[ad_1]

UBND tỉnh Hòa Bình cần phải đạt sự đồng thuận cao đối với hàng loạt cơ chế chưa từng có tiền lệ để triển khai Dự án PPP đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình.

Tìm sự đồng thuận về cơ chế đầu tư cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình

Một đoạn đường Hòa Lạc – Hòa Bình. Ảnh: A.M

Làm rõ cơ chế triển khai

UBND tỉnh Hòa Bình đang khẩn trương tìm kiếm sự đồng thuận của các bộ, ngành và địa phương về cơ chế triển khai Dự án Mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo phương thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Trong Công văn số 98/UBND-KT vừa gửi UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình muốn lãnh đạo Thủ đô ủng hộ phương án đầu tư mở rộng tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình. Sự ủng hộ này là rất quan trọng, bởi có 6/23 km đường Hòa Lạc – Hòa Bình nằm trên địa phận TP. Hà Nội.

UBND tỉnh Hòa Bình cũng muốn UBND TP. Hà Nội nhất trí đối với việc giao tỉnh này là cơ quan có thẩm quyền đối với Dự án Đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình giai đoạn I, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh có căn cứ, cơ sở để mua lại dự án này, tạo bước đệm quan trọng cho việc đầu tư mở rộng tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình.

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị UBND TP. Hà Nội quan tâm chỉ đạo UBND các huyện Ba Vì, Thạch Thất hoàn thành việc quyết toán chi phí giải phóng mặt bằng Dự án Đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình giai đoạn I gửi Bộ Giao thông – Vận tải (GTVT).

Được biết, đây là những thỏa thuận mà UBND tỉnh Hòa Bình cần phải đạt được để Bộ GTVT có đủ cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án Mở rộng đường Hoà Lạc – Hòa Bình theo hình thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Trước đó, vào đầu tháng 11/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 8220/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về việc đầu tư mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo phương thức PPP có sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo đó, đối với chủ trương đầu tư Dự án theo hình thức PPP và giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Phó thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hòa Bình thống nhất với Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội về các nội dung liên quan theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật PPP.

Về đề nghị giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình (Dự án giai đoạn I), lãnh đạo Chính phủ giao Bộ GTVT làm rõ căn cứ pháp lý, điều kiện để chuyển giao thẩm quyền đối với đường Hòa Lạc – Hòa Bình hiện hữu từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Hòa Bình; thủ tục, trình tự chuyển giao thẩm quyền quản lý và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư; thỏa thuận thống nhất giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư Dự án đường Hòa Lạc – Hòa Bình hiện hữu về việc chuyển giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền và ký hợp đồng với nhà đầu tư.

Cơ chế khó

UBND tỉnh Hòa Bình đã nhận được cái gật đầu của Bộ GTVT đối với một số số cơ chế triển Dự án Mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo phương thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Tại Thông báo số 594/TB-BGTVT ngày 24/12/2021, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT thống nhất về sự cần thiết đầu tư mở rộng tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình nhằm từng bước hoàn thiện và hoàn thành đồng bộ tuyến cao tốc Hà Nội – Hòa Bình – Sơn La – Điện Biên. Điều này phù hợp với Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021; đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và kết nối các tỉnh khu vực Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội.

Ông Đông cũng cho biết, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng giao UBND tỉnh Hòa Bình là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện Dự án Mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình theo phương thức PPP có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

“Đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình phối hợp UBND TP. Hà Nội rà soát, hoàn thiện các thủ tục liên quan theo quy định của Luật PPP. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cơ quan có thẩm quyền đối với Dự án, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi dự án, Bộ GTVT sẽ phối hợp và tham gia ý kiến theo chức năng, nhiệm vụ của bộ quản lý chuyên ngành theo quy định hiện hành”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu quan điểm.

Cần phải nói thêm, Dự án BOT đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình giai đoạn I (đường Hòa Lạc – Hòa Bình hiện hữu) do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đã hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng và thu phí hoàn vốn từ ngày 10/10/2018, thời gian hoàn vốn là 27 năm 6 tháng 9 ngày.

Do vậy, để đảm bảo đường Hòa Lạc – Hòa Bình mở rộng được đầu tư hiệu quả, có tính khả thi và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng theo quy định tại khoản 2, khoản 5, Điều 7, Luật PPP, các cơ quan liên quan phải xử lý được bài toán lợi ích giữa nhà đầu tư đường Hòa Lạc – Hòa Bình hiện hữu và nhà đầu tư Dự án PPP mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình.

“UBND tỉnh Hòa Bình cần nghiên cứu kỹ lưỡng về cơ sở pháp lý và phương thức triển khai việc mua lại Dự án BOT đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc – Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình giai đoạn I trong quá trình lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi mở rộng đường Hòa Lạc – Hòa Bình trên nguyên tắc đồng thuận và đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan”, lãnh đạo Bộ GTVT khuyến nghị.

Dự án Đầu tư mở rộng tuyến đường Hòa Lạc – Hòa Bình có mục tiêu xây dựng tuyến đường cao tốc dài 23,04 km lên 6 làn xe, chiều rộng nền đường hoàn thiện 80 – 110 m.
Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 8.168.544 triệu đồng, trong đó phần vốn thực hiện của nhà đầu tư, doanh nghiệp PPP là 3.888.148 tỷ đồng; phần vốn thực hiện từ ngân sách nhà nước là 3.888.148 tỷ đồng. Thời gian thu hồi vốn của Dự án dự kiến khoảng 24 năm; thời gian thực hiện đầu tư xây dựng là từ năm 2022 đến năm 2027.

[ad_2]