[ad_1]

Tâm lý nhà đầu tư cá nhân không vững vàng và bảng giá “đứng hình” bất thường đã kích hoạt đợt chốt lời mạnh nhất trong một tháng.

“Quá choáng”, ông Nguyễn Nhật Cường – Phó Phòng Sản phẩm đầu tư tại Vietinbank Securities nói với VnExpress khi được hỏi về cảm xúc sau phiên giao dịch 10/1.

Đó cũng là tâm trạng chung của phần đông nhà đầu tư khi chứng kiến phiên giao dịch đầu tuần. Buổi sáng chỉ số lên nhanh, có lúc tăng 7 điểm để lập đỉnh mới 1.535 điểm đúng như kịch bản nhiều nhóm phân tích dự đoán. Bước ngoặt xuất hiện khi bảng điện tử của một số công ty chứng khoán “đứng hình” sau giờ nghỉ trưa. Lo ngại tình trạng nghẽn lệnh trở lại, nhà đầu tư đặt lệnh bán ồ ạt. Trong vòng 5 phút, nhiều cổ phiếu đang tăng trên 5% (thậm chí chạm trần) như FLC, ROS, BCM, CII, LDG đồng loạt đảo chiều và giảm hết biên độ.

VN-Index bị kéo xuống vùng 1.504 điểm lúc đóng cửa, mất gần 25 điểm so với tham chiếu. Đây là phiên xả hàng mạnh nhất trong vòng một tháng qua, tính theo biến động tương đối của chỉ số và thanh khoản sàn chứng khoán TP HCM.

Theo ông Cường, mức giảm này là bất thường vì thị trường đang ở vùng trũng thông tin, tức không có thông tin tích cực hay bất lợi nào từ trong và ngoài nước. Tuy nhiên, diễn biến lại khá tương đồng với đợt biến động mạnh vào đầu tháng 12/2021. Điểm dễ nhận thấy nhất nằm ở chỗ những cổ phiếu giảm sâu và tác động mạnh đến thị trường đã tăng nóng vài chục phần trăm trong vòng một tuần. Đặc tính này khiến nhà đầu tư đang nắm giữ trở nên nhạy cảm với những biến động của thị trường. Khi có tín hiệu bán ra, họ chấp nhận xả hàng giá thấp để bảo toàn thành quả còn sót lại.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Hữu Phước, Trưởng phòng Môi giới khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Rồng Việt nói thêm, dòng tiền nóng đang chi phối thị trường rất lớn. Những phiên đi lên, tiền đổ vào cuồn cuộn để gom hàng. Những phiên đảo chiều, nhà đầu tư bán ra bằng mọi giá vì hiệu ứng FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) giá xuống.

Ông Phước loại trừ nguyên nhân thị trường điều chỉnh mạnh vì yếu tố cho vay ký quỹ, bởi yếu tố này chỉ xuất hiện khi thị trường giảm sâu 3-4 phiên liên tiếp và các công ty chứng khoán phải call margin (yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm tiền hoặc bán bớt chứng khoán).

Hai chuyên gia cùng đề cập đến những yếu tố vĩ mô là thông tin chi tiết về chương trình phục hồi kinh tế, tranh luận về việc tăng thuế chuyển nhượng chứng khoán, nhưng khẳng định tác động không lớn đến phiên giảm này. Đồng thời, cả hai nhấn mạnh việc tâm lý nhà đầu tư bị tác động bởi hiện tượng bảng giá một số công ty chứng khoán “đứng hình” và cho hay sẽ theo dõi sát sao yếu tố này trong các phiên giữa tuần.

Tối ngày 10/1, theo thông tin từ Bộ Tài chính, đây là sự cố mất ổn định tạm thời của hệ thống Gateway (hệ thống trả thông tin thị trường về cho các công ty chứng khoán) HoSE. Bộ giao Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) chỉ đạo các công ty thành viên khẩn trương báo cáo lãnh đạo Bộ tình hình, làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố trên ngay trong ngày 10/1 và khắc phục để giao dịch trở lại từ ngày mai.

Theo ông Cường, phiên ngày mai sẽ mang tính quyết định đến xu hướng ngắn hạn của thị trường. Nhiều khả năng chỉ số kiểm định vùng tâm lý 1.500 điểm trước khi phục hồi. Nếu lao xuống và xuyên thủng mốc 1.480 điểm thì kịch bản không mong đợi là đà giảm ngắn hạn sẽ được kích hoạt.

Ở chiều ngược lại, chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt nghiêng về kịch bản thị trường sẽ đi lên và lấy lại những gì đã mất trong phiên hôm nay.

“Như thế sẽ chứng minh hôm nay là phiên điều chỉnh tâm lý và dòng tiền vẫn mạnh” ông Phước nói, đồng thời dự đoán chỉ số còn nhiều cơ hội chinh phục vùng 1.570-1.600 điểm trong ngắn hạn.

Phương Đông

[ad_2]