[ad_1]
VCCI lo ngại, việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay cho người bán sẽ tăng thêm chi phí 10,65 điểm phần trăm và vô số khó khăn khi xác định doanh thu tại kỳ tính thuế cùng rủi ro nộp thiếu, thừa tiền thuế…
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có thêm ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 126/2020/NĐ-CP ngày 19/20/2020 hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/20/2020 quy định hóa đơn chứng từ do Bộ Tài chính đang chủ trì soạn thảo.
TẠO THÊM GÁNH NẶNG VÌ CHI PHÍ TUÂN THỦ
Theo VCCI, các quy định như tại dự thảo sẽ tác động rất lớn đến doanh nghiệp và cho rằng, những góp ý của tổ chức này đối với dự thảo trước đây đã không được cơ quan soạn thảo tiếp thu ở dự thảo lần này.
So với quy định hiện hành, dự thảo có một số quy định mới về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử liên quan đến nghĩa vụ thuế của người bán trên sàn.
Cụ thể, về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay tại Điều 1.2 dự thảo (bổ sung Điểm k, Khoản 5 Điều 7 Nghị định 126/2020/NĐ-CP) quy định, “Sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến: có trách nhiệm đại diện cho người bán là cá nhân (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) khai thuế, nộp thuế cho cá nhân (Điểm k.1 Điều 7.5 (sửa đổi)); sàn thương mại điện tử không có chức năng đặt hàng trực tuyến: thực hiện kê khai, nộp thuế thay cho người bán là cá nhân trên cơ sở uỷ quyền theo quy định của pháp luật dân sự tại Điểm k.2, Điều 7.5 (sửa đổi)”
Về trách nhiệm cung cấp thông tin của người bán tại Điều 1.7 dự thảo (bổ sung Điều 27.8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP): “Sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hoá, dịch vụ trên sàn cho cơ quan thuế”.
VCCI cho rằng, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển. Các doanh nghiệp cung cấp nền tảng (hay sàn thương mại điện tử) đang cố gắng hỗ trợ chuyển đổi số cho người bán và phát triển hệ thống thương mại điện tử cũng như các loại hình dịch vụ mới.
Vì lẽ đó, các quy định mới cần phải cân nhắc thật sự thấu đáo để tránh tạo ra gánh nặng chi phí tuân thủ quá lớn cho các đối tượng trung gian này. Mặt khác, cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển và thúc đẩy các doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực này.
Theo VCCI, với dự thảo lần này, nổi lên một số điểm chưa phù hợp với bản chất hoạt động của sàn thương mại điện tử.
Thứ nhất, về vai trò của sàn thương mại điện tử, đó là nền tảng trung gian kết nối người mua và người bán, là một hình thức “chợ” nhưng thực hiện trên không gian mạng.
Lúc này, sàn thương mại điện tử có vai trò như ban quản lý “chợ” trên nền tảng của mình, xây dựng quy chế hoạt động; kiểm tra, giám sát người bán và hỗ trợ cơ quan chức năng xử lý người bán có hành vi phạm; hỗ trợ người mua trong việc giải quyết tranh chấp và cùng đó là một số nghĩa vụ khác.
Cần lưu ý rằng: trách nhiệm về chất lượng, thông tin, quảng cáo về sản phẩm, hàng hoá… thuộc về người bán.
Thứ hai,việc kiểm soát dòng tiền thanh toán, nhiều sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng không thu nhận toàn bộ dòng tiền trong tất cả các giao dịch qua sàn, vì sàn sẽ không nhận được tiền của người mua hàng nếu họ thanh toán bằng tiền mặt.
Khi các giao dịch trên sàn được thanh toán bằng tiền mặt, tiền hàng sẽ chuyển từ người mua qua đơn vị vận chuyển (thông qua shipper) về người bán. Hoặc ngược lại, shipper sẽ trả trực tiếp cho người bán và nhận lại tiền từ người mua.
“Việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử kê khai, nộp thuế thay cho người bán sẽ tạo ra áp lực rất lớn tài chính cho sàn khi phải ứng trước một khoản tiền thuế từ người bán phải đóng. Thực tế, các giao dịch thanh toán tiền mặt hiện đang chiếm ưu thế 86% và tạo áp lực về hoạt động khi phải thực hiện việc thu lại số tiền thuế của người bán”.
