[ad_1]

Bộ Xây dựng vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, TP về việc chỉ đạo các Sở ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Theo Bộ Xây dựng, trong thời gian qua các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin về một số tồn tại, bất cập, vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại một số địa phương như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk…,

Cụ thể về đối tượng được mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định; việc lập dự toán theo phương án tính giá bán của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đúng; chủ đầu tư, khách hàng tự thay đổi thiết kế công trình, căn hộ; việc sử dụng căn hộ không đúng mục đích…

Tổng rà soát nhà ở xã hội, xử lý nghiêm trường hợp sử dụng sai mục đích

Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội (Ảnh: Tuấn Vỹ)

Để kịp thời chấn chỉnh và khắc phục các tồn tại, bất cập nêu trên, đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nhà ở xã hội nhằm tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội về các phương diện như:

Thứ nhất, việc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định trên địa bàn quản lý.

Thứ hai, việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội của các đối tượng đã được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn nhằm xác định các trường hợp bán lại, cho thuê, cho ở nhờ, không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích và việc tự ý thay đổi thiết kế công trình, căn hộ.

Thứ ba, việc lập dự toán, xác định giá bán và giá bán thực tế của các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Thứ tư, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra sai phạm, không xử lý dứt điểm.

Thứ năm, xử lý các vi phạm pháp luật về nhà ở xã hội (nếu có) và đề xuất các biện pháp khắc phục.

Bất cập từ hoạt động mua bán

Trên thực tế, bất cập trong mua bán, quản lý nhà ở xã hội đã trở thành vấn đề nhức nhối. Trong đó, về hoạt động mua bán, giá bán đã nhiều lần được phản ánh không đúng quy định, xuất hiện bán chênh, bán “suất mua” khiến nhà ở xã hội bị đội giá.

Đơn cử như tại TP HCM đã xuất hiện trường hợp người mua nhà ở xã hội phải ký 2 hợp đồng, trong đó 1 hợp đồng mang danh nghĩa hoàn thiện căn hộ, mục đích bán chênh giá nhà.

Cụ thể, có 2 trường hợp đặc biệt là dự án HQC Bình Trưng Đông của chủ đầu tư Công ty cổ phần Tư vấn – Thương mại – Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân bị người dân phản ánh phải ký 2 hợp đồng cho 1 căn hộ. Khách hàng phải ký Hợp đồng mua bán căn hộ có giá hơn 16 triệu đồng/m2 và Hợp đồng thi công hoàn thiện tiện ích dịch vụ căn hộ có giá hơn 4 triệu đồng/m2 (hợp đồng này ký với Công ty Bảo Linh– nhà thầu xây dựng).

Việc này làm tăng giá nhà ở xã hội lên bằng mức giá bán thương mại cùng tại dự án này và thực chất đây là một cách để lách luật.

Một dự án khác là tổ hợp nhà ở – nhà ở xã hội Tân Bình Apartment cũng bị khách hàng phản ánh cũng buộc người mua nhà phải ký thêm hợp đồng thi công hoàn thiện căn hộ với Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển công nghệ Việt Nam với mức giá từ 300– 500 triệu đồng tùy từng căn hộ.

Trong khi đó, hồi đầu năm 2021, tại Hà Nội và TP HCM cũng xuất hiện tình trạng ồ ạt rao bán suất mua nhà ở xã hội. Đơn cử như dự án khu nhà ở xã hội Thượng Thanh do Liên danh Him Lam Thủ đô và BIC Việt Nam làm chủ đầu tư dù chưa mở bán nhưng đã liên tục xuất hiện thông tin để chắc chắn giành được suất mua nhà ở xã hội, người mua sẽ phải chi thêm vài trăm triệu đồng.

Tình trạng rao bán suất mua cũng diễn ra tại dự án nhà ở xã hội Hạ Đình tại ngõ 214 Nguyễn Xiển và dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn trên đường Tố Hữu.

