[ad_1]

Từ điển trên thị trường chứng khoán: Những hành vi thường nhật của “chứng sĩ” (Kỳ 2)

“Chứng sĩ” là từ gọi vui chỉ nhà đầu tư nói chung. Cùng Vietstock điểm qua một số hành vi điển hình của một chứng sĩ.

Chứng sĩ là từ gọi vui chỉ nhà đầu tư nói chung. Một số đặc điểm của chứng sĩ kể đến như yêu các màu lục/tím, ghét đỏ/lam; tâm trạng vui buồn thất thường từ thứ 2 đến thứ 6 và trở nên chán chường vào các ngày thứ 7, Chủ nhật, ngày lễ không giao dịch.

Xúc hay múc là hành động nhà đầu tư mua vào cổ phiếu với quyết tâm cao độ, thậm chí mua bằng mọi giá. Trên các diễn đàn chứng khoán, bạn rất dễ bắt gặp động từ mạnh này khi cá nhân/tập thể hô hào nhau mua cổ phiếu.

Lướt sóng là hình ảnh tượng trưng giống bộ môn lướt sóng trong thể thao. Những cơn sóng lên rồi xuống thể hiện giá cổ phiếu tăng rồi giảm. Bản chất của lướt sóng chứng khoán là việc đầu cơ, nhà đầu tư mua được ở chân sóng hay vị trí mua tốt sẽ kiếm được lợi nhuận do giá cổ phiếu tăng. Lướt sóng thường được hiểu là hoạt động đầu tư chứng khoán ngắn hạn, nên chủ yếu nó tuân theo quy luật cung cầu của cổ phiếu và xu hướng của thị trường hiện tại. Trong chứng khoán, “sóng” có thể là hoạt động trong vài tuần, vài tháng, thậm chí đại sóng có thể kéo dài đến 1-2 năm, mà dân trong nghề người ta gọi là sóng thần.

Đọc nến (một số người còn gọi là tỉa nến/thổi nến…) là việc đánh giá, tìm xu hướng cổ phiếu thông qua việc “soi” các mẫu hình nến Nhật (nến giá cổ phiếu). Đây là một kỹ năng không thể thiếu của dân đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật.

Trong các phiên rung lắc mạnh, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ phải “chạy mất dép”, chấp nhận bán ra cổ phiếu để tránh rủi ro lớn, nhất là các nhà đầu tư đang chịu cảnh “đu đỉnh” kéo dài. Ngược lại, một số nhà đầu tư lại tranh thủ mua vào ở các phiên đó với kỳ vọng cổ phiếu tăng trở lại, gọi là nhặt dép.

Trong chứng khoán, bắt dao rơi chỉ hành động mua vào một cổ phiếu đang có đà giảm mạnh với kỳ vọng kiếm lời, thường là ngắn hạn T+. Các chuyên gia luôn khuyến cáo nhà đầu tư không nên bắt dao rơi, do cực kỳ rủi ro có thể tiếp tục giảm điểm hoặc hiệu quả đầu tư không cao.

Cưa chân bàn là thuật ngữ chỉ bình quân giá xuống. Điều này có nghĩa là giá càng xuống thì bạn càng mua vào, mục đích nhằm để giá mua trung bình giảm xuống. Cưa chân bàn sẽ rất nguy hiểm nếu như tiền mặt của bạn đã hết mà giá cổ phiếu vẫn tiếp tục đi xuống. Lúc đó bạn sẽ trở thành “nhà đầu tư dài hạn bất đắc dĩ”.

 

*Từ lóng trên thị trường chứng khoán: Chim lợn, bìm bịp, gà, sói và cá mập là gì? (Kỳ 1) 

 

Đồ họa: Tuấn Trần

Xuân Nghĩa

[ad_2]