[ad_1]

Vụ hủy bỏ 9 lô trái phiếu đã phát hành của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua là “chưa từng có tiền lệ” và việc xử lý hệ quả của sự việc này dường như đang khá lúng túng.

Huỷ trái phiếu Tân Hoàng Minh: Chưa từng có trong tiền tệ

Vào ngày 3/4/2022, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã công bố quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến 3/2022 của Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Cung điện Mùa đông, Công ty Soleil (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các công ty nói trên đã có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin khi phát hành trái phiếu riêng lẻ, thực hiện 9 đợt chào bán trái phiếu để huy động vốn với tổng trị giá 10.030 tỷ đồng.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam, để điều tra về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến các vi phạm trong hoạt động chào bán, huy động vốn của các nhà đầu tư tại 9 đợt chào bán trái phiếu nói trên.

Vụ huỷ 9 lô trái phiếu Tân Hoàng Minh: Học được gì từ cách xử lý sự cố vỡ nợ trái phiếu của đại gia bất động sản Trung Quốc Evergrande?

Một dự án chung cư do Tân Hoàng Minh phát triển tại Hà Nội. Ảnh: Tân Hoàng Minh

Trong vài tháng qua, các công ty môi giới đã quảng cáo trái phiếu Tân Hoàng Minh trên mạng xã hội với lời hứa rằng bất kỳ ai có trên 100 triệu đồng đều có thể trở thành đối tác mua trái phiếu với mức lãi suất cam kết lên tới 12%/năm.

Trong khi đó, pháp luật Việt Nam không cho phép các công ty phát hành trái phiếu phát hành riêng lẻ ra công chúng và chỉ được bán cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp, được định nghĩa là những nhà đầu tư có tổng số chứng khoán nắm giữ trên 2 tỷ đồng hoặc có thu nhập chịu thuế 1 tỷ đồng.

Hầu hết các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm, không nhận thức được rủi ro liên quan, đã đầu tư tiền bởi lãi suất cao.

Đến ngày 27/4, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước phát đã đi thông tin về việc hoàn tiền cho nhà đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, liên quan đến 9 lô trái phiếu bị hủy bỏ theo quyết định của cơ quan này. Về các bước thực hiện, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã đề nghị các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các nhà đầu tư liên hệ làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Về việc thu xếp tài chính để hoàn trả tiền cho nhà đầu tư, Tân Hoàng Minh cho biết đã làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra, các đơn vị liên quan để thu xếp các nguồn tài chính và cam kết sẽ phối hợp toàn diện, chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trước và trong khi thực hiện hoàn trả theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, đến nay, phía Tân Hoàng Minh vẫn chưa có lộ trình cụ thể cũng như thủ tục để hoàn tiền cho các nhà đầu tư đã mua trái phiếu.

Việc hướng dẫn các nhà đầu tư về quy trình, thủ tục để được hoàn tiền cũng đang tỏ ra khá lúng túng, bởi vụ việc hủy bỏ 9 lô trái phiếu đã phát hành là chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.

Tính bán đất trả nợ: Dễ hay khó?

Ông Đỗ Hoàng Minh, người điều hành tập đoàn thay cha, cho biết Tân Hoàng Minh sẽ bán ít nhất 2-3 dự án để thu xếp tiền trả cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

Tuy nhiên, việc thanh lý tài sản cũng như tìm kiếm khách hàng mua dự án trong bối cảnh hiện nay của Tân Hoàng Minh được đánh giá là không dễ dàng.

Hiện Tân Hoàng Minh có khoảng hơn 10 dự án bất động sản, trong đó một số dự án đã hoàn thành tại Hà Nội như D’. Capitale tại Trần Duy Hưng, D’. El Dorado II tại Võ Chí Công, D’, Palais Louis tại Nguyễn Văn Huyên.

Cũng tại Hà Nội, Tân Hoàng Minh cũng có kế hoạch phát triển một loạt các dự án như D’. Jardin Royal (Đại Cồ Việt), dự án Việt Hưng (Long Biên), dự án tại 11A Cát Linh, Tân Hoàng Minh Ngọc Linh tại Yên Phụ, Tân Hoàng Minh Academy tại Tây Hồ Tây…. Đặc biệt, Tân Hoàng Minh còn là chủ dự án trên khu đất vàng trước là nhà máy rượu Hà Nội ở số 94 Lò Đúc.

Tại khu vực miền Trung, Tân Hoàng Minh đang đầu tư dự án D’. Metropole Hà Tĩnh. Ở khu vực miền Nam, Tân Hoàng Minh đầu tư quần thể du lịch tại Phú Quốc, Kiên Giang với quy mô 34 ha và đang phát triển dự án tháp văn phòng D’. Saint Raffles tại quận 1, TPHCM.

Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, nếu các cơ quan quản lý có thể phối hợp với Tân Hoàng Minh giải quyết ổn thỏa quyền lợi của trái chủ là tổ chức và cá nhân thì mức độ thiệt hại sẽ được giới hạn trong phạm vi hẹp. Ngược lại, nếu họ vỡ nợ hoặc phá sản thì lúc đó thị trường tài chính cũng như các ngân hàng liên quan đến việc cấp tín dụng cho Tân Hoàng Minh sẽ chịu tác động lan tỏa mạnh hơn.

Theo thông tin công bố trên cổng thông tin trái phiếu doanh nghiệp, các khoản trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc Tân Hoàng Minh đều là các trái phiếu có tài sản đảm bảo bằng quyền sử dụng đất kèm chứng thư định giá hoặc bằng các tài sản thế chấp là cổ phiếu với giá trị theo chứng thư định giá có giá trị 130% – 200% giá trị của các đợt huy động.

Tuy nhiên, đây hầu hết là các doanh nghiệp chưa niêm yết do đó khả năng thanh lý tài sản đảm bảo sẽ có mức độ khả thi thấp hơn và mất nhiều thời gian trong quá trình xử lý thu hồi tài sản đảm bảo.

Sự kiện Tân Hoàng Minh được đánh giá cũng sẽ tác động đến các doanh nghiệp bất động sản, khả năng huy động vốn qua kên trái phiếu sẽ khó khăn hơn khi nhà đầu tư sẽ có góc nhìn dè dặt hơn rất nhiều về tính an toàn của sản phẩm.

Đối với thị trường trái phiếu nói chung, theo VCBS, nhà đầu tư đang nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản tương đương có thể cân nhắc tất toán bán lại trước thời hạn và chấp nhận chi phí phạt hoặc bán với giá chiết khấu.

Evergrande giải quyết khoản vay với sự trợ giúp của Nhà nước

Quyết định huỷ cùng lúc nhiều đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của Tân Hoàng Minh là chưa từng có tiền lệ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi vụ việc này xảy ra và trở thành tâm điểm, đã có không ít bàn luận xoay quanh sự cố vỡ nợ trái phiếu của tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc là Evergande diễn ra trong năm 2021 và đã có nhiều lời cảnh báo được đưa ra về sức ảnh hưởng của sự kiện này đến thị trường Việt Nam.

Vụ huỷ 9 lô trái phiếu Tân Hoàng Minh: Học được gì từ cách xử lý sự cố vỡ nợ trái phiếu của đại gia bất động sản Trung Quốc Evergrande?

Những người biểu tình đòi China Evergrande Group trả lại tiền khi cảnh sát đứng gác bên ngoài Evergrande International Center ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 4/1/ 2022. Ảnh: Reuters

Theo Reuters, các nhà đầu tư vào các sản phẩm tài chính do China Evergrande Group phát hành đã biểu tình bên ngoài văn phòng của công ty ở Quảng Châu vào đầu năm nay, khi nhiều người lo lắng rằng lợi nhuận của họ sẽ bị hy sinh để giữ cho các dự án bất động sản tiếp tục tồn tại. Các thành viên của đám đông khoảng 100 người đã hét lên: “Evergrande, hãy trả lại tiền của chúng tôi!”.

Từng là nhà phát triển bán chạy hàng đầu của Trung Quốc nhưng hiện đang lao đao với khoản nợ hơn 300 tỷ USD.

Evergrande đã công bố quay số kế hoạch trả nợ cho các nhà đầu tư vào các sản phẩm tài chính của công ty, thông báo rằng mỗi người có thể được trả 8.000 nhân dân tệ (1.256 USD) mỗi tháng, thanh toán gốc trong ba tháng bắt đầu từ tháng 1/2022.

“Tôi nghĩ điều đó là vô vọng và tôi sợ hãi, nhưng nếu chúng tôi không đấu tranh cho quyền lợi của mình, điều đó còn tồi tệ hơn”, một phụ nữ đã nghỉ hưu họ Du đứng biểu tình bên ngoài văn phòng của Evergrande và cho biết bà đã đầu tư 1 triệu nhân dân tệ trong các sản phẩm quản lý tài sản của Evergrande.

“Nền kinh tế hiện tại không tốt, đây là những người bình thường và họ cần số tiền này cho con cái, để hỗ trợ cha mẹ của họ”, bà Du nói.

Bị thu hút bởi lời hứa về lãi suất 12%, cùng những món quà như máy lọc không khí Dyson và túi hàng hiệu Gucci, và sự bảo lãnh của nhà phát triển bất động sản bán chạy nhất Trung Quốc, hàng chục nghìn nhà đầu tư đã mua các sản phẩm quản lý tài sản của Evergrande.

Hơn 80.000 người – bao gồm nhân viên, gia đình và bạn bè của họ cũng như chủ sở hữu các bất động sản ở Evergrande – đã mua các sản phẩm huy động được hơn 100 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm qua.

