[ad_1]

Vào năm 2019, lượng khách du lịch đến với Sa Pa đạt gần 3,3 triệu người, gấp 50 lần do với dân số 66.000.

Toàn cảnh thị xã có lượng khách du lịch nhiều gấp 50 lần dân số

Thị xã Sa Pa được thành lập ngày 1/1/2020 trên cơ sở toàn bộ diện tích 681 km2 và dân số 66.600 người của huyện Sa Pa (Lào Cai). Nằm trên dãy núi Hoàng Liên với độ cao trung bình 1500 – 1800 m so với mực nước biển, đây là thị xã cao nhất Việt Nam. Cũng nhờ độ cao này nên nơi đây có nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 15-18 độ C. 

Trong những năm qua, kinh tế Sa Pa có nhiều khởi sắc. Từ năm 2015 đến 2020, Sa Pa đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13,42%. Sau 2 năm khó khăn vì dịch Covid-19, năm 2022 thị xã cao nhất Việt Nam đã trở lại với tốc độ tăng trưởng 13,8%. GRDP bình quân đầu người đạt 105,19 triệu đồng/năm

Du lịch, dịch vụ chiếm hơn 50% cơ cấu kinh tế của Sa Pa. Từ hơn 100 năm trước, người Pháp đã xây dựng những khách sạn, trại nghỉ dưỡng và biến nơi đây thành “kinh đô nghỉ hè”. 

Trong hơn 10 năm qua, hàng loạt công trình lớn giúp kết nối Sa Pa với các vùng khác được xây dựng. Tiêu biểu có cao tốc Nội Bài – Lào Cai (thông xe năm 2014), sân bay Sa Pa (động thổ năm 2022). Trong ảnh là cầu Móng Sến, cầu có trụ cao nhất Việt Nam giúp kết nối Sa Pa với  cao tốc.

Đặc biệt, ngành du lịch của Sa Pa trở nên bùng nổ từ năm 2016, khi tuyến cáp treo 3 dây dài nhất thế giới được đưa vào hoạt động tại Fansipan. Thay vì leo bộ vài ngày, hàng triệu người có thể chinh phục “nóc nhà Đông dương” chỉ sau 15 phút đi cáp treo và 600 bậc thang leo bộ. 

Lượng khách đã tăng từ mức 521.000 người (năm 2011) lên 1,56 triệu người năm 2016 rồi 3,294 triệu người (năm 2019). Lượng khách du lịch này gấp 50 lần dân số Sa Pa. Sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch bệnh, năm 2022 lượng khách đã trở lại ở mức 2,5 triệu người. Ông Vương Trinh Quốc, nguyên chủ tịch UBND thị xã Sa Pa từng phát biểu “ Cứ 10 người thì khoảng 7 người đi cáp treo Fansipan”. Trong ảnh là đỉnh Fansipan trong ngày tuyết rơi.

Không chỉ ở trung tâm thị xã hay trên đỉnh Fansipan, Sa Pa còn có những điểm du lịch ở các bản làng xung quanh như Tả Phìn, Hầu Thào, Sâu Chua… giúp du khách khám phá đặc trưng văn hoá bản địa. Trong ảnh là bản du lịch Cát Cát.

Thị xã cao nhất Việt Nam có 6 dân tộc chính cùng sinh sống, trong đó người Mông chiếm hơn 53%, người Dao chiếm hơn 22%. Vì thế, nơi đây có nhiều lễ hội của các dân tộc địa phương như  “Gâu xtao” của người Mông, “Lễ tết nhảy” của người Dao, lễ hội “Xuống đồng” của người Dáy, múa “Mừng được mùa” của  người Xã Phó, lễ hội “Hát then” của người Tày. Chính sự đa dạng trong văn hoá bản địa cũng là một “thỏi nam châm” thu hút du khách thập phương.

Khu vực nông nghiệp chỉ chiếm gần 20% cơ cấu kinh tế của thị xã. Những năm gần đây, người dân cũng tận dụng việc làm nông nghiệp độc đáo của mình để phát triển du lịch như khu vực ruộng bậc thang ở thung lũng Mường Hoa, vườn mai anh đào ở đồi chè ô long….

Với lượng du khách ngày một tăng cao, các khách sạn, nhà hàng cũng phát triển mạnh. Năm 2022, Sa Pa có 711 cơ sở lưu trú, chiếm gần 56% tổng số cơ sở lưu trú của toàn tỉnh Lào Cai. Trong ảnh là Hotel de la Coupole, MGallery – khách sạn 5 sao quốc tế đầu tiên ở Sa Pa.

Cùng với sự phát triển kinh tế, giá bất động sản tại Sa Pa cũng tăng cao. Khu vực xa trung tâm thị xã có giá khoảng 50 – 100 triệu đồng/m2. còn khu  “đất vàng” trung tâm như như phố Cầu Mây có thể lên tới 230 – 250 triệu đồng/m2, tại phố Xuân Viên giá cao nhất đạt 250 – 260 triệu đồng/m2. Mức giá này tương đương với trung tâm Hà Nội. Trong ảnh là phố Xuân Viên, gần công viên trung tâm Sa Pa.

[ad_2]

Nguồn: https://markettimes.vn/toan-canh-thi-xa-co-luong-khach-du-lich-nhieu-gap-50-lan-dan-so-20745.html