[ad_1]

(Dân trí) – Hạ tầng, tiện ích quyết định đến sức sống của các khu đô thị, chung cư, nhưng không ít cư dân phải “kêu trời” vì là những người đầu tiên dọn về ở.

Tiện ích, cư dân cùng… chờ nhau 

Lâu nay, những khu đô thị bỏ hoang hay những dự án chung cư thiếu kết nối hạ tầng giao thông hay thiếu thốn tiện ích trong giai đoạn đầu đưa vào khai thác đã trở thành nỗi ám ảnh của những cư dân về ở đầu tiên. 

Là một trong những người đầu tiên về ở tại dự án The Matrix One – đường Lê Quang Đạo (Nam Từ Liêm, Hà Nội), chị N.T.N. cho biết, gia đình chị đã nhận bàn giao nhà từ tháng 2, nhưng tới nay toàn dự án vẫn chưa có các dịch vụ tiện ích cơ bản như siêu thị, nhà thuốc, cửa hàng ăn…

Tiên phong nhận nhà rồi dài cổ chờ... hạ tầng, tiện ích - 1

Khu vực khối đế thương mại tại dự án The Matrix One chưa có hoạt động kinh doanh (Ảnh: Hà Phong).

“Dù dự án đã hoàn thiện và đủ điều kiện bàn giao nhà cho cư dân nhưng từ các căn shophouse đến các căn hộ đều trong tình trạng vắng hoe. Cả cư dân và người thuê căn hộ đều có tâm lý chờ dự án có tiện ích mới về ở, còn người kinh doanh tiện ích thì lại chờ cư dân về ở mới mở cửa kinh doanh”, chị N. nói.

Tiên phong nhận nhà rồi dài cổ chờ... hạ tầng, tiện ích - 2

Dãy shophouse tại dự án The Matrix One cũng chưa cửa hàng kinh doanh tiện ích nào được mở (Ảnh: Hà Phong).

Cũng theo chị N., bên cạnh việc chưa có nhiều tiện ích xung quanh dự án, việc kết nối hạ tầng giao thông với các khu vực xung quanh cũng chưa thuận tiện.  

Chị N. cho hay chị và nhiều cư dân đã đề nghị chủ đầu tư mở rào chắn ngăn cách giữa dự án với đường Mễ Trì để kết nối được với khu chung cư Golden Palace và khu dân cư hiện hữu để có thể sử dụng các dịch vụ, hàng hóa đã có. Tuy nhiên, chị chia sẻ, chủ đầu tư đã từ chối mở rào chắn trên với lý do là đoạn đường thuộc giai đoạn 2 của dự án cần đảm bảo an ninh và chỉ mở khi đã hoàn thành.

Tiên phong nhận nhà rồi dài cổ chờ... hạ tầng, tiện ích - 3

Cư dân kiến nghị mở rào chắn tuyến đường kết nối với các khu chung cư, dân cư xung quanh để có thể sử dụng thêm tiện ích (Ảnh: Hà Phong).

Năm 2019, anh Nguyễn Quốc Hải cũng là người tiên phong về ở tại dự án Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn (Hà Đông, Hà Nội), nhưng chỉ 5 tháng sau đó, anh đã phải chuyển đi vì thiếu tiện ích và hạ tầng không đồng bộ. Theo anh Hải, thời điểm đó, dự án chỉ lác đác vài cư dân về ở, do đó, không thu hút được hoạt động kinh doanh tiện ích…  

“Ngoài vấn đề an ninh, vệ sinh không được đảm bảo do dự án chưa có nhiều người ở, các dịch vụ tiện ích như quán ăn, quầy thuốc… không có, cư dân phải đi rất xa mới mua được. Sinh hoạt thường ngày của gia đình gặp nhiều khó khăn khiến tôi phải quyết định đi tìm chỗ ở mới, dù rất tâm huyết với ngôi nhà đã đầu tư”, anh Hải nói.