“Chúng tôi lo lắng mình sẽ bị hy sinh”, một người biểu tình 34 tuổi làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử nói. “Đối với những người trẻ tuổi như tôi thì không sao, chúng tôi vẫn có thể kiếm lại được, nhưng tôi lo lắng về những người lớn tuổi đã đặt mọi thứ vào việc này”, cô nói.

Evergrande đã trở thành biểu tượng cho những khó khăn mà nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt và lĩnh vực bất động sản từng phát triển mạnh mẽ của nước này. Sau khi mở rộng và vay với tốc độ chóng mặt, Evergrande đã phải vật lộn để tìm tiền mặt cho các hóa đơn quá hạn, các khoản nợ chưa thanh toán và trả tiền lương cho những công nhân đã xây dựng hàng triệu căn hộ của tập đoàn trên khắp Trung Quốc.

Những rắc rối của Evergrande một phần là kết quả của việc Bắc Kinh quyết định trấn áp thói quen vay mượn của các công ty lớn nhất Trung Quốc bằng cách hạn chế quyền tiếp cận các khoản vay ngân hàng. Giống như nhiều nhà phát triển Trung Quốc, Evergrande vẫn có thể thu về tiền mặt giữa cuộc đàn áp bằng cách bán các căn hộ chưa xây dựng.

Nhưng những khoản nợ khổng lồ của Evergrande cuối cùng đã khiến nhiều người mua nhà sợ hãi, khiến thị trường bất động sản ớn lạnh. Hết tiền và hết thời, Evergrande hiện nợ hơn một triệu căn hộ cho những người mua nhà đã xuống tiền.

Hồi tháng 3/2022, Evergrande cho biết sẽ công bố đề xuất tái cơ cấu nợ vào cuối tháng 7.

Evergrande đã thành lập một ủy ban quản lý rủi ro vào tháng 12, bao gồm hầu hết các thành viên từ các doanh nghiệp nhà nước, do chính quyền tỉnh Quảng Đông đang lãnh đạo việc tái cơ cấu.

Trước đó, hai nguồn thạo tin nói với Reuters rằng Evergrande có kế hoạch trả lại đất đã được sử dụng làm tài sản thế chấp cho khoản vay ủy thác cho chính quyền Quảng Châu, cung cấp một mô hình có thể được nhân rộn với sự tham gia của chính quyền địa phương vào các công ty bất động sản Trung Quốc mắc nợ khác.

Theo các nguồn tin, thỏa thuận xoay quanh khoản vay tín chấp 3,25 tỷ nhân dân tệ (510,73 triệu USD) mà CITIC Trust cấp cho Evergrande bằng cách sử dụng vốn huy động từ các nhà đầu tư, theo các nguồn tin và một tài liệu được Reuters xem xét.

Theo kế hoạch, CITIC sẽ trả lại khu đất được sử dụng làm tài sản thế chấp cho Evergrande, sau đó sẽ chuyển cho chính quyền thành phố Quảng Châu để rao bán.

Các nguồn tin cho biết, Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Thành phố Quảng Châu thuộc sở hữu nhà nước sẽ đóng vai trò bảo lãnh cho khoản vay và CITIC sẽ hoàn trả số tiền gốc cho các nhà đầu tư của mình trong vòng hai năm bằng nguồn vốn từ chính quyền thành phố Quảng Châu.

Một người dân cho biết kế hoạch vẫn đang chờ phê duyệt từ các nhà đầu tư của khoản vay tín chấp.

Nếu được thực hiện thành công, mô hình chính quyền địa phương và các chủ nợ cùng hợp tác để giải quyết vấn đề trả nợ của Evergrande có thể được nhân rộng cho các khoản vay tín chấp khác, các nhà phân tích cho biết, và nhiều công ty của thành phố thuộc sở hữu nhà nước có thể tham gia vào quá trình tái cơ cấu nợ của Evergrande.

Chính thức hiện thực hoá kế hoạch này, vào ngày 30/3, Evergrande thông báo sẽ bán dự án Crystal City đang được triển khai tại thành phố Hàng Châu với giá 3,66 tỷ nhân dân tệ (575 triệu USD) cho hai công ty nhà nước là Công ty bất động sản Zhejiang Zhejian và Công ty cơ khí xây dựng Zhejiang nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh khoản.

Khoản tiền huy động được từ việc thương vụ này sẽ được Evergrande trích để thanh toán phí xây dựng 920,7 triệu nhân dân tệ nợ Công ty cơ khí xây dựng Zhejiang, phần còn lại đưa vào vốn lưu động chung.

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/vu-huy-9-lo-trai-phieu-tan-hoang-minh-hoc-duoc-gi-tu-cach-xu-ly-su-co-vo-no-trai-phieu-cua-dai-gia-bat-dong-san-trung-quoc-evergrande-109205.html

[ad_2]