Nhiều nhà, đất công tại TP.HCM, do các cơ quan và đơn vị được giao quản lý, đã bị đem cho thuê hoặc hợp tác kinh doanh với tư nhân. Khi hết hạn, “đối tác” chiếm dụng không trả, kiện ra tòa nhiều năm chưa xong.

Thu hồi nhà, đất công: Quá khó!

Mặt bằng 120 Trần Hưng Đạo (TP.HCM) hiện Công ty Mekong Auto đang sử dụng – Ảnh: Đan Thuần

Đây là thực trạng tồn tại nhiều năm ở TP.HCM. Có những trường hợp đã có quyết định thu hồi của UBND TP, thậm chí là quyết định của tòa án, từ nhiều năm nhưng nhà, đất cho thuê vẫn chưa lấy lại được.

10 năm chưa lấy được mặt bằng

Nhà đất tại số 51 Phạm Ngọc Thạch (quận 3) do Văn phòng Bộ Y tế sử dụng làm trụ sở. Năm 1999, đơn vị này cho tư nhân thuê một phần mặt bằng làm kiôt kinh doanh mắt kính. Tháng 6-2011, Bộ Y tế phối hợp với Ban chỉ đạo 09 thuộc UBND TP.HCM kiểm tra, phát hiện nên đề nghị chấm dứt ngay việc cho thuê để sử dụng trụ sở đúng mục đích.

Tuy nhiên, từ tháng 7-2011 (hết hạn hợp đồng), bên thuê không trả mặt bằng nên Văn phòng Bộ Y tế khởi kiện. Tháng 5-2012, TAND quận 3 ra quyết định sơ thẩm buộc bên thuê phải trả mặt bằng, hạn cuối là tháng 10-2012.

Quá hạn, bên thuê không tự nguyện trả nên Văn phòng Bộ Y tế đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự quận 3 thi hành án. Tuy nhiên, TAND TP.HCM yêu cầu cơ quan thi hành án hoãn thi hành để chờ kháng nghị giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm đã hủy quyết định sơ thẩm và giao TAND quận 3 xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Tháng 5-2015, TAND quận 3 đã đình chỉ giải quyết vụ án trên. Đến tháng 5-2016, Văn phòng Bộ Y tế gia hạn cho bên thuê được sử dụng mặt bằng đến cuối năm 2017 để bán hàng thu hồi vốn mà không cần trả thêm tiền thuê nhà. Thời gian gia hạn đã hết từ lâu, nhưng đến nay bên thuê vẫn chiếm giữ mặt bằng này.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hà Anh Đức, chánh Văn phòng Bộ Y tế, cho hay việc thời gian qua chưa thu hồi được mặt bằng có một số nguyên nhân khách quan. Hiện Văn phòng Bộ Y tế đang phối hợp với TP.HCM để thực hiện dứt điểm thu hồi mặt bằng. “Đây là đất Nhà nước, là trụ sở bộ, dứt khoát phải thu hồi…”, ông Đức nói.

Tương tự, khu đất 565B Đỗ Xuân Hợp (phường Phước Long B, TP Thủ Đức) trước đây do Công ty Gia cầm TP quản lý và sử dụng. Năm 2002, công ty này cho Công ty TNHH SX-TM-HTPTGD Khải Thái thuê một phần mặt bằng, thời hạn đến năm 2008. Năm 2005, khu đất này được TP giao về cho Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) quản lý.

Sau khi tiếp nhận, SAGRI đã yêu cầu thanh lý hợp đồng trả lại mặt bằng nhưng Công ty Khải Thái không trả nên từ năm 2013 SAGRI kiện ra tòa và đến nay… vẫn chờ kết quả giải quyết.

Kiện ra tòa cũng không xong

Tình trạng các cơ quan, đơn vị đem nhà, đất công cho thuê, hợp tác kinh doanh rồi không đòi lại được dẫn tới hai bên phải dắt nhau ra tòa là không phải hiếm. Và nhiều trường hợp, hồ sơ khởi kiện “mắc cạn” ở tòa án từ năm này qua năm khác.

