(TN&MT) – Cạnh gia đình nơi tôi sinh sống, có 1 xưởng chế biến lâm sản, xưởng nằm gần quốc lộ và cạnh khu dân cư sinh sống tập trung. Hàng này, cơ sở này tổ chức đốt phế phẩm bằng lo đốt thủ công nên thường xuyên thải khói, bụi ra khu vực xung quanh, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Xin hỏi, để bảo vệ môi trường và sức khỏe, người dân địa phương có thể phản ánh tình trạng này đến cơ quan nào? Cụ thể quy định trách nhiệm giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường ra sao?

(Hoàng Thị Nga, Văn Chấn, Yên Bái)

Ảnh minh họa

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:

Theo điểu 143 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường của UBND các cấp như sau:

UBND cấp tỉnh có trách nhiệm: Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chương trình, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường; Tổ chức thực hiện pháp luật, chiến lược, chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; Xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc môi trường của địa phương phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia; Tổ chức đánh giá và lập báo cáo môi trường. Truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường;

Đồng thời, tổ chức thẩm định, phê duyệt quy hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, hướng dẫn và tổ chức kiểm tra xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; Cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về môi trường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan; phối hợp với UBND cấp tỉnh liên quan giải quyết các vấn đề môi trường liên tỉnh; Chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

UBND cấp huyện có trách nhiệm: Ban hành theo thẩm quyền quy định, chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường; Tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ về bảo vệ môi trường; Xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền; Hàng năm, tổ chức đánh giá và lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường; Truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường;

Ngoài ra, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và quy định của pháp luật có liên quan; Phối hợp với UBND cấp huyện có liên quan giải quyết các vấn đề môi trường liên huyện; Chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của UBND cấp xã; Chịu trách nhiệm trước UBND cấp tỉnh nếu để xảy ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn.

UBND cấp xã có trách nhiệm: Xây dựng kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn; vận động nhân dân xây dựng nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước; hướng dẫn việc đưa tiêu chí về bảo vệ môi trường vào đánh giá thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, khu dân cư và gia đình văn hóa; Xác nhận, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường theo ủy quyền; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của hộ gia đình, cá nhân; Phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hoặc báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường cấp trên trực tiếp; Hòa giải tranh chấp về môi trường phát sinh trên địa bàn theo quy định của pháp luật về hòa giải…

Theo quy định này, UBND cấp huyện có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về bảo vệ môi trường trên địa bàn. Vì vậy, để bảo vệ môi trường và quyền lợi của mình, người dân địa phương có thể gửi đơn tố cáo, đề nghị UBND cấp huyện giải quyết triệt tình trạng vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường như trên.

Báo Tài nguyên và Môi trường

Luật đất đai