[ad_1]

Vì sao bốn cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận bị kỷ luật?

Quá trình quy hoạch và chuyển đổi 62 ha từ đất sử dụng cho mục đích thể dục thể thao sang đất ở đô thị của dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết xảy ra nhiều vi phạm, là nguyên nhân khiến 4 cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận bị kỷ luật.

Giá đất bình quân 2,5 triệu đồng/m2

Bộ Chính trị vừa kỷ luật khiển trách ông Huỳnh Văn Tí ( Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015), cảnh cáo ông Nguyễn Mạnh Hùng ( Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2015-2020), cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Tiến Phương ( Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011-2016), khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Ngọc Hai ( Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2016-2021). Cả 4 cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận bị kỷ luật liên quan đến dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết khiến loạt cựu quan chức tỉnh Bình Thuận bị kỷ luật

Theo hồ sơ, năm 1993 Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp giấy phép đầu tư cho Công ty Regent International Overseas Corp của tỷ phú người Mỹ Larry Hillblom làm dự án sân golf Phan Thiết với diện tích 62 ha. Sau khi tỷ phú Larry Hillblom qua đời, sân golf này đã hai lần được bán lại cho hai chủ đầu tư nước ngoài khác. Đến ngày 15/11/2013, tỉnh Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư, điều chỉnh nhà đầu tư sang Công ty CP Rạng Đông và thay đổi người đại diện theo quy định pháp luật…

30 năm qua, tất cả Chủ tịch tỉnh Bình Thuận đều bị kỷ luật

Năm 2022 là cột mốc 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận, sau khi tách tỉnh Thuận Hải thành Bình Thuận và Ninh Thuận. Tuy nhiên, trong suốt 30 năm qua, tất cả 6 đời Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đều bị xử lý kỷ luật. Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 1991-1996 bị kỷ luật cách chức vì để xảy ra vụ phá rừng Tánh Linh với quy mô lớn. Tiếp đó, ông Trần Khán, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 1996-2001, bị kỷ luật miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh. Tiếp đến, ông Huỳnh Tấn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận từ 2001-2010 cũng bị kỷ luật cảnh cáo trước khi nghỉ hưu. Tiếp theo là các ông Lê Tiến Phương, Nguyễn Ngọc Hai và Lê Tuấn Phong cũng vừa bị kỷ luật.

Sau khi mua lại sân golf, Công ty CP Rạng Đông có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đổi từ đất thể dục thể thao sang đất ở đô thị. Ngày 7/5/2014, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận ra thông báo số 394/TB-TU đồng ý giao cho UBND tỉnh lập tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho xóa bỏ sân golf để chuyển sang đất ở đô thị. Tháng 10/2014, Thủ tướng có văn bản đồng ý đưa sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020.

Đến tháng 11/2015, tỉnh Bình Thuận có quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất cho diện tích 363.523m2 (gồm đất ở kết hợp thương mại dịch vụ chiếm 58,5% diện tích dự án). Phần còn lại là diện tích không thu tiền sử dụng đất là 257.132m2 theo quy định (đất công trình công cộng không nhằm mục đích kinh doanh, chủ đầu tư có trách nhiệm đầu tư hạ tầng giao cho địa phương quản lý chiếm 41,4% diện tích khu đất dự án). Giá đất bình quân mà Công ty CP Rạng Đông phải nộp là 2,5 triệu đồng/m2.

Vi phạm những gì?

Bộ Chính trị xác định, ông Huỳnh Văn Tí ( Bí thư tỉnh uỷ Bình Thuận nhiệm kỳ 2005-2010, 2010-2015) chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc chủ trì họp cho chủ trương về phương án quy hoạch chi tiết dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết có nội dung vi phạm quy định của pháp luật. Các thủ tục từ sơ khai đến quyết định chính thức của dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết kéo dài từ cuối nhiệm kỳ 2010-2015 đến đầu 2015-2020. Để xảy ra vi phạm trong việc xây dựng phương pháp xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, phê duyệt xây dựng chi tiết 1/500 của dự án…, việc hoán đổi 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội trong dự án…

Nhiều cán bộ liên đới

Liên quan dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp Kỳ thứ 14 đã kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; khiển trách các ông Đặng Công Huẩn, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và ông Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước. Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, những đảng viên này bị kỷ luật vì đã vi phạm trong chỉ đạo thanh tra, giải quyết tố cáo và kiểm toán tại tỉnh Bình Thuận.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2015-2020) chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong việc ký một số kết luận của Ban thường vụ tỉnh ủy cho chủ trương quy hoạch chi tiết và phương pháp, cách thức xác định giá đất của dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết có nội dung vi phạm quy định của pháp luật.

Trong khi đó, ông Lê Tiến Phương (Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011-2016) chịu trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cá nhân trong việc ký các văn bản vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư, nhà ở… Với dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, ông Phương là người trực tiếp ký kết nhiều quyết định quan trọng như báo cáo một số vấn đề đến Bộ Kế hoạch Đầu tư liên quan việc chuyển mục đích sân golf sang xây dựng đô thị; ký quyết định liên quan về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại sân golf thành đất ở đô thị; quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền sử dụng đất với diện tích gần 36,4ha được phép chuyển đổi mục đích sử dụng trong dự án…

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Hai (Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2016-2021) cùng chịu trách nhiệm về các sai phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận và với tư cách Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Trước đó, ông Hai đã bị khởi tố, bắt tạm giam từ ngày 10/2 do có liên quan sai phạm đất đai tại dự án Tân Việt Phát 2, TP. Phan Thiết.

DUY QUANG

Nguồn: https://vietstock.vn/2022/05/vi-sao-bon-cuu-lanh-dao-tinh-binh-thuan-bi-ky-luat-4222-961009.htm

[ad_2]