[ad_1]

“Thống kê không chỉ là liệt kê con số theo một cách cơ học mà phải làm các con số “biết nói”, thực chất hơn và phục vụ kịp thời cho công tác tham mưu, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh…

Sáng 17/3 tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị Thống kê toàn quốc với chủ đề “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực hiệu quả”.

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, bà Caitlin Wiesen, Quyền Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam cùng lãnh đạo các bộ ngành và địa phương.

CƠ SỞ ĐỂ PHÂN TÍCH, DỰ BÁO TÌNH HÌNH KINH TẾ

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao vai trò hết sức quan trọng của thông tin thống kê, là nguồn thông tin chính thống, có tính pháp lý, là cơ sở để đánh giá, phân tích, dự báo tình hình kinh tế-xã hội cả nước và của từng ngành, lĩnh vực, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hội nghị lần này có một ý nghĩa rất quan trọng, nhằm mục đích tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thống kê tập trung, thống kê bộ, ngành và địa phương thông qua việc đánh giá lại kết quả triển khai thực hiện Luật Thống kê và các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Đồng thời đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới để năm 2030 thống kê Việt Nam đạt trình độ tiến tiến trong khu vực ASEAN và đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới như mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kết quả tổng hợp báo cáo từ 86 báo cáo của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi tới Tổng cục Thống kê cho thấy, với việc đổi mới cách thức thống kê phù hợp với thông lệ quốc tế, ứng dụng công nghệ trong điều tra khảo sát và đặc biệt là việc tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong thống kê các chỉ tiêu, chỉ số kinh tế – xã hội, ngành Thống kê đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thứ nhất, hệ thống các văn bản pháp luật về thống kê được sửa đổi kịp thời, sát với điều kiện thực tế và được triển khai có hiệu quả. Minh chứng cho điều này chính là việc Luật Thống kê đã 3 lần được xây dựng và sửa đổi, các nghị định triển khai Luật Thống kê được ban hành ngay sau đó tạo hành lang pháp lý đồng bộ để triển khai các hoạt động thống kê được thông suốt. 

Thứ hai, mô hình tổ chức của Tổng cục Thống kê được kiện toàn từ Trung ương tới địa phương; tổ chức thống kê tại bộ, ngành, địa phương được hình thành và dần củng cố. Theo đó, Tổng cục Thống kê được tổ chức theo ngành dọc gồm ba cấp: cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện.

Thứ ba, nhiệm vụ chuyên môn được thực hiện nghiêm túc, bài bản với quy trình và phân công cụ thể từ hoạt động thu thập, tổng hợp, xử lý đến công bố, lưu trữ thông tin thống kê.

Thống kê nhà nước đã bảo đảm thông tin thường xuyên và đột xuất cho công tác quản lý, điều hành của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành và chính quyền địa phương thông qua báo cáo tình hình kinh tế – xã hội; các báo cáo chuyên đề; các kịch bản tăng trưởng kinh tế; kịch bản điều hành giá của một số mặt hàng thiết yếu. Số liệu thống kê đã được sử dụng thống nhất trong việc đánh giá, tổng kết Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 ở Trung ương và địa phương; số liệu thống kê cũng được sử dụng trong lập quy hoạch tổng thể quốc gia và từng địa phương.

Thứ tư, hoạt động điều phối thống kê được thực hiện có hiệu quả, nhất là trong xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thống kê, giúp công tác thống kê được triển khai thống nhất, đồng bộ, toàn diện từ Trung ương đến địa phương.

Thứ năm, Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam và các đề án lớn về thống kê được triển khai trên phạm vi cả nước tạo nền tảng vững chắc cho công tác thống kê trước mắt và lâu dài.

Thứ sáu, hoạt động hợp tác quốc tế về thống kê được mở rộng theo hướng hội nhập sâu rộng, góp phần nâng cao năng lực, vị thế của Thống kê Việt Nam.

Thứ bảy, cơ sở hạ tầng và kinh phí cho hoạt động thống kê được quan tâm, hỗ trợ tại Trung ương và địa phương; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, điều hành góp phần xây dựng Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thống kê vẫn còn những hạn chế cần sớm được khắc phục.

“Đó là chưa có cơ sở dữ liệu tập trung về thống kê, việc phối hợp, chia sẻ thông tin thống kê giữa hệ thống thống kê của bộ, ngành Trung ương và sở, ngành địa phương với Tổng cục Thống kê còn nhiều hạn chế. Công tác phân tích và dự báo được tăng cường nhưng chủ yếu vẫn là mô tả số liệu. Thông tin thu được qua các cuộc điều tra nhiều, nhưng các báo cáo phân tích chuyên đề, chuyên sâu còn hạn chế về số lượng và chất lượng; chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp số liệu…”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

SỐ LIỆU THỐNG KÊ PHẢI BÁM SÁT THỰC TIỄN

Nhắc lại bề dày truyền thống hơn 70 năm của ngành thống kê quốc gia, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thống kê và tác động, ảnh hưởng của hoạt động thống kê với kinh tế-xã hội đất nước.

Dẫn lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thống kê là tai, là mắt của Đảng và Nhà nước” và của người xưa “nói có sách, mách có chứng”, Thủ tướng Chính phủ cho rằng thống kê phải nâng tầm để các con số “biết nói”, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong việc hoạch định chính sách.

Vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, công tác lãnh đạo chỉ đạo phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, thực tiễn được thể hiện rất rõ qua các con số thống kê, những thông tin quan trọng được hình thành từ công tác thống kê. Việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo cũng phải dựa trên cơ sở dữ liệu lớn.

Để hoàn thành vai trò “là tai, là mắt”, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng cho rằng ngành cũng đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về thống kê; Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào cuối năm 2021. Tổ chức ngành thống kê từ Trung ương đến địa phương được kiện toàn theo hướng chuyên môn hóa. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê được đẩy mạnh; từng bước vững chắc áp dụng các tiêu chuẩn thống kê quốc tế.

Riêng trong năm 2022, Thủ tướng nêu rõ, dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng cho rằng phải nâng cao nhận thức về thống kê, đặc biệt là người đứng đầu ở các cấp chính quyền. Thủ tướng yêu cầu phải đầu tư hơn nữa cho công tác lĩnh đạo chỉ đạo trong lĩnh vực thống kê, người đứng đầu các cấp chính quyền phải trực tiếp chỉ đạo công tác thống kê để có dữ liệu, số liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành, “nói có sách, mách có chứng”.

[ad_2]