[ad_1]

TP.HCM đề xuất 4 kịch bản đầu tư tuyến đường vành đai 3

Trong 4 kịch bản đầu tư tuyến đường vành đai 3 TP.HCM, đến 3 phương án cần nguồn vốn ngân sách hỗ trợ 50%. Phương án còn lại, thời gian hoàn vốn kéo dài đến 29 năm.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả nghiên cứu và phương án đầu tư đường vành đai 3 trên cơ sở thống nhất với UBND 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương và Long An.

Dự án đường vành đai 3 theo quy hoạch có quy mô 8 làn xe cao tốc, chiều dài hơn 91 km từ Nhơn Trạch – Bến Lức. Toàn dự án được chia thành 4 đoạn tuyến với tổng chiều dài 91,66 km và 8,3 km các tuyến nối.

Khái toán tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh (chưa gồm lãi vay) lên đến 177.710 tỉ đồng, trong đó tuyến vành đai 3 là 169.732 tỉ đồng, tuyến nối với nút giao Thủ Đức là 7.500 tỉ đồng và tuyến nối vào khu công nghiệp Ông Kèo là 800 tỉ đồng. Khái toán tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 (gồm lãi vay) là 85.376 tỉ đồng.

Tổng quan dự án vành đai 3 TP.HCM. Độc lập – đồ họa: N.t

UBND TP.HCM cũng đưa 4 kịch bản đầu tư đối với dự án trên và đưa ra những phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án và kịch bản đầu tư.

Cụ thể, kịch bản 1 là đầu tư đối tác công tư (PPP) toàn tuyến, bao gồm giải phóng mặt bằng (GPMB), đường song hành, hỗ trợ nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư, đây là mức tối đa tham gia vốn của nhà nước theo Luật PPP. Theo kết quả phân tích tài chính, dự án không khả thi cho nhà đầu tư tham gia dự án theo hình thức BOT, không thể thu hút nhà đầu tư. Vì vậy phải báo cáo Quốc hội chấp thuận Nhà nước tham gia trên 50% vốn vào dự án để đảm bảo khả thi về tài chính, thu hút nhà đầu tư.

Kịch bản 2 là đầu tư PPP phần đường cao tốc, không bao gồm GPMB và đường song hành, hỗ trợ nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư. Kịch bản này thì dự án khả thi cho nhà đầu tư tham gia dự án theo hình thức BOT trong các Đoạn 3, Đoạn 4. Tuy nhiên, không đảm bảo khả thi cho toàn dự án để xây dựng khép kín toàn bộ đường vành đai 3 TP.HCM, hoặc phải báo cáo Quốc hội chấp thuận Nhà nước tham gia trên 50% vốn vào dự án.

Kịch bản 3 là đầu tư PPP phần đường cao tốc và đường song hành, không bao gồm GPMB, hỗ trợ nhà nước tối đa 50% tổng mức đầu tư. Qua phân tích tài chính, kịch bản này chỉ có dự án thành phần Đoạn 3 khả thi, các đoạn còn lại không khả thi cho nhà đầu tư tham gia dự án theo hình thức BOT do thu không đủ trả lãi (Đoạn 1) hoặc thời gian thu hồi vốn quá dài, các tổ chức tài chính không cho vay vốn (Đoạn 4).

Kịch bản 4 là đầu tư PPP phần đường cao tốc, không bao gồm GPMB và đường song hành, thời gian hoàn vốn 29 năm. Kịch bản này thì thời gian hoàn vốn của nhà đầu tư kéo dài (29 năm), tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư khoảng 15.411 tỉ đồng, chỉ chiếm khoảng 18% so với tổng mức đầu tư của dự án.

Kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn ngân sách

Theo UBND TP.HCM, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đường song hành 2 bên của dự án rất lớn (khoảng 52.468 tỉ đồng) nhưng cả TP.HCM và các tỉnh chưa thể cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để tham gia thực hiện dự án giai đoạn 2021 – 2025.

Trong trường hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT), tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư khoảng 15.411 tỉ đồng, chỉ chiếm khoảng 18% so với tổng mức đầu tư của dự án. Do thời gian hoàn vốn kéo dài (29 năm) nên khó hấp dẫn nhà đầu tư và tính khả thi chưa cao.

UBND TP.HCM đánh giá tuyến vành đai 3 hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho thành phố và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Hồng Sơn

UBND TP.HCM đánh giá việc đầu tư khép kín đường vành đai 3 TP.HCM là điều kiện cần để đầu tư các tuyến cao tốc hướng tâm đảm bảo tính khả thi, tháo gỡ điểm nghẽn và tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của thành phố nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía nam nói chung.

Về nguồn vốn đầu tư, TP.HCM và các tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương, Long An là các địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất do đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 nên việc bố trí ngân sách Trung ương từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội cho dự án này là thiết thực nhất để giúp đỡ cho 4 địa phương.

Do vậy, 4 địa phương thống nhất kiến nghị Trung ương hỗ trợ vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội để đầu tư dự án khoảng 83.290 tỉ đồng, bao gồm: GPMB một lần theo quy mô hoàn chỉnh, xây dựng tuyến chính – đường cao tốc 4 làn xe hạn chế (bao gồm các nút giao trên tuyến) và đầu tư đường song hành 2 bên.

Trong trường hợp Trung ương khó khăn về bố trí nguồn vốn, kiến nghị Trung ương hỗ trợ toàn bộ kinh phí GPMB theo quy mô hoàn chỉnh của dự án với kinh phí dự kiến khoảng 46.971 tỉ đồng. Đối với phần xây lắp, các địa phương sẽ chủ động nghiên cứu đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2021 – 2026.

Về phương thức thực hiện, UBND TP.HCM kiến nghị Thủ tướng giao nhiệm vụ cho UBND TP.HCM là cơ quan chuẩn bị đầu tư dự án đường vành đai 3; UBND TP.HCM sẽ chủ trì lập, báo cáo Thủ tướng trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án tổng thể, trong đó phân chia các dự án thành phần để các địa phương thực hiện.

Sỹ Đông

[ad_2]