[ad_1]

Người đời khoái đọc Liêu Trai Chí Dị là tại trong tâm khảm mỗi người đều chán cái tầm thường hoặc cảm thấy cuộc đời nhạt nhẽo với cái  đĩ tủn  trong gia đình. Họ muốn tìm đến một yêu phụ qua tưởng tượng của tiểu thuyết nhưng lại rất sợ thực sự phải gặp người đàn bà yêu quái làm cho mình điên đứng khốn khổ.
Những yêu phụ hay yêu nữ của tiểu thuyết Liêu Trai bên Đông hay bên Tây đều mang hai tính chất căn bản:
a) Đẹp lạ lùng ma quái
b) Gây tai họa
Hãy đọc Théophile Gautier tả trong truyện  La morte amoureseuse:
Trời ơi nàng đẹp mê hồn. Trăm bức danh học về giai nhân từ xưa đến nay cũng không thể so sánh với con người bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt tôi.
Thân thể nàng đều đặn như pho tượng nữ thấn, mái tóc nâu óng mượ như tơ buông xõa trên vai, như dòng suối chảy. Làn da trắng mịn, lông mày mọc vòng cánh cung, hàng mi cong và đôi mắt trong xanh như ngọc, tôi chưa bao giờ được nhìn đôi mắt đẹp đến như vậy trên khuôn mặt một người. Tia mắt nàng mang sức quyến rũ thần diệu, nàng nhìn ai thì tim kẻ ấy muốn ngưng đập.
Nàng là thiên thần hay nàng là ma quái hay nàng vừa là thiên thần vừa là ma quái. Chỉ biết rằng người đàn bà tầm thường không thể sinh ra một giai nhân tuyệt như vậy. Hàm răng hạt lựu óng ánh, cặp môi hồng dìi dịu, má hây hây điểm thêm hai lúm đồng tiền duyên dáng. Cái mũi cao hơi đưa lên kênh kiệu của dòng máu quý tộc. Nàng đao một chuỗi ngọc chạy dài xuống ngực. Chiếc áo vàng bằng nhung bó sát thân hình tròn trịa, hai cánh tay nuột nà, những ngón tay úp măng xinh xinh.
Một huyền thoại Ấn độ đã vẽ chân dung người đàn bà yêu quái:
Ta lấy sương đọng trên hoa làm nước mắt
Lấy gió làm nét lẵng lơ
Lây kim cương làm vẻ táo bạo
Lấy hổ cái tạo lòng tàn nhẫn
Lấy băng tuyết làm nét lạnh lùng.
Yêu phụ không có nghĩa là người đàn bà dâm đãng, trái lại đôi khi yêu phụ là người đàn bà lạnh (frigide). Đặc tính của yêu phụ dùng sắc ính như một vũ khí để đưa mình lên ngôi vị bạo chúa, biến lũ đàn ông thành thần hạ, thành đồ chơi tuyệt đối phục tòng, tôn thờ. Nhu cầu của yêu phụ là chi phối. Các cụ đồ nho gọi yêu phụ bằng danh từ xà yết mỹ nhân (mỹ nhân rắn rết) hay vọng quốc yêu nghiệt (con yêu tinh làm mất nước).
Hai danh từ trên do tích « Đát Kỷ sủng phi của vua Trụ » và « Bao Tự sủng phi của U Vương » mà ra.
Bao Tự ưa nghe tiếng xé lụa, bắt U Vương hàng ngày phải mang cả mấy chục tấm lụa quý ra xé cho nàng nghe.
Dương Quý Phi khoái ăn trái vải, miền Bắc rét mướt kiếm đâu cho ra trái đó, mùa vải tới, vua ra lệnh phương Nam phải mang lên tiến. Cách xa cả mấy ngàn cây số, lại chạy bằng ngựa trạm thay đổi ngày đêm. Một trái vải đưa lên miệng Quý Phi là công lao của cả trăm người mệt nhọc lặn suối băng rừng nhiều lúc cả ngựa lẫn người đều chết.
Phần lớn yêu phụ thường có tính kỳ quặc. Tâm lý học gia Tây phương xếp yêu phụ vào loại  sadique  có phần không đúng lắm.
Tướng học phát hiện yêu phụ qua những điểm nào ? Tìm ra yêu phụ cần sự phối hớp tinh tường giữa tâm tính và thể thái.
– Về tâm tính yêu phụ có lòng tự tin rất cao, đa năng và cực thông minh.
– Về thể thái bao giờ đôi mắt cũng hữu quang xạ nhân (ánh mắt bắn ra mạnh) hay gọi là thủy tinh nhãn (mắt thủy tinh).
– Miệng nhỏ răng trắng mà nhỏ (bởi vì miệng lớn dễ thành tướng ác phụ hơn là yêu phụ, miệng nhỏ đối với đàn bà còn là biểu hiện của sự thông tuệ)
–  Thân hình thượng đoản hạ trường, thân trên ngắn, từ eo xuống gout chân dài.
– Da trắng trong và dáng dấp  tựa thu thủy (thu  thủy vi thần bạch như ngọc).
Có thể muợn thêm vài điểm ghi trong cuốn Les femmes của Philippe de Dascogne như sau:
– L’expressivité du visage
– La puissance et la souplesse expressive du regard
– La timbre et la pensée
– La lucidité de l’intelligence.
Sở dĩ phải mượn thêm của Gascogne là vì cổ học phương Đông và Tướng Mệnh học thiếu chữ  có duyên  (charme). Nếu thiếu  charme  thì nhất định không thể thành yêu phụ được.
Còn thân phận của yêu phụ ra sao ? Yêu phụ thường phú quý nhưng không bền, không thọ và phần nhiều hung tử. Cuộc đời lên xuống sống chết lúc nào cũng theo sự sắp xếo của tướng cách mà đoán.

[ad_2]