Trong nhiều trường hợp, sàn thương mại điện tử không có đủ công cụ cũng như quyền lực để thực thi yêu cầu người bán trả lại tiền thuế mà sàn đóng thay. Điều này sẽ gây khó khăn lớn cho hoạt động của sàn thương mại điện tử.
Để đánh giá tác động của quy định này đối với doanh nghiệp, VCCI tiến hành khảo sát sơ bộ 107 sàn thương mại điện tử trong khoảng thời gian từ tháng 4 – 5/2022.
Kết quả cho thấy, về chi phí kinh doanh, quy định về kê khai, nộp thuế thay sẽ gia tăng tương đối đáng kể chi phí cho các sàn thương mại điện tử.
Mức chênh lệch tỷ lệ tổng chi phí trên doanh thu của năm 2022 so với năm 2021 theo phương án kê khai, nộp thuế thay cao hơn 10,65 điểm phần trăm so với phương án không phải thực hiện nghĩa vụ này. Trong đó, chi phí công nghệ thông tin sẽ cao hơn 5,2 điểm phần trăm; chi phí mua ngoài liên quan đến công nghệ thông tin cao hơn 9,45 điểm phần trăm và chi phí nhân sự tăng 19,86 điểm phần trăm…
“Đặc biệt, trong bối cảnh trên 80% các sàn thương mại điện tử đều trả lời đang lỗ và sẽ tiếp tục lỗ trong những năm tới, quy định này có thể sẽ tạo thêm gánh nặng tuân thủ lớn cho các sàn thương mại điện tử”, báo cáo VCCI nêu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp sẽ nảy sinh hàng loạt khó khăn, trở ngại khi thực hiện quy định.
Nhiều công việc cụ thể cần thực hiện theo quy định được đánh giá là “khó” và “rất khó” theo cảm nhận của sàn thương mại điện tử như gần 57% sàn thấy khó khăn trong phân loại hàng hóa theo tỷ lệ thuế; 43% cho rằng khó thu thập, trích xuất dữ liệu người bán; thậm chí gần 70% khẳng định rất khó để thực hiện kê khai, nộp thuế thay.
Các sàn thương mại điện tử cũng có chia sẻ nhiều lo ngại nếu thực hiện nghĩa vụ trên sẽ phải thay đổi quy trình quản lý và vận hành của doanh nghiệp; 100% sàn thương mại điện tử cho rằng sẽ gặp khó khăn trong việc xác định doanh thu của người bán tại kỳ tính thuế; 100% lo ngại gặp rủi ro liên quan đến việc nộp thừa hoặc thiếu tiền thuế.
XUNG ĐỘT VỚI QUY ĐỊNH KHÁC
Bên cạnh đó, VCCI phân tích, quy định tại Điều 1.2 dự thảovề nghĩa vụ kê khai, nộp thuế thay của sàn thương mại điện tử là chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng.
Quy định tại dự thảo không thống nhất với quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế giá trị gia tăng về chủ thể có trách nhiệm kê khai, nộp thuế của người bán trên sàn thương mại điện tử.
Mặt khác, dự thảo quy định sàn thương mại điện tử có trách nhiệm đại diện cho người bán thực hiện kê khai, nộp thuế thay.
Quy định này chưa phù hợp với quy định của pháp luật dân sự về chế định đại diện. Quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến tại dự thảo có tính chất bắt buộc, do đó, trách nhiệm đại diện trong trường hợp này sẽ phát sinh một cách bắt buộc (không tự nguyện) và tự động (không cần có văn bản uỷ quyền). Căn cứ đại diện này không phù hợp với bất kỳ căn cứ phát sinh đại diện nào theo pháp luật dân sự.
Đáng quan ngại, riêng quy định này được ban hành, sửa đổi và thực hiện trong chưa đầy một năm và đến nay lại được đề xuất thay đổi bằng quy định tại dự thảo. Việc này có thể gây lo ngại cho các sàn thương mại điện tử về môi trường pháp lý thiếu ổn định, nhiều rủi ro.
Quy định này cũng chưa rõ ràng ở hàng loạt điểm. “Về cách thức thực hiện, dự thảo chưa quy định rõ các sàn thương mại điện tử sẽ thực hiện kê khai và nộp thuế thay thuế cho người bán trên tất cả các đơn hàng hay chỉ khấu trừ khi xác định người bán có doanh thu trong năm trên 100 triệu đồng?”, VCCI đặt vấn đề. Bởi vì, người bán là cá nhân chỉ có trách nhiệm nộp thuế nếu có doanh thu trong năm trên 100 triệu đồng.