Khu đất số 1900 quốc lộ 1 (quận 12) có diện tích hơn 53.839m2 được UBND TP giao cho Công ty TNHH đầu tư thương mại Đồng Tiến thuê để xây siêu thị và trung tâm dịch vụ nông nghiệp, tham gia thị trường bình ổn giá của TP.

Tuy nhiên, Công ty Đồng Tiến chưa triển khai dự án và bàn giao lại cho SAGRI từ năm 2012. Sau đó, SAGRI ký hợp đồng “giữ hộ hàng hóa” với Công ty Cát Thành Công với diện tích mặt bằng và kho là 5.536m2.

Cuối năm 2016 hết hạn hợp đồng nhưng Công ty Cát Thành Công không trả mặt bằng. SAGRI đã kiện Công ty Cát Thành Công ra tòa, nhưng vụ án đến nay chưa được giải quyết. Khu đất vẫn do Công ty Cát Thành Công chiếm giữ sử dụng từ 2017 đến nay.

Trường hợp khác là khu đất 4/19 Hậu Giang (quận Tân Bình), do Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (SAWACO) sử dụng. Năm 2010, SAWACO liên doanh và bàn giao cho Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Đức Bình kinh doanh.

Năm 2014, Công ty Đức Bình cho Công ty TNHH DV hàng hóa Tân Sơn Nhất thuê với thời gian lên đến 10 năm.

Năm 2017, Thanh tra TP.HCM kết luận việc sử dụng mặt bằng này không đúng mục đích và sau đó UBND TP đã ra quyết định thu hồi giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TP quản lý. Thế nhưng, một lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP cho hay đến nay mặt bằng vẫn chưa thu hồi được do đơn vị thuê mặt bằng khởi kiện ra tòa và vụ án đang được tòa giải quyết.

Tương tự, mặt bằng 99C Phổ Quang (quận Tân Bình) là đất công do Công ty cổ phần vận chuyển Sài Gòn Tourist hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần đầu tư tài chính Đất Việt. Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP, giữa hai công ty này xảy ra tranh chấp và tòa án đang giải quyết nên đến nay mặt bằng cũng chưa thu hồi được.

Mới đây, báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, bà Phan Thị Thắng – phó chủ tịch UBND TP – cho hay thiếu quy định chế tài đối với các bên thuê nhà, đất công mà không trả khi hết hạn thuê. Đơn vị cho thuê chỉ có thể khởi kiện ra tòa khiến kéo dài thời gian, gây lãng phí.

Nguy cơ mất đất

Hai khu đất công tại số 120 Trần Hưng Đạo (quận 1) và 507 An Dương Vương (quận Bình Tân) do Công ty Sài Gòn kỹ nghệ nông cơ (SAKYNO) quản lý, sử dụng. SAKYNO góp vốn vào Công ty TNHH Mekong Auto để kinh doanh. Trong quá trình kinh doanh, hai mặt bằng trên đã được thế chấp cho tổ chức khác và dẫn đến tranh chấp.

Hiện tòa đã có các phán quyết phúc thẩm, giám đốc thẩm buộc bên vay phải trả nợ vay. Với phán quyết của tòa, TP đang đối diện nguy cơ mất hai khu đất này.

Tương tự là nhà đất công 219B Tôn Thất Thuyết (quận 4) và 69 Hai Bà Trưng (quận 1), do Xí nghiệp chế biến XNK Chiến Thắng và Công ty liên doanh tổng hợp Lâm Hà sử dụng.

Trong đó, Công ty Lâm Hà tự ý đưa vào hạch toán tài sản cố định. Hiện tòa án đang thực hiện thủ tục phá sản đối với hai đơn vị này. Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP được giao làm việc với tòa án để bảo vệ tài sản công.

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/thu-hoi-nha-dat-cong-qua-kho-109265.html



Dự án xem nhiều:

Có thể bạn sẽ quan tâm: