[ad_1]

Trên đời này có 4 điều không thể tồn tại mãi mãi

Người ta nói, nhân sinh là giấc mộng dài, trăm năm qua đi tựa như chớp mắt và trần gian chỉ là quán trọ ven đường chẳng được lâu bền. Phật gia cho rằng, cõi người chỉ là một chặng nghỉ chân rất nhỏ, rất nhỏ của quãng luân hồi đời đời kiếp kiếp qua đằng đẵng tháng năm.

Phàm là việc gì trên đời cũng đều không được mãi mãi. Người ta có sinh, lão, bệnh, tử. Trời đất có xuân, hạ, thu, đông. Tiết trời có nóng lạnh. Vạn vật cứ luôn luôn vận động như thế, chẳng bao giờ đứng yên, cũng chẳng bao giờ trường tồn vĩnh cửu.

Một gia đình Bà La Môn nọ có một cô con gái 14, 15 tuổi. Cô thông minh, xinh đẹp, tài năng xuất chúng không ai sánh kịp.

Cha mẹ của cô yêu thương cô còn hơn cả mạng sống của mình. Hễ có chuyện gì phiền muộn, họ chỉ cần nhìn thấy con gái thì nỗi phiền muộn trong lòng sẽ tan biến ngay. Nhưng trong một lần mắc bệnh, cô đột nhiên qua đời. Trước sự ra đi đột ngột của con gái, nỗi đau trong lòng người cha không thể nói thành lời, ông khóc không ngừng và dường như ông cũng mất đi động lực sống.

Một hôm ông ta đến gặp Đức Phật, buồn bã giãi bày: “Con không có con trai, chỉ có đứa con gái này. Con hết mực thương yêu nó. Nhưng đột nhiên nó vì ốm nặng bỏ con lại nơi trần thế. Cho dù con gọi thế nào nó cũng không tỉnh lại, con đau đớn khôn nguôi, không sao chịu nổi, chỉ mong Đức Thế Tôn hóa giải nỗi buồn.” Giọng ông nghẹn lại, nước mắt chảy dài trên khuôn mặt. Ai nghe thấy cũng đều xót thương cho tình cảnh của ông.

Đức Phật nói với ông ta rằng trên đời có bốn điều không thể giữ được mãi mãi:

1. Không có gì là tồn tại mãi mãi

 Có nghĩa là, không có thứ gì sẽ bảo trì trạng thái của nó mãi mãi, chúng sẽ luôn thay đổi, bản chất của nó sẽ từ từ thay đổi, và cuối cùng nó sẽ biến mất. Ví dụ, cơ thể chúng ta luôn thoái hóa, sinh ra, già đi, bệnh và chết, cuối cùng biến mất trên thế giới này.

2. Giàu có là không thể vĩnh cửu

Có nghĩa là, dù giàu có đến đâu thì cuối cùng họ cũng suy thoái. Như câu: “Không ai giàu quá ba đời.” Chỉ bằng cách làm việc thiện từ đời này sang đời khác, chúng ta mới có thể duy trì sự thịnh vượng cho con cháu. Nhưng con người là có lòng tham, có rồi lại muốn nhiều hơn, được thêm rồi thì lại muốn nó tồn tại mãi mãi. Vì vậy, phú quý sẽ không tồn tại mãi vì chúng ta quên mất là cần cho đi.

3. Mọi cuộc gặp gỡ rồi cũng phải chia lìa

Cha mẹ, anh em, bằng hữu, một ngày nào đó sẽ phải chia lìa. Dù có sinh sống cùng nhau thì cuối cùng vẫn phải đối mặt với sinh ly tử biệt.

Đời người quá ngắn, phút giây trùng phùng thật đáng quý. Đáng quý hơn cả là bởi nó sẽ chẳng được bền lâu. Tan tan hợp hợp là lẽ thường của sự đời. Cha mẹ không thể ăn đời ở kiếp cùng ta. Bè bạn dù thân thiết đến mấy nào có khác gì một tầng mây, tụ hồi rồi lại tan đi. Người yêu tuyệt vời, thề nguyện trăm năm rồi một sớm mai cũng khuất mờ theo sương gió…

4. Dù có khỏe mạnh đi nữa rồi cũng phải quy về cái chết

Sức khỏe của người ta chính là thứ không bền vững nhất. Hôm nay trẻ tráng, khí huyết phừng phừng, chí ở bốn phương nhưng rất có thể ngày mai là thân thể còm cõi, tóc bạc da mồi, hít thở còn khó. Vì con người phải đối mặt với sinh, lão, bệnh, tử nên chẳng ai dám nói rằng mình mãi mãi khỏe mạnh.’

Vì sức khỏe là có hạn nên Phật gia giảng rằng người ta phải biết tự ước thúc dục vọng của mình. Mải mê truy cầu, chạy theo dục vọng ắt sẽ tự hại bản thân, sinh mệnh chẳng được lâu dài. Phép dưỡng sinh tốt nhất lại chính là tu dưỡng, tu luyện chính mình. Trong “Luận ngữ”, Khổng Tử nói: “Triêu văn Đạo, tịch tử khả hĩ” (Sáng nghe Đạo, chiều chết cũng cam lòng). Nghe được Đạo, đắc được Pháp rồi thì chính là sống không hoài phí thân người, dẫu chết cũng vẫn vui.

Bất kể cơ thể có khỏe đến đâu, dù có thọ thế nào, cuối cùng cũng có một ngày phải về thế giới bên kia. Do đó, Đức Phật đã nói bốn câu: Điều gì cũng có tận cùng, cao rồi cũng rơi xuống thấp, hợp rồi sẽ có tan, sống ắt sẽ có chết.

Người Bà La Môn nghe những lời Đức Phật dạy cho mình, trong lòng được giải khai; cuối cùng ông xuất gia tu hành và đạt được quả vị La Hán.

Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Heraclitus có một câu nói rất nổi tiếng: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông“. Dòng sông nhìn thì chẳng có gì đổi khác nhưng từng giây, từng phút vẫn đang thay đổi mà chẳng ai hay. Nước đang đổi dòng, phù sa cũng đổi màu, đất đá, cây cỏ dưới lòng sông cũng không còn giống nhau nữa. Đó chẳng phải là người ta đã tắm mình ở hai dòng nước khác nhau đó sao?

Cổ nhân cho rằng giàu sang phú quý chẳng quan trọng bằng có sức khỏe tốt. Cho nên trong suốt chiều dài lịch sử, chúng ta thấy người xưa luôn tìm kiếm phép dưỡng sinh, tồn thần dưỡng khí và tu luyện để được trường sinh bất lão. Chính vì họ ý thức được điều ấy, sức khỏe là Trời ban nhưng đến một ngày Trời cũng sẽ lấy đi nó.

Hằng Tâm – Nguồn Secretchina

Xem thêm

[ad_2]