[ad_1]

Phạm Tiến Hùng, sinh năm 1992, là kiến trúc sư trưởng của công ty chuyên sản xuất robot dùng trong các dây chuyền sản xuất tinh vi trên thế giới.

Phạm Tiến Hùng bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 27 tuổi tại Đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore. Năm 2018, anh cùng PGS – TS Phạm Quang Cường sáng lập Eureka Robotics, công ty chuyên về robot và ứng dụng AI cho ngành sản xuất. Với vai trò đồng sáng lập kiêm CTO, Hùng là kiến trúc sư trưởng, phát triển toàn bộ sản phẩm của Eureka Robotics và đưa vào những thị trường khó tính như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore.

Nhân duyên với robotics

Dù từ nhỏ đã đam mê robot và yêu thích môn vật lý, bước ngoặt đến với Hùng khi anh tham gia một hội thảo về robotics, AI cách đây gần 10 năm.

“Tôi chủ yếu học về cơ khí, vật liệu, quản lý dự án, thí nghiệm… 10 năm trước, Robotics, AI là thứ gì đó khá mới lạ với một sinh viên mới ra trường nên tôi bị cuốn hút ngay. Chính vì thế, tôi quyết định học tiếp lên Tiến sĩ ngành robotics và làm nghiên cứu theo hướng dẫn của PGS – TS Phạm Quang Cường. Đó cũng là khởi đầu đưa tôi đến với Eureka Robotics”, Hùng kể.

Tiến sĩ Phạm Tiến Hùng, Giám đốc công nghệ của Eureka Robotics, công ty chuyên về tự động hóa có trụ sở tại Singapore.

TS. Phạm Tiến Hùng, Giám đốc công nghệ của Eureka Robotics, chuyên về tự động hóa tại Singapore.

Theo Hùng, tự động hoá sẽ trở thành xu hướng và robot là cách dễ nhất để theo kịp sàn sóng này. CTO Eureka Robotics nói luôn cảm thấy đúng đắn khi quyết định chuyển hướng sang làm startup ngành robot để “mang những nghiên cứu ra thực tế, tạo ra giá trị cho xã hội một cách nhanh nhất”. Anh chia sẻ: “Những gì chúng tôi làm hôm nay có thể giúp Việt Nam và khu vực nhận được nhiều giá trị của tự động hoá trong tương lai”.

Ở Eureka Robotics, anh phụ trách phát triển toàn bộ sản phẩm, đồng thời vạch ra chiến lược nghiên cứu và phát triển kỹ thuật và thương mại. Hiện đối tác của Eureka Robotics là những tập đoàn sản xuất hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Một trong những mẫu robot mà Phạm Tiến Hùng và các đồng đội tự hào nhất là Pythagoras phục vụ cho ngành quang học viễn thông 5G. Các robot này đã được đưa vào dây chuyền sản xuất tại Trung Quốc. Trước khi có robot Pythagoras, công nhân phải ngồi cả ngày kiểm tra chất lượng của thấu kính bé như hạt gạo. Họ cắt một vị trí ngẫu nhiên trong thấu kính, bỏ vào khay rồi chuyển đến khâu tiếp theo để xem thấu kính đó có bị xước, bụi hay không.

“Tôi không thể hình dung là có người làm công việc đó 10 tiếng mỗi ngày, ngày này qua ngày khác”, Hùng nói.

Với sự giúp sức của robot, công nhân không cần làm những việc phải tập trung cao độ, tốn nhiều công sức. Mỗi robot có thể thay thế 4 người, làm liên tục 24/7. Theo tính toán của Hùng, chỉ mất khoảng hai năm, nhà đầu tư có thể thu hồi vốn từ việc đưa robot vào dây chuyền sản xuất.

Mẫu robot Pythagoras dùng trong ngành quang học viễn thông 5G với những tao tác tinh vi, đòi hỏi độ chính xác cao do Eureka Robotics phát triển đã được đưa vào sử dụng trong nhà máy sản xuất lớn ở Trung Quốc.

Mẫu robot Pythagoras dùng trong ngành quang học viễn thông 5G và được sử dụng trong một nhà máy sản xuất lớn ở Trung Quốc.

Hùng cho biết, điểm khác biệt của robot của Eureka là nó không làm việc như robot truyền thống mà hoạt động như máy tính, cho phép nhà phát triển thay đổi chương trình, viết phần mềm cho nó. Ví dụ, Pythagoras có thể được lập trình để gắp linh kiện khác ngoài thấu kính. Hệ thống điều khiển có thể xây dựng môi trường 3D để robot tự hoạt động, điều chỉnh theo điều kiện thực tế thay vì chỉ biết đi theo những đường đã được lập trình sẵn.

