Trung Quốc đang thắng thế trong cuộc đua công nghệ lượng tử, còn Mỹ đang đổ nhiều tiền vào nghiên cứu nhằm rút ngắn khoảng cách. Trung Quốc đang nắm giữ hơn 3.000 bằng sáng chế về công nghệ này, gấp đôi so với Mỹ và gấp ba lần Nhật Bản.
Tháng 7, Trung Quốc tuyên bố lập kỷ lục về điện toán lượng tử với máy tính Zuchongzhi đạt 66 qubit (nhưng chỉ sử dụng 56 qubit). Tháng 10, nước này tiếp tục khẳng định đã phát triển thành công Jiuzhang 2.0 với 66 qubit. Cả hai vượt Sycamore của Google – thiết bị đạt 54 qubit vào năm 2019.
Đến tháng 11, IBM giới thiệu Eagle, chip lượng tử mạnh nhất thế giới với 127 qubit. Trong khi đó, startup công nghệ QuEra của Mỹ cũng chế tạo hệ thống đạt 256 qubit, mạnh nhất từ trước đến nay. Đội ngũ đứng sau QuEra là các chuyên gia tại Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Máy tính lượng tử được kỳ vọng sẽ vượt qua những giới hạn của máy tính thông thường. Với sức mạnh tính toán vượt trội, giới khoa học kỳ vọng nó sẽ hữu ích trong nghiên cứu, như lập bản đồ các cấu trúc phân tử phức tạp, hay phản ứng hóa học. Dù vậy, đến nay việc ứng dụng máy tính lượng tử vào nhiệm vụ thực tế vẫn còn hạn chế.
Bảo Lâm
[ad_2]