Ngăn chặn hành vi trục lợi

Về công tác quản lý, tình trạng sử dụng không đúng mục đích cũng đang trở thành vấn đề nhức nhối. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, Thành phố đã phát hiện hàng trăm trường hợp mua nhà ở xã hội rồi cho ở nhờ, thuê lại, không sử dụng hoặc đập thông căn hộ trái phép.

Tổng rà soát nhà ở xã hội, xử lý nghiêm trường hợp sử dụng sai mục đích

Tại dự án nhà ở xã hội 30 Phạm Văn Đồng của CTCP Đầu tư xây dựng và thương mại Bắc Hà, Sở Xây dựng phát hiện có tình trạng đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích

Qua quá trình kiểm tra, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện phát hiện một số trường hợp mua, thuê nhà ở xã hội nhưng sử dụng không đúng mục đích. Các sai phạm được ghi nhận như cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích tại Dự án Tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở xã hội tại 30 Phạm Văn Đồng (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy).

Ngoài ra, có trường hợp cho ở nhờ, thuê lại hoặc không sử dụng như: Dự án nhà ở xã hội tại ngõ 622 phố Minh Khai có 57 trường hợp không sử dụng; khu nhà ở xã hội tại ô đất CC-1 khu đô thị Quốc Oai có 65 trường hợp; khu nhà ở cho người thu nhập thấp Ecohome có 158 trường hợp…

Nguyên nhân được UBND TP Hà Nội chỉ ra do vướng mắc trong sự phối hợp giữa các sở ngành, UBND các quận, huyện, thị xã với Sở Xây dựng để kiểm tra danh sách các đối tượng dự kiến được mua, thuê mua nhà ở xã hội nhằm xác định đối tượng được hỗ trợ. Trong đó có việc Cục thuế Hà Nội không cung cấp thông tin cho Sở Xây dựng với lý do bảo mật thông tin của người nộp thuế.

“Điều này có thể dẫn đến bỏ lọt các đối tượng không đủ điều kiện về thu nhập để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội vẫn được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội” – UBND TP Hà Nội cho hay.

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại TP HCM, báo cáo của Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra tại 5 dự án được kiểm toán chi tiết có 85 trường hợp người được mua, thuê nhà ở xã hội có dấu hiệu đã có nhà ở; 64 trường hợp người được mua, thuê nhà ở xã hội có giao dịch ủy quyền về nhà ở xã hội.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân của các hành vi trục lợi từ nhà ở xã hội chủ yếu là do việc thực thi pháp luật và sự thiếu đồng bộ về cơ sở dữ liệu giữa các vùng.

“Để ngăn chặn hành vi này, cần nhanh chóng chuyển đổi số hóa, áp dụng công nghệ thông tin. Nghĩa vụ cung cấp dữ liệu phải được liên thông, tự động. Không phải qua chủ đầu tư hay bộ, ngành địa phương. Mọi thứ phải tự động, khi có giao dịch tài sản ngay lập tức sẽ cập nhật trên hệ thống. Điều này sẽ chặn đứng tình trạng làm giả số liệu, lợi dụng để mua bán trái phép nhà ở xã hội” – ông Châu cho biết.

Đồng quan điểm, luật sư Trần Bá Học (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng ngoài vấn đề bất cập về hệ thống thông tin chưa đồng bộ, vấn đề trục lợi như mua bán nhà ở xã hội khi chưa đủ điều kiện còn đến từ việc các bên dễ dàng giao dịch qua giấy tờ viết tay hoặc hợp đồng công chứng nhưng không đăng ký sang tên người mua… nhằm hạn chế rủi ro cho người mua, thực chất là chiêu “lách luật”.

Về công tác quản lý nhà nước đối với nhà ở xã hội, luật sư Trần Bá Học cho rằng, Sở Tư pháp địa phương cần phải có ý kiến phổ biến đến các văn phòng công chứng nhà nước và văn phòng công chứng tư nhân không được công chứng chuyển nhượng tài sản là nhà ở xã hội dưới 5 năm để tránh phát sinh tranh chấp không đáng có và khó xử lý về sau.

[ad_2]