[ad_1]
Động thái của Trung Quốc đi ngược với xu hướng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn khác hiện nay là tiến tới thắt chặt để chống lạm phát.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 20/12 có động thái hạ lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020 – giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch Covid-19 ở nước này. Động thái của Trung Quốc đi ngược với xu hướng chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn khác hiện nay là tiến tới thắt chặt để chống lạm phát.
Theo tin từ CNBC, PBOC hạ lãi suất tham chiếu của các khoản vay kỳ hạn 1 năm còn 3,8% từ mức 3,85% trước đó, tương đương mức giảm 0,05 điểm phần trăm. Lãi suất tham chiếu của các khoản vay kỳ hạn 5 năm được giữ nguyên ở mức 4,65%.
Lần gần đây nhất Trung Quốc hạ lãi suất cơ bản các khoản vay kỳ hạn 1 năm và 5 năm là vào tháng 4/2020. Các lãi suất này ảnh hưởng đến lãi suất các khoản vay dành cho doanh nghiệp và hộ gia đình.
Việc PBOC hạ lãi suất không nằm ngoài dự báo của giới phân tích, bởi kinh tế Trung Quốc gần đây có nhiều dấu hiệu giảm tốc, đòi hỏi triển khai các biện pháp hỗ trợ bằng cả chính sách tài khoá và tiền tệ. Đặc biệt, cuộc khủng hoảng thanh khoản đang có chiều hướng lan rộng và leo thang trong ngành bất động sản Trung Quốc cũng khiến các nhà chức trách ở Bắc Kinh lo ngại.
Mới đây, PBOC đã có động thái cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ hai trong năm nay. Đợt giảm dự trữ bắt buộc này ước tính giải phóng lượng vốn khoảng 188 tỷ USD trong hệ thống ngân hàng thương mại.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới vượt qua được cú sốc do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhưng năm nay, nhất là từ tháng 7, kinh tế Trung Quốc giảm tốc rõ rệt do tiêu dùng yếu, chính sách “zero Covid”, và các quy chế giám sát thắt chặt, đặc biệt đối với các công ty trong lĩnh vực bất động sản.
Tại Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương thường niên của Chính phủ Trung Quốc hồi đầu tháng 12, các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc nhấn mạnh rằng trong năm tới, nước này sẽ đặt trọng tâm lớn hơn vào ổn định. Hội nghị kết luận “chính sách tiền tệ sáng suốt cần có sự linh hoạt và phù hợp với thực tiễn, thanh khoản cần được duy trì ở mức hợp lý và đầy đủ” – truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Việc PBOC nới lỏng đồng nghĩa chính sách tiền tệ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ ngược chiều trong năm tới, bởi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang rút lại các biện pháp kích thích tăng trưởng. Trong cuộc họp tuần trước, Fed tuyên bố đẩy nhanh tốc độ cắt giảm chương trình mua tài sản và dự kiến nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022.
Không chỉ Fed thắt chặt, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) tuần trước cũng nâng lãi suất để chống lại đà leo thang của lạm phát.
[ad_2]