[ad_1]
Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) vừa ký ban hành Kết luận số 06/KL-UBND về việc ban hành kết luận kiểm tra về công tác tham mưu việc hiến đất làm đường và cho ý kiến đối với các trường hợp tách thửa trên địa bàn huyện.
Theo đó, kết luận kiểm tra đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế liên quan đến việc tham mưu về việc hiến đất làm đường.
Cụ thể, hồ sơ của người sử dụng đất xin hiến đất, mở đường đi chưa đảm bảo, còn thiếu chặt chẽ, đơn của người sử dụng đất chỉ do cá nhân ký mà không phải tất cả những người được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ký. Cá biệt nhiều đơn, người được ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính ký thay vào đơn mang tên của người được cấp GCNQSDĐ để hiến đất là chưa đảm bảo tính pháp lý theo quy định của Luật Dân sự.
Kết luận kiểm tra cũng đã chỉ ra, đối với 35/43 trường hợp người sử dụng đất có đơn xin mở đường đi, với mục đích nhu cầu thực tế là ”xin phép mở đường đi để đủ điều kiện tách thửa”. Trong khi đó báo cáo lại thể hiện, ”người sử dụng đất xin mở đường đi với mục đích để mở đường đi chung cho cộng đồng dân cư,… ” là phản ánh chưa chính xác, chưa đúng với thực tế.
Sau khi được UBND huyện chấp thuận chủ trương cho mở đường, người dân đã đầu tư xây dựng các tuyến đường, tự thiết kế, lập bản vẽ phân lô để rao bán và hình thành một số điểm dân cư mới tự phát, không theo quy hoạch, kế hoạch của địa phương.
Cùng với đó, việc tham mưu cho UBND huyện chấp thuận chủ trương đối với một số trường hợp người sử dụng đất xin mở đường chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo đúng theo các quy định và điều kiện thực tế của địa phương,…
Kết luận cũng đã chỉ ra hàng loạt tồn tại, hạn chế khác có liên quan đến công tác việc tham mưu đối với việc hiến đất làm đường và cả việc tham mưu cho ý kiến đối với các trường hợp tách thửa tại địa bàn.
Kết luận kiểm tra của UBND huyện Lâm Hà đã chỉ ra nguyên nhân của thực trạng nêu trên, là do tình hình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Đồng thời nhiều dự án xây dựng công trình công cộng, đường giao thông,… đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng, dẫn đến giá đất tại địa bàn huyện có chiều hướng tăng cao.
Trong khi đó, một số cá nhân đã lợi dụng việc hiến đất mở đường để hợp thửa, tách thửa, chuyển mục đích và phân lô nhằm mục đích chuyển nhượng để hưởng lợi, nhưng không tuân thủ đúng các quy định pháp luật có liên quan.
Đặc biệt, để xảy ra thực trạng nêu trên còn có nguyên nhân chủ quan từ phòng kinh tế – hạ tầng, UBND các xã, thị trấn có liên quan.
Nơi diễn ra rầm rộ, chỗ im ắng đến lạ thường! Trong khi thực trạng hiến đất, mở đường để tách thửa diễn ra rầm rộ ở các địa phương như TP. Bảo Lộc, huyện Lâm Hà, thì trên địa bàn thành phố Đà Lạt lại rất im ắng. Đơn cử, từ năm 2018 đến nay trên địa bàn thành phố Bảo Lộc đã có 3.873 trường hợp (hồ sơ) tách thửa. Trong đó có 115 trường hợp hộ gia đình, cá nhân hiến đất làm đường giao thông mới, tách thành nhiều thửa đất. Trong số đó, số thửa mới sau khi tách có hiến đất, mở đường là 2.454 thửa đất, đã được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Cũng liên quan đến vấn đề hiến đất mở đường để tách thửa, ngày 23/12/2021, UBND thành phố Đà Lạt cũng đã có Báo cáo số 8412/BC-UBND về việc tổng hợp, đánh giá việc hiến đất, mở đường nhằm mục đích tách thửa của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố. UBND thành phố Đà Lạt cho biết, từ ngày 1/1/20218 đến tháng 12/2021 tại địa bàn thành phố Đà Lạt không có trường hợp hộ gia đình, cá nhân cũng như tổ chức thực hiện việc hiến đất, mở đường nhằm mục đích phân lô, tách thửa. Đồng thời, UBND thành phố Đà Lạt không nhận được đơn xin hiến đất làm đường của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố.
|
[ad_2]