[ad_1]

Nhiều ý kiến đã được đưa ra để tháo gỡ vướng mắc cho lĩnh vực bất động sản du lịch. Trong đó, vấn đề về thuế được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Bất động sản du lịch có nhiều mô hình song song, nên dễ gây ra nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực này.

Đề xuất cấn trừ lãi lỗ hai chiều

Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Tổng giám đốc phụ trách dịch vụ thuế và pháp lý của Công ty PwC, nêu ra một số vấn đề trong lĩnh vực bất động sản du lịch, trong đó có vấn đề thuế, cụ thể là quy định cấn trừ lãi lỗ của doanh nghiệp.

Quy định hiện hành chỉ cho phép cấn trừ lãi lỗ một chiều cho doanh nghiệp. Cụ thể, lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản không được bù trừ với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

Theo ông Trung, bất động sản du lịch có nhiều mô hình song song, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nên dễ gây ra nhiều ảnh hưởng đến các doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực này.

“Vì vậy, chúng tôi để xuất nên sửa đổi quy định này thay bằng cấn trừ lãi lỗ hai chiều”, ông Trung đề xuất.

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, cũng đồng quan điểm, cho rằng mô hình hoạt động của nhiều doanh nghiệp đã có sự thay đổi căn bản, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.

Các doanh nghiệp có xu hướng phát triển đa ngành và kinh doanh bất động sản chỉ là một trong số các ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, tỷ trọng doanh thu từ kinh doanh bất động sản không còn chiếm ưu thế.

“Trong một số trường hợp, tuy mảng kinh doanh bất động sản có lãi nhưng vẫn không đủ bù lỗ cho các mảng kinh doanh khác. Đại dịch Covid-19 kéo dài đã làm trầm trọng thêm các khó khăn của thị trường bất động sản, làm cho hầu hết các doanh nghiệp bất động sản, nhà đầu tư, khách hàng đều gặp khó khăn ở các mức độ khác nhau”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, quy định hiện tại không cho phép doanh nghiệp được bù trừ lãi từ hoạt động bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khác, vô hình trung gây thêm khó khăn chồng chất cho doanh nghiệp, đi ngược lại với chủ trương đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Ông Minh cho rằng việc sửa đổi quy định này theo hướng cho phép doanh nghiệp có lãi từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản được bù trừ với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh là hết sức cần thiết nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo động lực cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Cơ chế thuế cần được nới lỏng

Ông Minh của Deloitte Việt Nam cho rằng các cơ chế thuế đặc thù đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản nói chung cần được xem xét nới lỏng dần theo xu hướng chuyển đổi chính sách coi kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản cũng như những ngành nghề kinh doanh khác.

Đầu tiên là hoạt động chuyển nhượng bất động sản không được hưởng ưu đãi thuế.

Theo ông Minh, ưu đãi thuế là một trong các yếu tố khuyến khích đầu tư và thường được đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ tài chính khác đối với doanh nghiệp. Các ưu đãi thuế có thể định hướng theo nhiều cách và nhiều kiểu kết hợp dựa trên một số các tiêu chí: theo quy mô đầu tư (lớn hoặc nhỏ), theo loại hình kinh doanh hoặc ngành (sản xuất, nghiên cứu và phát triển), theo yếu tố đầu vào (vốn hữu hình, vốn vô hình, lao động, năng lượng, nguyên vật liệu), theo khu vực địa lý (vùng khó khăn, khu vực đặc biệt)…

Thứ hai là khống chế mức chi phí lãi vay được trừ khi tính thuế.

Theo ông Minh, chính sách pháp luật về thuế nên được nghiên cứu, xem xét và sửa đổi theo hướng linh hoạt hơn theo hướng quy định mức khống chế mức chi phí lãi vay phù hợp với đặc thù của từng ngành nghề kinh doanh cụ thể, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh bất động sản thường nhu cầu sử dụng nguồn vốn lớn thì mức khống chế nên cân nhắc nâng lên cao hơn.

“Điều này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản nói chung và doanh nghiệp bất động sản du lịch nói riêng có những bước phát triển đột phá và mạnh mẽ hơn”, ông Minh đề xuất.

[ad_2]