Ngoài Pythagoras, nhóm của Hùng cũng phát triển robot Archimedes cho ngành quang học laser, đang được đưa vào một số dây chuyền sản xuất tại Singapore. Phần mềm điều khiển lực cho robot công nghiệp cũng được Denso – nhà sản xuất robot công nghiệp hàng đầu thế giới của Nhật Bản – trang bị cho bộ quản lý robot của hãng. Bên cạnh đó, phần mềm mở hoạch định cử động tối ưu hoá cho robot của Eureka công bố trên Github cũng được hàng chục công ty và nhóm nghiên cứu trên thế giới sử dụng.

Trong Covid-19, robot của Eureka Robotics góp phần giúp các nhà máy của đối tác trên khắp thế giới duy trì hoạt động, hạn chế tiếp xúc đông người, đảm bảo an toàn cho người lao động. “Không được 100%, nhưng các công ty sử dụng robot của Eureka vẫn duy trì được đến 80% hiệu suất trong nhà máy, đảm bảo hàng hóa không bị đứt gãy và doanh nghiệp không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi đại dịch”, Hùng nói.

Khát khao cống hiến cho Việt Nam

Hùng cho biết anh luôn mong muốn đưa các công nghệ mới nhất về quê hương. “Việt Nam đang ngày càng thu hút nhiều công ty quốc tế đến đặt nhà máy sản xuất. Tuy nhiên, các tập đoàn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… khi tới đây sẽ mang theo hệ thống tự động hóa, máy móc có sẵn của họ sang. Trong khi đó, những công ty sản xuất trong nước vẫn ưu tiên nguồn nhân công giá rẻ thay vì đầu tư máy móc”, Hùng cho hay.

Tuy nhiên, nhìn vào quy mô chuyển đổi số của quốc gia, Tiến sĩ 9x đánh giá chỉ vài năm nữa, tự động hoá ở Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ, nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước cũng sẽ dồi dào.

“Vừa là hy vọng nhưng cũng là dự đoán trong vài năm tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp sản xuất quốc tế đến Việt Nam vì hệ sinh thái tự động hoá, dây chuyền sản xuất chất lượng cao cứ không phải vì nhân công giá rẻ. Tôi luôn muốn tham gia vào nỗ lực đấy. Nếu không tiên phong thì cũng sẽ đứng đầu. Thị trường chắc chắn sẽ thay đổi và khi đó Eureka Robotics sẽ xuất hiện nhiều hơn ở Việt Nam”, Hùng nói.

PGS - TS Phạm Quang Cường và Tiến sĩ Phạm Tiến Hùng (trái) bên mẫu robot do họ nghiên cứu và chế tạo.

PGS – TS Phạm Quang Cường và TS Phạm Tiến Hùng (trái) bên mẫu robot do họ nghiên cứu và chế tạo.

Bên cạnh lợi ích của tự động hóa và robotics, Phạm Tiến Hùng cũng lưu ý làn sóng chuyển đổi số quá nhanh cũng có thể khiến nhiều lao động phổ thông bị bỏ lại nếu không theo kịp. Nhìn ở góc độ này, chuyển đổi số không còn là vấn đề riêng của từng doanh nghiệp mà là vấn đề cấp quốc gia.

“Nếu ở Singapore, đi ngoài đường bạn sẽ bắt gặp nhiều khẩu hiệu kêu gọi mọi người lên các trang web học các kỹ năng mới. Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc cập nhật kiến thức, định hướng tương lai công việc cho mọi người bằng cách giảm giá hoặc miễn phí các khoá học. Cuối cùng, tự động hoá phải là thuật toán xã hội chứ không đơn thuần là thay thế lao động tay chân bằng máy móc, robot”, anh nhận định.

CTO của Eureka Robotics cho rằng, cách tốt nhất cho doanh nghiệp muốn tự động hoá là thay đổi từng bước, từ việc nhỏ trước. “Hãy xem tự động hoá cũng như hoạt động đầu tư. Nghĩa là nó có thể thành công hoặc không, tuỳ vào công việc cụ thể mình muốn thay đổi”, Hùng nói. “Con người mới là yếu tố then chốt của quá trình tự động hoá chứ không phải máy móc”.

Theo anh, không ai nên ngồi mãi ở một chỗ 10 tiếng mỗi ngày để làm việc tay chân nhàm chán. Người lao động nên nhanh nhạy, chuyển sang làm công việc đòi hỏi kỹ năng cao hơn như điều khiển máy móc, làm chủ robot thay vì sợ chúng cướp đi công việc của mình.

Khương Nha

[ad_2]