[ad_1]

Cảnh ngộ cá nhân sở dĩ thịnh suy, vinh nhục là do vận mạng lúc thế này, lúc thế khác. Vận mạng cát hung hiện lên bộ vị tướng mạo.

Huyện Lư Sơn, đất Giang Tây, là nơi nghỉ mát có nhiều phong cảnh đẹp. Cuối đời Thanh có thư sinh Tôn Chấn Khiêm khi chưa đỗ đạt gì từng cất nhà đọc sách ở động Bạch Lộc. Một hôm Khiêm nhàn hứng đi vòng quanh cổ miếu gặp một vị đạo sĩ tiên phong đạo cốt cùng đàm thoại, đạo sĩ tinh thông nho y lý số, đoán việc như thần. Khiêm mới hỏi tương lai mình ra sao? Đạo sĩ từ chối không nói.

Một hôm khác, Khiêm cũng qua cổ miếu, lại gặp đạo sĩ, cụ bảo Khiêm:

– Cậu đến vừa đúng lúc, chậm sợ không gặp.

Khiêm hỏi:

– Tại sao?

Đạo sĩ trả lời:

– Tôi sắp đi xa, hôm nay biết cậu đến đây tôi chờ để nói vài lời từ biệt.

– Cụ đi đâu? – Khiêm hỏi:

Đạo sĩ đáp:

– Tôi đi thăm núi non, hang động để tìm những kỳ công của tạo hoá.

Khiêm khẩn khoản:

– Nay chia tay chẳng biết bao giờ gặp, vậy xin cụ chỉ dạy cho những điều quan hệ đến tướng mệnh. Đạo sĩ nói:

– Tôi với cậu quen nhau ngoài đường thật không có duyên nợ, nhưng nay vì sắp viễn hành, chẳng nên câu nệ nữa. Cậu có tướng mạo anh kỳ, hình cốt thanh tú, nhưng cậu không phải thuộc loại người công danh mà thuộc loại người như chúng tôi. Sang năm tới, cậu sẽ đỗ cao, tuy nhiên, nhìn tướng mạo thanh mà ẩn chứa hàn (ta nói hàn nho, nhà nho nghèo), chỉ có danh không có lợi. Phú quý là do thiên định bất khả cưỡng cầu. Vả lại, gia cảnh thanh hàn dễ thiện chung, thế sự thương tang chớp mắt vạn biến, đỗ đạt cao sang rồi ngày nào sẽ mắc vào cái họa chủ nhục thần tử, danh làm tội đời thà qui ẩn còn hơn.

Tôn Chấn Khiêm nói:

– Được nghe cao luận như hồi chuông buổi sớm. Tướng mệnh của tôi vô duyên với quần áo triều đình thì tôi cũng đâu có tiếc cái công mười năm đèn sách, sẵn sàng qui ẩn theo thầy học đạo được chăng?

Đạo sĩ xua tay mà nói rằng:

– Ây không được, vạn vạn bất khả, nhân sinh mọi sự như thiên định, không thể làm trái. Tướng mạo của cậu, cốt cách tốt, mi cao, quyền cao, cậu sẽ phải nếm trải cho hết nghiệp trần rồi mới có thể xuất nghiệp nhập đạo. Tôi xin tặng cậu cuốn sách dưỡng sinh chi thuật, cậu hãy giữ gìn cẩn thận. Chắc chừng 30 năm nữa, chúng ta sẽ tái ngộ.

Tôn Chấn Khiêm trúng kỳ thi Hương. Người nhà đều giục giã học hành để vào triều đình thi Hội tiến bước công danh. Qua năm, Khiêm trúng tiến sĩ. Nhớ lời đạo sĩ, Khiêm không có mưu đồ công danh, chỉ muốn qui ẩn nơi rừng sâu, suối mát nên mới xin chức giảng tập ở thư viện Lô Châu, vừa dạy học trò, vừa học thuật dưỡng sinh.

Ba mươi năm trôi đi. Chiều ấy, Tôn Chấn Khiêm đang ngồi dạy học trò thì thấy đạo sĩ đến. Hai người trò chuyện thân mật cả mấy ngày.

Trước khi đi, đạo sĩ dặn Khiêm hãy rời Lô Châu đi nơi khác, nơi đây sắp gặp nạn binh hoả.

Quả nhiên Lô Châu tan nát, người chết như rạ sau một trận chiến tàn khốc giữa Quốc Cộng.

Từ đấy không ai biết Tôn Chấn Khiêm đi đâu.

Đời nhà Đường có tôn sư tướng học Viên Thiên Cương tinh tường những bước vinh nhục cùng thông của đời người.

Có lần ông gặp mẹ của Vũ Tắc Thiên, ông bảo:

– Bà tất sinh quý tử.

Bà mẹ dắt con gái cho ông coi tướng nó, nhưng bà lại giả dạng đứa nhỏ thành con trai. Thiên Cương nhìn mắt và dáng đi của nó, ngạc nhiên mà nói rằng:

– Mắt rồng cổ phượng, cực kì quý hiển, nếu nó là con gái nhất định sẽ làm thiên tử.

Về sau Vũ Tắc Thiên làm vua.

Thứ sử họ Vương nhờ Viên Thiên Cương chọn chồng cho con gái.

Trông khắp mọi người mà thứ sử định chọn, Cương đều lắc đầu bảo chẳng có ai đáng mặt cả. Rồi đề nghị người con trai họ Diêu. Thứ sử ưng thuận. Thiên hạ đều cười vì Diêu Tử Sùng suốt ngày múa gậy, đánh đao, năm nay 23 tuổi chưa biết sách vở là gì. Thế mà từ khi làm rể thứ sử, Sùng học đâu biết đấy nhanh gấp mười người khác lại thêm sức vóc khoẻ mạnh. Gặp thời thế, Diêu Tử Sùng nhờ nhúng tay vào ít nhiều âm mưu, phe Sùng thắng thế giúp vua Huyền Tôn lên ngôi. Huyền Tôn phong Sùng làm chức Quốc Công. Chừng bảy năm sau, Diêu Tử Sùng lên chức vị tể tướng.