Nếu chỉ thực hiện với người bán có doanh thu vượt ngưỡng, các sàn thương mại điện tử sẽ gặp khó khăn trong việc xác định khi nào người bán vượt ngưỡng doanh thu để thực hiện kê khai, nộp thuế thay.
“Quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến tại dự thảo còn thiếu căn cứ pháp lý để ban hành, thiếu sự thống nhất với các quy định pháp luật liên quan, chưa rõ ràng, không hợp lý và tạo ra gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn, việc xác định mức doanh thu 100 triệu là mức doanh thu trên một sàn hay tính trên tất cả các sàn? Tiêu chí để nào để có thể xác định một người bán có doanh thu trên 100 triệu khi bắt đầu năm kinh doanh?
Việc kê khai, nộp thuế thay cũng chỉ nên thực hiện trên cơ sở uỷ quyền của pháp luật dân sự.
“Việc thu thuế thương mại điện tử hiệu quả cần có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng. Sự hỗ trợ này có thể đến từ việc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế”, VCCI nhấn mạnh. Việc cung cấp thông tin cũng cần lưu ý không tạo ra gánh nặng chi phí bất hợp lý cho các sàn thương mại điện tử.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc tổ chức, cá nhân tự khai – tự nộp là nguyên tắc của thuế ở hầu hết các quốc gia phát triển cũng như ở Việt Nam. Vì vậy, nếu quy định sàn thương mại điện tử phải nộp thuế thay cho các cá nhân, hộ kinh doanh rõ ràng không hợp lý vì chủ sàn chỉ là đơn vị trung gian, đảm bảo sàn hoạt động tốt và kết nối người bán – người mua mà không phải chịu trách nhiệm chính trong việc nộp thuế cũng giám sát việc thu thuế.
CUNG CẤP THÔNG TIN TỔNG GIÁ TRỊ ĐƠN HÀNG MỖI NĂM MỘT LẦN
Theo Điều 1.7 dự thảo (bổ sung Điều 27.8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP), sàn thương mại điện tử sẽ phải cung cấp thông tin về người bán định kỳ theo quý cho cơ quan thuế. VCCI cho rằng, quy định này cần được xem xét kỹ.
Thứ nhất, về thông tin doanh thu, dự thảo không có quy định rõ ràng về doanh thu của người bán trên sàn.
Định nghĩa về doanh thu được căn cứ theo quy định tại Điều 10.1 Thông tư 40/2021/TT-BTC. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, định nghĩa về doanh thu như vậy là quá phức tạp và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tổng hợp thông tin.
Cũng theo kết quả khảo sát, gần một nửa các sàn thương mại điện tử thực hiện tổng hợp doanh thu của người bán theo cách tính tổng giá trị các đơn hàng. Do vậy, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng doanh thu của người bán được hiểu là tổng giá trị đơn hàng.
Thứ hai, về tần suất cung cấp thông tin, dự thảo đang quy định doanh nghiệp cung cấp thông tin theo quý.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc này là không cần thiết và tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Từ quan điểm của các doanh nghiệp, mục đích của việc cung cấp thông tin từ sàn thương mại điện tử nên được coi như một kênh đối chiếu thông tin giúp cơ quan thuế kiểm tra, rà soát các cá nhân kinh doanh chưa thực hiện nghĩa vụ thuế trong năm. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng tần suất cung cấp thông tin theo năm.
Từ các phân tích ở trên, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử liên quan đến nghĩa vụ thuế của người bán theo hướng sàn thương mại điện tử chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin của người bán cho cơ quan thuế.
Theo đó, bỏ quy định về trách nhiệm kê khai, nộp thuế thay của các sàn thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến tại Điều 1.2 dự thảo.
Đồng thời, sửa đổi quy định về cung cấp thông tin tại Điều 1.7 dự thảo theo hướng sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin về doanh thu (được hiểu là tổng giá trị đơn hàng) với tần suất 1 năm/lần.
Nguồn: https://vneconomy.vn/vcci-keu-troi-du-thao-ve-san-thuong-mai-dien-tu-ke-khai-thue-thay-nguoi-ban.htm
[ad_2]