[ad_1]

Mặc dù chúng ta đã mở cửa hoàn toàn, gỡ bỏ hết rào cản so với trước dịch, nhưng khách quốc tế vẫn chưa mặn mà đến với Việt Nam. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, chính sách về thị thực (visa) vẫn là lý do cốt yếu.

TS Cấn Văn Lực: Cải thiện chính sách thị thực, thu hút thêm nhiều khách quốc tế, tăng doanh thu cho ngành du lịch

Ông đánh giá ra sao khi lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang có khoảng cách khá xa so với các quốc gia trong khu vực?

Hiện nay, du lịch toàn cầu đang phục hồi ở mức 30% so với trước khi dịch bệnh xuất hiện, châu Á – Thái Bình Dương trên 30%, Đông Nam Á khoảng 47%, trong khi đó, Việt Nam chỉ gần 20%, thấp hơn mức phục hồi chung của thế giới và – đứng cuối bảng phục hồi du lịch quốc tế của khu vực.

Nguyên nhân chủ yếu và quan trọng là do khâu visa du lịch chưa điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó, việc quảng bá tiếp thị

du lịch, cách làm du lịch của cơ quan quản lý, nhiều địa phương và đơn vị lữ hành chưa có gì đột phá so với trước đây, nên chưa đủ thuyết phục khách quốc tế quay lại, chi tiêu nhiều hơn.

Vì sao chính sách visa lại được coi là nút thắt quan trọng cần tháo gỡ đầu tiên để phục hồi du lịch, thưa ông?

Chính sách visa của Việt Nam đang có nhiều hạn chế, chưa cởi mở. Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Thị thực điện tử cấp cho 80 quốc gia nhưng bị giới hạn số cửa khẩu cho phép người nước ngoài nhập cảnh. Thời gian lưu trú thông thường khoảng 15 ngày và nhập cảnh 1 lần.

Trong khi đó các quốc gia trong khu vực có những chính sách thu hút du lịch bằng cách cởi trói thủ tục xuất nhập cảnh rất linh hoạt. Cụ thể, Malaysia miễn thị thực cho 162 quốc gia, Singapore: 162 quốc gia, Phillipines: 157 quốc gia, Nhật Bản: 68 quốc gia, Hàn Quốc: 66 quốc gia, Thái Lan: 64 quốc gia… Các quốc gia trên hầu hết cấp và cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử với thời gian lưu trú dài lên 6 tháng và nhiều lần nhập cảnh ra vào.

Bên cạnh đó, việc cấp visa điện tử vẫn còn nhiều hạn chế về quy định, thủ tục, tiến độ xử lý. Điều kiện cấp visa vẫn còn chặt chẽ cho nên khách du lịch quốc tế chưa mặn mà đến Việt Nam.

Chính sách thị thực rất quan trọng đối với ngành du lịch. Trên thế giới đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm về việc này. Cải thiện chính sách thị thực, mở rộng các quốc gia miễn thị thực không chỉ thu hút thêm nhiều khách từ các thị trường quốc tế mà còn giúp tăng doanh thu cho ngành du lịch.

Hiện nay, việc dùng số lượng khách để đo mức độ thành công trong ngành du lịch đã không còn phù hợp, thay vào đó chúng ta cần tạo ra một môi trường hấp dẫn để khách đến và chi tiêu nhiều nhất. Việc duy trì chính sách miễn thị thực chỉ 15 ngày như hiện nay rất khó hút khách quốc tế đến và ở lâu để hút dòng ngoại tệ, tạo doanh thu cho rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác như thương mại dịch vụ, hàng không, vận tải, lưu trú,…

Chúng ta cần tháo gỡ rào cản trên thế nào, thưa ông?

Nhận diện rõ các điểm nghẽn, thực trạng trong thu hút khách du lịch quốc tế và đưa ra các giải pháp khắc phục là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Hiện nay chúng ta cần làm 2 việc. Thứ nhất là cấp visa phải linh hoạt hơn trong đó tăng thời hạn thị thực tối thiểu 30 ngày, thậm chí tăng số lượng ngày nhiều hơn nữa và cho phép nhập cảnh nhiều lần. Cùng với đó, cần nâng số lượng quốc gia miễn thị thực lên.

Thứ hai, các Bộ, ngành liên quan cần đẩy nhanh tiến độ cấp visa. Chúng ta cần làm nhanh nhất các thủ tục một cách mạnh mẽ mới có thể “chạy nhanh” đến cột mốc 8 triệu khách du lịch quốc tế đặt ra trong năm nay. Còn chậm chạp trong việc làm thủ tục thì chắc chắn sẽ tiếp tục bỏ lỡ cơ hội.

