[ad_1]
Ngày 24/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022 để xem xét 4 dự án luật, trong đó có Luật Đất đai (sửa đổi)…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2022 – Ảnh: VGP
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Tại phiên họp, Chính phủ nghe tờ trình tóm tắt dự thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định; nghe báo cáo thẩm tra; đồng thời dành thời gian thảo luận, đóng góp ý kiến, làm rõ các nội hàm, chỉnh sửa, bổ sung nội dung vào dự thảo các luật: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Các thành viên Chính phủ đã tập trung thảo luận đối với nhiều vấn đề còn ý kiến khác nhau, các nội dung mới, các nội dung còn vướng mắc trên thực tiễn.
Theo đó, đối với Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu thảo luận sâu về các nội dung như: Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; về mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; về cho phép chuyển nhượng, thế chấp “quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”; về tiếp cận đất đai của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng cả 4 dự án luật được thảo luận tại phiên họp này đều là luật khó, liên quan nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực, nhiều luật. Ảnh: VGP
Đối với Luật Giá (sửa đổi), các đại biểu thảo luận một số vấn đề như: Các trường hợp sử dụng khái niệm thu phí, thu giá; về quỹ bình ổn giá; vấn đề thẩm định giá; danh mục Nhà nước quy định giá và không quy định giá, thẩm quyền quy định giá.
Đối với Luật Đấu thầu (sửa đổi), các đại biểu thảo luận các nội dung liên quan thủ tục đấu thầu; hình thức đấu thầu; thủ tục lập, lựa chọn nhà đầu tư; phê duyệt danh mục đầu tư; chính sách sử dụng sản phẩm khuyến khích thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, thân thiện môi trường, mua sắm xanh; nguyên tắc lựa chọn nhà thầu; trường hợp chỉ định thầu; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu thầu…
Về Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các thành viên Chính phủ thảo luận các quy định về tên gọi của luật; bản chất hợp tác xã, phát triển thành viên hợp tác xã; về mở rộng phạm vi điều chỉnh và hoàn thiện các quy định về loại hình tổ chức kinh tế hợp tác, tổ chức đại diện; về mở rộng thị trường, nâng cao khả năng huy động vốn, tạo động lực cho hợp tác xã phát triển; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành hợp tác xã; về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế tập thể…
Các thành viên Chính phủ thảo luận về 4 dự án luật quan trọng trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị; Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Hợp tác xã (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị; Luật Giá (sửa đổi) do Bộ Tài chính chuẩn bị.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật là một trong 3 đột phá chiến lược mà các Đại hội Đảng gần đây đã chỉ ra. Chính phủ coi việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phải thực hiện thường xuyên, liên tục với quan điểm đầu tư cho xây dựng thể chế, thực hiện thể chế là đầu tư cho sự phát triển.
Thời gian qua, cùng với Quốc hội, Chính phủ đã dành nhiều công sức, thời gian đầu tư cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Chính phủ có nhiều văn bản trình Bộ Chính trị, Quốc hội và ban hành các nghị định, nghị quyết, thông tư… tạo chuyển biến tích cực trong quá trình vận hành bộ máy, chỉ đạo, điều hành; góp phần tháo gỡ vướng mắc, khơi thông, tạo điều kiện cho phát triển, nhất là phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19; góp phần xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng cả 4 dự án luật được thảo luận tại phiên họp này đều là luật khó, liên quan nhiều đối tượng, nhiều lĩnh vực, nhiều luật.
Thủ tướng biểu dương các bộ đã có nỗ lực lớn, quyết tâm cao, khẩn trương chuẩn bị, trình các dự án luật; nghiêm túc tiếp thu, giải trình cặn kẽ, có cơ sở; cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng; hoan nghênh các thành viên Chính phủ đã phát huy tinh thần dân chủ, phát biểu trách nhiệm, sôi nổi, bám sát thực tiễn xây dựng các dự án luật.
Về nhiệm vụ tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chủ trì tiếp tục huy động trí tuệ tập thể, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng tác động; thảo luận, tôn trọng ý kiến phản biện sao cho nội dung mang tính khả thi, hiệu quả để trình cấp có thẩm quyền đảm bảo chất lượng, đúng thời gian. Đặc biệt là đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vì đây là luật khó, nhạy cảm, phạm vi rộng, liên quan nhiều đối tượng, liên quan nhiều luật và trên thực tế thực hiện đang gặp nhiều vướng mắc.
Thủ tướng chỉ đạo, việc xây dựng các luật bám sát và thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; đảm bảo tăng cường quản lý Nhà nước; tháo gỡ vướng mắc mà thực tiễn đặt ra và đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, các luật phải tôn trọng quy luật thị trường, song phải là công cụ để Nhà nước can thiệp kịp thời, hiệu quả khi cần thiết; đảm bảo an sinh xã hội; các luật phải bao quát được các đối tượng, phạm vi điều chỉnh, phù hợp với khả năng quản lý và điều kiện đất nước; luật phải tháo gỡ khó khăn, giải phóng nguồn lực phục vụ phát triển; giảm thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực; chống cơ chế “xin – cho”; đảm bảo kế thừa, phát triển các luật, quy định liên quan; đảm bảo tính hệ thống, liên thông, đồng bộ giữa các luật. Các quy định của luật phải dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ giám sát, kiểm tra; góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành tập trung cho nhiệm vụ hoạch định chiến lược, xây dựng thể chế, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục, quy chuẩn, tiêu chuẩn; tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển; không để khoảng trống pháp lý khi thực hiện các nội dung chuyển đổi; phân cấp mạnh về thẩm quyền, trách nhiệm cho địa phương, các cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện, gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, xử lý vi phạm.
Thủ tướng yêu cầu các bộ chịu trách nhiệm trước Chính phủ về ý kiến góp ý đối với các dự án luật; tinh thần chung là vì chất lượng cao nhất của các luật, vì lợi ích quốc gia. Các bộ, cơ quan chủ động hơn nữa trong việc tham gia ý kiến và cùng nhau trao đổi, thảo luận để tạo sự đồng thuận khi trình cấp có thẩm quyền. Bảo đảm nguyên tắc không có ý kiến khác với quan điểm của Chính phủ khi đã thông qua.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phối hợp tích cực, trách nhiệm với các cơ quan của Quốc hội trong việc chuẩn bị các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Liên quan đến những vướng mắc hiện nay trong công tác mua sắm, nhất là mua sắm thiết bị y tế, sách giáo khoa, thiết bị dạy học…, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan liên quan phối hợp, cố gắng xem xét, giải quyết ngay vướng mắc, ách tắc khi luật chưa được sửa, đảm bảo tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả.
Nguồn: https://vneconomy.vn/thu-tuong-chu-tri-hop-chinh-phu-ve-du-thao-cac-luat-trong-do-co-luat-dat-dai-sua-doi.htm
[ad_2]