[ad_1]
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 ngay sau khi khởi công, trong đó, lưu ý về công tác giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật; hoàn tất thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải…
Bộ Giao thông vận tải chính thức phát động phong trào thi đua đón Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông bắt đầu từ ngày 6/1.
Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi các Ban Quản lý dự án: 2, 6, 7, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận về việc lập kế hoạch tổ chức thi công, quản lý chất lượng, tiến độ ngay sau khi khởi công các dự án thành phần thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.
CÓ KẾ HOẠCH THI CÔNG CHI TIẾT TRƯỚC NGÀY 15/1
Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp bất thường lần thứ nhất (Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11/1/2022) với tổng chiều 729 km được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các đoạn Hà Tĩnh – Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi – Nha Trang (353 km) và Cần Thơ – Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau.
Sơ bộ tổng mức đầu tư cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 là 146.990 tỷ đồng, quy mô 4 làn xe được chia thành 12 dự án thành phần, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.
Dự án trải dài qua nhiều tỉnh thành phố, với nhiều dạng địa hình, địa chất khác nhau, khối lượng công việc triển khai lớn phải thực hiện trong thời gian ngắn đòi hỏi phải có tư duy mới, cách làm mới, sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao trong triển khai.
Các chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục theo quy định để khởi công đồng loạt các dự án thành phần ngày 1/1 vừa qua.
Để tổ chức triển khai các dự án thành phần ngay sau khi khởi công, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các Ban Quản lý dự án khẩn trương chỉ đạo nhà thầu lập kế hoạch thi công tổng thể, kế hoạch thi công chi tiết từng hạng mục, kèm theo kế hoạch huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm… trình tư vấn giám sát, chủ đầu tư chấp thuận, báo cáo Bộ Giao thông vận tải trước ngày 15/1/2023.
Các Ban Quản lý dự án cũng phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các bộ, ngành có liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý 2/2023 theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 18 của Chính phủ.
“Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Ban Quản lý dự án phối hợp với các nhà thầu thi công khẩn trương làm việc với các cấp chính quyền của địa phương để hoàn tất các thủ tục khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường, bãi đổ thải đảm bảo đủ trữ lượng, chất lượng đáp ứng tiến độ thi công của dự án”, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo.
Đối với các đơn vị tư vấn thiết kế, Bộ Giao thông vận tải đề nghị thực hiện nghiêm túc công tác giám sát theo quy định, kịp thời phối hợp với chủ đầu tư để giải quyết các vấn đề liên quan đến điều chỉnh thiết kế (nếu có); khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế của hồ sơ, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Bên canh đó, các đơn vị tư vấn giám sát được yêu cầu bố trí đầy đủ số lượng kỹ sư tư vấn giám sát đảm bảo năng lực theo quy định của hợp đồng; tổ chức giám sát chặt chẽ mọi hoạt động của nhà thầu trên công trường, đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn, vệ sinh môi trường theo quy định.
Về phía các nhà thầu, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu xây dựng hệ thống quản lý chất lượng của nhà thầu tại hiện trường ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án, thành lập phòng thí nghiệm hiện trường để kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình theo quy định.
“Các nhà thầu cũng phải tổ chức thi công các hạng mục công trình tuân thủ quy trình thi công, hồ sơ thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật được duyệt đảm bảo chất lượng, tiến độ yêu cầu của dự án”, văn bản nêu rõ.
VƯỢT NẮNG THẮNG MƯA, NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐI TRƯỚC MỞ ĐƯỜNG
Trước đó, ngày 1/1, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các địa phương có dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đi qua tổ chức lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 và phát động thi đua tháng cao điểm giải ngân vốn đầu tư công.
Đây là lần đầu tiên Bộ Giao thông vận tải tổ chức lễ khởi công đồng loạt, kết nối trực tuyến 12 dự án thành phần có quy mô lớn thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, cho biết ngay sau khi được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, Chính phủ kịp thời giao nhiệm vụ với các mốc tiến độ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương cũng như quyết định một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo thẩm quyền.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, cho biết, các địa phương cũng xác định đây là một nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu. Ban Chỉ đạo, Hội đồng giải phóng mặt bằng của các địa phương đã triển khai công tác đo đạc, kiểm đếm, lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thực hiện chi trả và thu hồi đất.
Đồng thời, nhân dân khu vực dự án đi quá có đất bị thu hồi đã ủng hộ, đồng thuận; đến nay các địa phương đã cơ bản bàn giao trên 70% diện tích giải phóng mặt bằng đáp ứng yêu cầu khởi công.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng chia sẻ, năm 2023 là năm bản lề có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 2021 – 2025, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
“Điều đó đòi hỏi toàn ngành giao thông vận tải hơn lúc nào hết phải tiếp tục phát huy tinh thần truyền thống đi trước mở đường, vượt nắng thắng mưa, đoàn kết, linh hoạt, sáng tạo, chủ động vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2023, tạo tiền đề để phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của ngành”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Trong đó, dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021 – 2025 đảm bảo tiến độ, chất lượng gắn với hiệu quả công tác giải ngân vốn đầu tư công, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện phong trào thi đua với các nội dung cụ thể, thiết thực.
Một là, ngay sau khi khởi công dự án, các chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết; huy động đầy đủ nhân lực, nguồn lực tài chính, thiết bị máy móc hiện đại để tập trung triển khai tổ chức thi công, đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường.
Tiếp tục nâng cao nhận thức, ý thức và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; hoàn thành dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường.
Hai là, triển khai mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng thi công và kết quả công tác giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện tốt công tác khen thưởng để kịp thời cổ vũ, tạo khí thế thi đua tích cực trong toàn ngành.
Các địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt để sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo công tác an ninh, trật tự, tổ chức giao thông thuận tiện, an toàn cho nhân dân trong quá trình triển khai dự án.
Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ cửa khẩu Hữu Nghị – Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác 642 km, đang triển khai thi công 622 km.
#box1672657142620{background-color:#b9dfbc}
Nguồn: https://vneconomy.vn/trien-khai-ngay-cao-toc-bac-nam-sau-khi-khoi-cong-tao-khi-the-tu-dau-nam.htm
[ad_2]