[ad_1]

Việt Nam đã vượt qua năm 2021 đầy cam go, đồng thời tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.Đó là căn cứ để tin rằng thành tựu kinh tế – xã hội năm 2022 sẽ cao hơn năm 2021…

Triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022: Liệu có tạo được đột phá?

Hội nghị Chính phủ với các địa phương để tổng kết công tác năm trước và bàn triển khai nhiệm vụ năm nay được tổ chức trực tuyến ngày 5 tháng Giêng vừa qua, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ở điểm cầu trụ sở Chính phủ có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhiều Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương. Ở 63 đầu cầu địa phương là các bí thư tỉnh ủy và chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.

Có thể nói đây là hội nghị thường niên quan trọng nhất bàn về triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong năm trên phạm vi toàn quốc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong phát biểu chỉ đạo hội nghị, đã yêu cầu phải hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2022, để tạo tiền đề cho việc thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và khát vọng phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hùng cường.    

Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vấn đề phải làm sao tạo được đột phá trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong năm 2022.

Liệu trong năm 2022 này, chúng ta có hoàn thành được mọi chỉ tiêu kinh tế – xã hội theo kế hoạch đã đề ra và tạo được đột phá?

Năm 2021 với dịch Covid-19 đợt 4 diễn biến khốc liệt như thế, Việt Nam vẫn ước đạt và vượt 7/12 chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm chỉ tăng 1,84% so với năm trước; các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ 2,58%. Thu ngân sách nhà nước cả năm đạt trên 1.563.000 tỷ đồng, vượt dự toán 16,4%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6% so với năm trước, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay; trong đó xuất siêu ước đạt 4 tỷ USD. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 9,2%, đặc biệt là số vốn đăng ký điều chỉnh đạt trên 9 tỷ USD, tăng 40,5% so với năm 2020, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư kinh doanh và khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.

Những thành tựu đạt được trong năm 2021 chính là nền tảng, là “cú hích” tạo đà cho nỗ lực phấn đấu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, theo 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành, 12 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu với 171 nhiệm vụ cụ thể mà Chính phủ đề ra nhằm thực hiện hiệu quả 15 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 của Quốc hội, cùng với 82 chỉ tiêu cụ thể Chính phủ giao cho các ngành, lĩnh vực.

Trong số 15 chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 theo nghị quyết nói trên của Quốc hội, chỉ tiêu số 1 là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt từ 6-6,5%.

Năm 2022, nếu đạt được tốc độ tăng trưởng GDP từ 6% trở lên, có thể coi là tạo được đột phá trong điều kiện còn dịch bệnh.

Chỉ tiêu này không phải là quá cao, vì hai năm ngay trước dịch (2018 và 2019) Việt Nam đã từng đạt tốc độ tăng trưởng trên 7% /năm.

Nhiều định chế tài chính quốc tế và nhiều chuyên gia cũng dự báo khả năng GDP của Việt Nam năm nay tăng trên 6%.

Tuy là dự báo, nhưng là dự báo có căn cứ thực tế và có cơ sở khoa học.

Năm nay, theo nhận định của Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều rủi ro từ bên ngoài có thể ảnh hưởng đến nước ta như dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu; kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, làm giảm sức cầu thương mại và đầu tư đối với nước ta; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn vẫn còn phức tạp, khó lường; rủi ro địa chính trị và thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế; sức ép giá cả, lạm phát ở mức cao, một số nước bắt đầu thu hẹp các gói hỗ trợ, tăng lãi suất.

Trong khi đó, vẫn theo Thủ tướng, Việt Nam có 6 khó khăn, thách thức chính từ nội tại như: dịch bệnh diễn biến phức tạp; thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội tăng thấp nhất trong nhiều năm; thu ngân sách đạt kết quả tốt, nhưng thiếu bền vững, áp lực thâm hụt ngân sách gia tăng; hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; rủi ro nợ xấu gia tăng; cơ cấu lại nền kinh tế còn chậm, một phần do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Như vậy, yếu tố mang tính quyết định đối với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 chính là hiệu quả ứng phó đối với dịch bệnh và khả năng xử lý các rủi ro, vượt qua khó khăn, thách thức.

Chúng ta đã vượt qua năm 2021 đầy cam go, đồng thời tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong ứng phó với dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đó là căn cứ để tin rằng thành tựu kinh tế – xã hội năm 2022 sẽ cao hơn năm 2021.

[ad_2]