[ad_1]

Thanh khoản và khả năng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các ngân hàng sẽ là yếu tố then chốt cho năm 2022 và trong tương lai trung hạn…

VBF đề xuất nới "room" tín dụng cho các ngân hàng

Theo đánh giá của nhóm công tác ngân hàng của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), trong làn sóng Covid-19 lần 4, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong bối cảnh dịch bệnh.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước còn phát huy vai trò trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất sau đại dịch như: miễn giảm phí, lãi ngân hàng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ…

Nhờ vậy, Việt Nam đã đạt được GDP cả năm tăng 2,58%, duy trì vị thế tốt thu hút FDI và kỳ vọng kinh tế có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022.

Thời gian tới, VBF đề xuất với Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng để các ngân hàng có thể có nhiều dư địa cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) khi cần thiết.

Được biết, năm 2021, tín dụng tăng trưởng 13,53%. Năm nay 2022, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, tương đương năm 2021.

Đề cập đến vai trò của ngành ngân hàng trong khôi phục nền kinh tế, VBF đưa ra nhận định: Có thể thấy, chuyển đổi số được coi là “vaccine” và động lực giúp các ngành kinh tế vượt qua đại dịch một cách hiệu quả hơn và ngành tài chính ngân hàng là một trong những yếu tố then chốt kiến tạo hệ sinh thái số về tài chính toàn diện, thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác.

“Chúng tôi đánh giá cao định hướng chuyển đổi số của Chính phủ cũng như việc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến 2030 với các định hướng mục tiêu và giải pháp cụ thể”, nhóm công tác VBF nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng thực tiễn chuyển đổi số trong ngành ngân hàng và các lĩnh vực khác vẫn còn gặp một vài thách thức như thiếu đồng bộ của các quy định pháp lý liên quan, chuẩn hoá các cơ sở hạ tầng để hình thành hệ sinh thái số; thách thức về thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng; đảm bảo an ninh an toàn trong chuyển đổi số.

Vì vậy, VBF kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) cho phép áp dụng các sản phẩm quản lý dòng tiền – kết chuyển tiền mặt hữu hình tại Việt Nam. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sửa đổi Luật Giao dịch điện tử mới, ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử, ban hành Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng để đưa ra những chỉ dẫn phù hợp, cụ thể hơn.

Đồng thời, Bộ Công an hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, có cơ chế phân cấp chia sẻ thông tin, cho phép ngành ngân hàng được kết nối và khai thác thông tin trực tuyến từ cơ sở dữ liệu này để phục vụ việc đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử.

Trong khi đó, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham) lưu ý, khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, lạm phát sẽ là một vấn đề quan trọng cần được giải quyết. Dữ liệu các năm trước đây cho thấy rằng tỷ lệ lạm phát của Việt Nam thường cao hơn các quốc gia khác.

“Việc chú ý thường xuyên vào khía cạnh này trong chính sách kinh tế quốc gia để đảm bảo rằng Việt Nam tránh không để tái diễn hiện tượng bong bóng tài sản làm đẩy cao lạm phát từng diễn ra từ năm 2010 đến năm 2012, và do đó giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng bền vững”, đại diện BritCham nói.

BritCham cũng tin rằng thanh khoản và khả năng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của các ngân hàng sẽ là yếu tố then chốt cho năm 2022 và trong tương lai trung hạn. Có thể cảm nhận được rằng các công ty sẽ bắt đầu chu kỳ vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh, họ sẵn sàng đi vay nhiều hơn để đầu tư dựa trên khả năng phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.

Hiện tại, một số tổ chức ngân hàng của Anh đã hoạt động tích cực trên thị trường FDI và khả năng các ngân hàng nước ngoài có thể cho vay hiệu quả đối với các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam. Đây là điều cần thiết để Việt Nam tận dụng tối đa tiềm năng của tất cả các Hiệp định Thương mại Tự do đã hiệu lực và đang đàm phán.

[ad_2]