[ad_1]
Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành kiểm soát hoạt động vận tải tại các đầu mối giao thông, khu vực cửa khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại thời điểm Tết Nguyên đán đang đến gần…
Kiểm soát hoạt động vận tải tại các đầu mối giao thông, siết chặt chống buôn lậu dịp cuối năm.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ vừa ký Quyết định số 14 ban hành Kế hoạch hành động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2022 của Bộ Giao thông vận tải.
Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở các chuyên ngành, nắm vững diễn biến tình hình để kịp thời giải quyết triệt để hiện tượng lợi dụng loại hình để vận chuyển hàng lậu, gian lận thương mại và hàng giả, kém chất lượng.
Kế hoạch nêu rõ, phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng cơ quan chức năng thuộc địa phương và của trung ương đóng tại địa bàn.
“Tăng cường kiểm soát tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, đường hàng không và các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
Đồng thời, kiểm soát các hành vi lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử, mua, bán online, mạng xã hội như facebook, zalo… để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
“Tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhóm mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập khẩu có điều kiện, có thuế suất cao và các mặt hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán như thực phẩm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, ma tuý, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, gia súc, gia cầm, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp…”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng Cục Đường bộ Việt Nam chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng khác trong, ngoài địa bàn kiểm soát hải quan như biên phòng, công an, quản lý thị trường, kiểm dịch, y tế… để kiểm tra kiểm soát hoạt động vận tải tại các đầu mối giao thông như bến xe, bãi đỗ xe, cửa khẩu quốc tế, các tuyến vận tải hành khách trong nước và quốc tế, vận tải hàng hóa liên vận quốc tế.
Bên cạnh đó, chủ động xây dựng kế hoạch để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để có biện pháp phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm về vận chuyển hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, động vật hoang dã…
Với Cục Đăng kiểm Việt Nam, cần tăng cường kiểm tra kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn phương tiện tự ý thay đổi kích thước, bố trí các khoang chở hàng nhằm mục đích chở hàng lậu.
Với Cục Hàng không Việt Nam, cần kiểm tra, rà soát chặt chẽ quy trình soi chiếu an ninh hàng không, xếp, dỡ, đưa hàng hóa lên tàu bay tại các cảng hàng không, sân bay. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành và quản lý phục vụ đắc lực cho công tác quản lý và giám sát hoạt động hàng không dân dụng cũng như góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
“Tổng công ty hàng không Việt Nam, Công ty Vietjet Air, Jetsta Pacific, Vasco chỉ đạo đoàn bay, tiếp viên rà soát nội bộ, thường xuyên kiểm soát tổ bay khi làm nhiệm vụ, quán triệt và yêu cầu tổ bay chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động hàng không”, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ.
[ad_2]