[ad_1]

Kể từ ngày 11/10 sắp tới, 79 tuyến xe khách liên tỉnh đang hoạt động tại bến xe Miền Đông hiện hữu (Q. Bình Thạnh) sẽ di dời đến bến xe Miền Đông mới (TP. Thủ Đức). Đây là lần di dời giai đoạn 2, hai năm sau lần di dời đầu tiên khi bến xe Miền Đông mới hoàn thành và đi vào hoạt động…

Sau hai năm đi vào hoạt động kể từ ngày 10/10/2020, bến xe Miền Đông mới luôn vắng khách. Ảnh: Hoàng Trang. Sau hai năm đi vào hoạt động kể từ ngày 10/10/2020, bến xe Miền Đông mới luôn vắng khách. Ảnh: Hoàng Trang.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa có văn bản gửi sở giao thông vận tải 15 tỉnh, thành trong cả nước đề nghị phối hợp thông báo, tuyên truyền việc di dời các tuyến xe khách giai đoạn 2 từ bến xe Miền Đông (cũ) sang bến xe Miền Đông mới.

Giai đoạn 2 có 79 tuyến xe khách được dời đi là những tuyến đang hoạt động tại bến xe Miền Đông cũ đi 15 tỉnh, thành, bao gồm: Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Cần Thơ và Cà Mau.

Dự án xây dựng bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 10/2020. Tổng số tuyến đường theo quy hoạch có 71 tuyến, trong đó 29 tuyến được chuyển từ bến xe Miền Đông hiện hữu (Q. Bình Thạnh).

 

Dự án đầu tư xây dựng bến xe Miền Đông mới có tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư khoảng 740 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động từ ngày 10/10/2020, dự án đã hoàn thành nhà ga trung tâm với 4 tầng trên mặt đất và hai tầng hầm với tổng diện tích sàn xây dựng 49.680 m2.

Bến xe Miền Đông mới dự kiến sẽ phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách mỗi năm đi các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc, đáp ứng nhu cầu lưu chuyển mỗi ngày khoảng 21.000 hành khách với 1.200 lượt xe xuất bến.

Ở giai đoạn 1, bến xe Miền Đông mới tiếp nhận tuyến và khách từ bến xe hiện hữu và khai thác 24 tuyến chạy từ Quảng Trị trở ra Bắc có cự ly từ 1.100 km trở lên. Tuy nhiên, sau thời gian hai năm hoạt động, bến xe Miền Đông mới vẫn vắng vẻ, nguyên nhân được giải thích là do hành khách và nhà xe quen với bến xe hiện hữu vì nằm gần trung tâm thành phố.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, ở giai đoạn 3, hơn 60 tuyến còn lại ở bến xe hiện hữu sẽ được dời qua khi bến xe Miền Đông mới hoạt động ổn định, kết nối đồng bộ giao thông xung quanh. Cùng với việc di dời các tuyến, bến xe Miền Đông cũ sẽ được bố trí lại mặt bằng trông giữ xe hai bánh, xe ô tô cho hành khách để sử dụng xe trung chuyển về bến xe Miền Đông mới.

Sau khi di dời hoàn tất, bến xe cũ sẽ ưu tiên bố trí diện tích cho phương tiện giao thông công cộng gồm xe buýt, xe taxi đậu, đỗ để đón, trả khách, văn phòng điều hành, nhà chờ cho hành khách, cung ứng nhiên liệu kể cả trạm nhiên liệu khí CNG cho xe buýt và các trạm sạc điện…

Để bến xe Miền Đông mới hoạt động ổn định, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị Tổng công ty cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV và Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông chấm dứt thời gian lưu đậu và đón trả khách tại bến xe Miền Đông hiện hữu đối với các tuyến vận tải hành khách đã được di dời sang bến xe Miền Đông mới.

Trước đó, để giải quyết tình trạng “ế ẩm” của bến xe Miền Đông mới sau khi đi vào hoạt động giai đoạn 1 (được đầu tư 740 tỷ đồng trong tổng vốn hơn 4.000 tỷ đồng), Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề xuất với Bộ Giao thông vận tải phương án chuyển toàn bộ các tuyến đang hoạt động tại bến xe Miền Đông hiện hữu ra bến xe Miền Đông mới giai đoạn 2, trừ quốc lộ 14 đi các tỉnh Tây Nguyên. Sau đó, Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý phương án di dời này.

Nguồn: https://vneconomy.vn/tp-hcm-di-doi-cac-tuyen-xe-khach-lien-tinh-den-ben-xe-mien-dong-moi.htm

[ad_2]