[ad_1]

Theo Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương, cơ khí, điện, điện tử và chế biến thực phẩm là những lĩnh vực TPHCM nên xem xét để phát triển cụm công nghiệp kiểu mới thay vì mô hình khu công nghiệp truyền thống.

Phát biểu tại hội nghị về kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao do UBND TPHCM tổ chức ngày 24/12, Chủ tịch HĐQT Thaco Trần Bá Dương gợi ý, TPHCM nên đầu tư cụm công nghiệp trong 2 lĩnh vực, gồm: cơ khí, điện, điện tử và chế biến thực phẩm.

Theo ông Dương, không phải năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn yếu mà mấu chốt là để tổ chức sản xuất là vấn đề đầu ra. Khi có đầu ra với chất lượng đạt tiêu chuẩn, giá thành cạnh tranh, TPHCM hoàn toàn có thể tổ chức các cụm công nghiệp trong những ngành có lợi thế.

Trong đó, ngành cơ khí là nền tảng của tất cả các lĩnh vực sản xuất. Ông chủ Thaco phân tích các doanh nghiệp sản xuất vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam. Do đó, nếu các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất các linh kiện tại chỗ với giá thành cạnh tranh hơn nhập khẩu thì sẽ chiếm lĩnh thị trường.

Tỷ phú Trần Bá Dương cho biết nếu có thể sản xuất với chi phí cạnh tranh, các công ty trong nước thậm chí có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Ông dẫn chứng Thaco đang xuất khẩu sang Nhật Bản sơ mi rơ moóc vì sản phẩm của công ty dù tính cả chi phí vận chuyển logistics, thuế nhập khẩu vẫn rất cạnh tranh.

Ông Dương cho rằng để tạo lập nên các cụm công nghiệp hỗ trợ như vậy, quy hoạch đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Với xu thế mới, làm khu công nghiệp phải ứng dụng số hóa, có các ứng dụng thông minh để cung ứng hàng hóa đúng thời gian, hạn chế tối đa chi phí phát sinh. “Nếu đi sau nhưng làm một cách tinh tường vẫn sẽ có giá cạnh tranh được”, ông chia sẻ.

Tỷ phú Trần Bá Dương gợi ý hai ngành TPHCM nên phát triển cụm công nghiệp

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương phát biểu tại hội nghị ngày 24/12 (Ảnh: Việt Đức).

Tương tự, tỷ phú Dương cho rằng TPHCM cũng có thể phát triển trung tâm công nghiệp chế biến thực phẩm. Trong lĩnh vực này, chi phí vận chuyển tác động lớn đến giá sản phẩm. Trong khi đó, TPHCM chính là thị trường tiêu thụ lớn nhất nên nếu xây dựng trung tâm chế biến thực phẩm tại thành phố sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí logistics.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Trường chính sách công và Quản lý Fulbirght, Đại học Fulbright, cũng cho rằng mô hình khu công nghiệp theo kiểu cũ sẽ không còn tạo ra nhiều giá trị trong tương lai. Ông Tuấn nhấn mạnh việc một khu công nghiệp lấp đầy với nhiều doanh nghiệp đơn lẻ, không liên quan đến nhau chỉ mang lại giá trị cho chủ đầu tư khu công nghiệp.

Trong tương lai, TPHCM cần hướng đến việc hình thành các cụm công nghiệp theo đó những doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải gắn kết với nhau. Khi các doanh nghiệp trong một khu công nghiệp được chọn lọc theo ngành, cùng chia sẻ công nghệ, thông tin, tri thức, hiệu ứng cộng hưởng bền vững sẽ xuất hiện, giá trị được tạo ra cũng lớn hơn.

Theo chuyên gia Fulbright, để hình thành các cụm công nghiệp giá trị cao, điều kiện cần thiết không chỉ là đất đai mà còn là huy động vốn con người, kết nối giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp để thúc đẩy các hoạt động đổi mới, sáng tạo, phổ biến tri thức.

Ông Tuấn nhận xét sự đầu tư của Nhà nước cho khoa học công nghệ sẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy việc hình thành các cụm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, với tỷ lệ chi ngân sách hiện tại cho khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển, ông Tuấn cho rằng khó có thể có sự đột phá trong hoạt động khoa học công nghệ.

Đặc biệt, ông Tuấn cũng nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý để phát triển các khu công nghiệp kiểu mới với hàm lượng giá trị công nghệ cao. Theo ông, mô hình quản lý khu công nghiệp hiện tại khó thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo. Do đó, để tạo ra những mô hình công nghiệp mới, cần có một ủy ban chiến lược điều phối với cơ chế đột phá.

[ad_2]