Trước đó, cư dân tại khu đô thị Ao Sào (Hoàng Mai, Hà Nội) từng phản ánh về tình trạng “không nước, không lối đi” sau thời gian dài nhận bàn giao nhà của chủ đầu tư.

Lý giải về việc khu đô thị này bị “cô lập”, chủ đầu tư cho rằng, phần hạ tầng kỹ thuật thuộc quy hoạch nằm trong hàng rào chỉ giới thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư, đã được đơn vị đầu tư xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh. Tuy nhiên, do dự án nằm cuối tuyến quy hoạch nhưng phía bên ngoài còn rất nhiều dự án khác thuộc hạ tầng kỹ thuật chung chưa được thi công nên dự án đang bị “cô lập” về hạ tầng.

Có đường sá, buôn bán là có người ở

Trước nhiều bất cập trong quá trình vận hành khu đô thị, tòa nhà chung cư, cư dân nhà ngày càng cẩn trọng và đòi hỏi khắt khe hơn trong việc lựa chọn các công trình bất động sản. Điều này khiến các chủ đầu tư phải dành cả tâm huyết và tài chính vào hạ tầng, tiện ích.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, hệ thống tiện ích là yếu tố hàng đầu góp phần định vị giá trị của dự án bất động sản. Giá trị dự án gia tăng tương ứng với chất lượng và đẳng cấp mà hệ thống tiện ích mang lại.

Tiên phong nhận nhà rồi dài cổ chờ... hạ tầng, tiện ích - 4

Hàng loạt căn liền kề dự án Khu đô thị Geleximco Lê Trọng Tấn đang bỏ hoang (Ảnh: Hà Phong).

Chuyên gia quy hoạch đô thị, TS.KTS Hoàng Hữu Phê cho biết, nơi nào có đường sá đi lại thuận tiện, kèm theo đó là các tiện ích công cộng thì nơi đó thu hút người dân đến sinh sống, kéo giá bất động sản tăng theo. Chỉ cần nhìn các dự án có hệ giao thông dày đặc, đa dạng, khả năng di chuyển trong tương lai, kết nối với trung tâm dễ dàng thì chắc chắn sẽ tạo ra giá trị bất động sản bền vững.

Còn theo ông Nguyễn Quang – một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc tại Hà Nội, vấn đề “cư dân có trước tiện ích hay tiện ích có trước cư dân” là bài toán đau đầu được đặt ra cho chủ đầu tư trong giai đoạn dự án bắt đầu đưa vào sử dụng. Việc giải quyết được vấn đề này sẽ thể hiện được cái tâm, cái tầm của chủ đầu tư.

Cũng theo ông Quang, khi quan tâm tới chất lượng bất động sản, chủ đầu tư sẵn sàng bỏ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng để đầu tư các hạng mục về trường học quốc tế, bệnh viện, siêu thị, nhà hàng trong dự án. Khi đó cư dân họ nhìn thấy được giá trị và sẵn sàng chi tiền, về ở sớm… tạo giá trị về thương hiệu lâu dài.  

“Nhiều dự án cùng nằm trên một cung đường nhưng có thể chênh lệch nhau đến vài chục triệu đồng/m2 vì mức độ đầu tư tiện ích khác nhau. Tiện ích càng cao cấp, chuyên biệt, giá trị dự án càng cao. Nhất là khi xu hướng “tiện ích trong tầm tay” nhằm giải quyết nhiều vấn đề hàng ngày, mang đến cuộc sống tiện nghi, thoải mái và thêm chất lượng, gắn kết gia đình đang được ưa chuộng”, ông Quang nói. 

Tiên phong nhận nhà rồi "dài cổ" chờ... hạ tầng, tiện ích Công ty cổ phần Địa Tín phân phối độc quyền dự án: Khu đô thị Từ Sơn Garden City

Nguồn: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/tien-phong-nhan-nha-roi-dai-co-cho-ha-tang-tien-ich-20220817145506571.htm

[ad_2]