Quan đại thần Bảo Cưu lúc còn khổ ở Kiến Nam, gặp Viên Thiên Cương lúc ấy cũng đang ba đào. Đồng bệnh tương lân nên họ chơi với nhau rất thân. Một hôm, Viên Thiên Cương nói với Bảo Cưu rằng:

– Bác có tướng mạo anh kỳ, đầu có phục tê quán đỉnh (sống mũi cao chạy thẳng tới trán) và ngọc trẩm (xương gồ sau gáy). Trán phẳng mà cao. Mười năm nữa bác sẽ phú quý, đại hiển công danh. Bác nhớ là tướng thuật của tôi chẳng mấy khi sai.

Bảo Cưu nói:

– Nếu đúng như lời bác, tôi chẳng bao giờ dám quên ơn.

Mấy năm sau, Bảo Cưu nhờ thời thế mà đổi thay, mà có nhiều may mắn, ngày càng quyền cao chức trọng lên tới chức Bộ Xạ, Cưu cho mời Viên Thiên Cương đến cộng hưởng phú quý. Trông thấy Bảo Cưu, Viên Thiên Cương nói:

– Tướng cách và khí sắc ông nay vẫn như xưa chỉ hiềm đôi mắt chuyển màu đỏ, tiếng nói hư phù, mặt đỏ. Ông làm tướng đa sát, xin từ tâm lại mới hay.

Bảo Cưu nghe lời Cương bỏ tính hiếu sát, đối đãi với dân chúng rất khoan hoà, nhân ái.

Lúc vua Đường Cao Tổ vời Bảo Cưu về triều, Cưu hỏi Thiên Cương chuyến đi này lành dữ thế nào? Cương nói:

– Tất được ân mưa móc, lên bậc trọng thần.

Lần ấy, Bảo Cưu được vua phong chức đô đốc.

Lý Kiều lúc nhỏ đã năng thi phú, anh em họ Lý thường chết yểu. Bà mẹ đón Viên Thiên Cương về coi tướng cho Lý Kiều.

Cương bảo: Lý Kiều tinh thần tuy thanh khiết nhưng khí đoản sợ không thọ.

Bà mẹ nghe lấy làm lo lắng. Còn Lý Kiều chẳng cho lời Cương là đúng. Bà mẹ thương con, vật nài xin Cương xem kỹ cho và tìm cách nào chữa cho, nếu không dòng họ Lý sẽ tuyệt tự. Cương nể tình ở lại quan sát Lý Kiều mấy ngày.

Một đêm, Cương nằm ngủ say mà Lý vẫn chưa ngủ. Đến canh ba, Cương tỉnh dậy nhìn Lý ngủ, không hề nghe thấy tiếng thở, sờ vào chân tay thân thể nóng ấm điều hoà. Để tay vào tai, hơi thở như chui ở lỗ tai ra. Viên Thiên Cương hoảng nhiên tỉnh ngộ biết mình nói sai. Sáng sớm Cương bảo bà mẹ rằng:

– Lý Kiều là quý thọ chi tướng, sau này sẽ hiển đạt vì Kiều ngủ êm tĩnh như con rùa thuộc tướng Qui tức (rùa ngủ). Tuy nhiên Kiều không bao giờ giàu.

Sau Kiều làm quan to dưới triều Vũ Tắc Thiên, tính thanh liêm nên nhà cửa thanh bạch.

Vua nghe tiếng đến tận nhà coi thấy chiếu màn Lý nằm bằng vải xấu xí đã cũ, thở dài mà nói:

–  Quan tướng quốc nghèo đến thế sao?

Rồi vua truyền mang chiếc màn của chính mình cho Lý Kiều.

Từ khi nằm cái màn rồng phượng của vua ban, chẳng đêm nào ông ngủ yên giấc. Ông bèn viết sớ xin

vua cho nằm chiếc màn cũ và nói lời thầy tướng đoán mình không được hưởng giàu sang.

Huyện Đài Sơn có người bán thịt tên là Trần Đại Niên quanh năm ngày tháng nấu nước sôi cạo lông heo, chọc tiết, xả thịt và chán ngấy cái đời đó. Nghe thiên hạ đồn đại vùng Lạc Thuỷ đang buôn bán thịnh vượng, đến đấy làm công cũng nhiều tiền. Niên muốn đi lắm nên mới nhờ làng nói với Viên Thiên Cương coi tướng dùm cho, Cương nói:

– Cung dịch mã (Thiên di) động sắc, năm nay 30 tuổi đang thuận vận đi được. Làm ăn có khá hơn ở quê nhà, sang vận mà phát đạt có vốn. Nhưng tướng chú thuộc cách xuân thuỷ hồi trào đến năm 49 tuổi lại trắng tay trở về nghề bán thịt.

Qua năm, Niên đi Lạc Thuỷ giặt thuê cho xưởng nhuộm. Nhờ thực thà, chăm chỉ, ông chủ yêu cho coi sổ sách. Xưởng nhuộm phấn phát, ông chủ cho Niên một số vốn riêng. Có tiền rồi Trần Đại Niên “vinh qui” trở về làng. Tại Đài Sơn, cơ sở thương mại của Niên khá lắm. Đúng năm 49 tuổi, bỗng dưng phát hoả thiêu rụi mất hết. Niên đành phải trở lại nghề cũ kiếm ăn cho đến chết.

[ad_2]