Trong lúc Việt Nam chưa đón được dòng khách Trung Quốc, nhiều ý kiến cho rằng cần tìm giải pháp thu hút dòng khách thượng lưu với mức chi tiêu lớn để mang về dòng ngoại tệ lớn cho Việt Nam. Mới đây Eurocham cũng đề xuất miễn thị thực đối với các quốc gia châu Âu để thu hút khách thượng lưu. Vậy theo ông chính sách visa cần hướng tới các đối tượng này ra sao?

Việc Trung Quốc mở cửa sẽ góp phần giúp du lịch phục hồi tốt hơn khi mà khách Trung Quốc chiếm khoảng 32% lượng khách quốc tế vào Việt Nam. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, khách Trung Quốc chi tiêu tại Việt Nam không nhiều (bình quân chỉ bằng một nửa so với khách quốc tế đến từ Mỹ, châu Âu…).

Nói như vậy để thấy, thu hút khách quốc tế từ các thị trường châu Âu, châu Mỹ…vẫn là mục tiêu quan trọng đối với ngành du lịch hiện tại. Chúng ta cần có những giải pháp và chính sách quyết liệt hơn để thu hút khách du lịch từ các thị trường này.

Nhiều quốc gia trong khu vực đang có tốc độ phục hồi du lịch tốt, thu hút lượng khách quốc tế lớn. Vậy ngoài chính sách visa, Việt Nam liệu có phải đưa ra được những chính sách đột phá mang tính chiến lược hơn mới có thể đi trước đón đầu, tránh tụt hậu?

Theo thống kê cho thấy, năm 2022 Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón được 5 triệu lượt khách để tạo nguồn thu khoảng 4,5 tỷ USD.

Trong khi Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu về du khách quốc tế mà họ đặt ra. Cụ thể, Thái Lan dù mở cửa sau Việt Nam, nhưng đã đón được hơn 10 triệu lượt khách quốc tế năm 2022, mang lại tổng thu từ du khách quốc tế 14 tỷ USD nhờ vào việc tạo điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để khách quốc tế nhập cảnh.

Mặc dù mở cửa sớm nhưng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam còn ít bởi sản phẩm du lịch chưa đổi mới, sáng tạo; chuyển đổi số, phát triển du lịch bền vững còn chậm; truyền thông, quảng bá còn hạn chế…

Cùng với đó cần tạo liên kết đa dạng các sản phẩm du lịch có liên quan với nhau (du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp làm việc từ xa…). Tăng trải nghiệm khách hàng qua sản phẩm, chất lượng dịch vụ, nền tảng số, địa điểm du lịch, an toàn. Đổi mới và đầu tư cho công tác tiếp thị, quảng bá du lịch phù hợp bối cảnh mới, thiết thực, hiệu quả.

Mở chính sách visa cùng với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp sẽ giúp tăng lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Tác động của việc này đến sự tăng trưởng của nền kinh tế thế nào, thưa ông?

Năm 2019, Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế nhưng doanh thu từ du lịch quốc tế là 55%, chiếm phần lớn tổng thu toàn ngành; trong khi 85 triệu lượt khách nội địa chỉ đem lại 45% tổng thu. Vậy, cần phải đa dạng hóa sản phẩm, thị trường du lịch để khai thác cân bằng, hiệu quả du lịch quốc tế và nội địa

Thế giới đang đo lường bằng chỉ số doanh thu và GDP của lĩnh vực du lịch, đi lại vì hai lĩnh vực này liên quan chặt chẽ với nhau. Mức đóng góp chung của du lịch với nền kinh tế thế giới là 10,3% GDP, tạo ra khoảng 11% việc làm toàn cầu.

Tuy nhiên, hệ số lan tỏa của ngành du lịch là rất lớn, gấp tới 1,5-3,5 lần. Ở Việt Nam, 2 lĩnh vực du lịch và đi lại đóng góp khoảng 9,2% GDP, giá trị kinh tế khoảng 7% và hệ số lan tỏa khoảng 1,6 lần.

Do đó, tăng lượng khách du lịch quốc tế là một “cứu cánh” để tăng doanh thu cho ngành du lịch, từ đó góp phần tăng trưởng hàng loạt lĩnh vực xung quanh và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

[ad_2]

Nguồn: https://markettimes.vn/ts-can-van-luc-cai-thien-chinh-sach-thi-thuc-thu-hut-them-nhieu-khach-quoc-te-tang-doanh-thu-cho-nganh-du-lich-17657.html