[ad_1]
Sáng 19/01/2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận tổ chức lễ thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc…
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và cắt băng khánh thành, thông xe kỹ thuật cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, vào sáng 19/01/2022.
Sau hơn 12 năm xây dựng kể từ năm 2009 và sau 3 năm tiếp nhận điều hành dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã nỗ lực đưa dự án hoàn thành và thông xe kỹ thuật trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần, kịp phục vụ bà con các tỉnh miền Tây Nam Bộ về quê ăn Tết.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM và các Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Được khởi công xây dựng vào ngày 29/11/2009, trong suốt gần 10 năm đầu triển khai dự án, hai lần thay đổi nhà đầu tư, ba lần thay đổi tổng mức đầu tư và bốn lần lùi thời hạn hoàn thành, dự án chỉ đạt được khoảng 10% khối lượng.
Tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành, thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận. Dự án đã làm việc xuyên đêm, xuyên lễ, xuyên tết để kịp tiến độ. Vào dịp Tết Tân Sửu năm ngoái, doanh nghiệp dự án đã hoàn thành kỹ thuật và đã đưa vào phục vụ trước, trong và sau tết (tạm thời 15 ngày) cho người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; sau đo đóng lại và tiếp tục phần hoàn thiện.
Phát biểu tại lễ thông xe, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nói chung là một khu vực quan trọng, trọng yếu của nước ta là vựa trái cây, vựa lúa gạo, vựa thủy sản quan trọng của quốc gia. Hôm nay, chúng ta vui mừng chứng kiến lễ thông xe dự án, cũng là sự chứng kiến việc tiếp tục đầu tư phát triển, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong tình hình khó khăn kéo dài vì phải chống chọi và thích ứng với dịch Covid-19”.
Chủ tịch nước cho rằng, dự án hoàn thành đưa vào phục vụ người dân ngay trong dịp trước Tết nguyên đán Nhâm dần có ý nghĩa hết sức quan trọng, không những góp phần giảm tai nạn giao thông, mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, Chủ tịch doanh nghiệp dự án Côngty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, cho biết: Dự án được khởi công từ năm 2009, nhưng do nhiều nguyên nhân khó khăn khách quan và chủ quan nên đã bị chậm tiến độ gần 13 năm. Mặc dù vậy, ngay sau khi tiếp quản dự án, chúng tôi đã chỉ đạo các nhà thầu mạnh tiếp cứu. Đến nay, dự án đã hoàn thành tạo niềm tin cho người dân. Dự án đã “cán đích” nhờ được sự quan tâm, chỉ đạo Chính phủ, chính quyền tỉnh Tiền Giang và sự ủng hộ của nhân dân nó mở ra kỳ vọng mới về một cung đường hiện đại phục vụ dân sinh và đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội không chỉ riêng đối với Tiền Giang mà cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Với tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, dài 51,5 km, rộng 17 m, 04 làn xe mỗi làn 3,5 m, theo hợp đồng giữa Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận và Uỷ ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng quý II/2021. Song vì nhiều lý do, dự án đã phải xin gia hạn đến ngày 30/11/2021 hoàn thành. Việc hoàn thành tuyến chính và thông xe kỹ thuật vào trước Tết Nhâm Dần của cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nhằm giảm tải cho quốc lộ 1 đoạn qua địa phận tỉnh Tiền Giang.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, thuộc dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, dài 51,5 km chạy dọc địa bàn tỉnh Tiền Giang qua 5 huyện và thị xã gồm: huyện Châu Thành, huyện Tân Phước, huyện Cai Lậy, thị xã Cai Lậy và huyện Cái Bè; có điểm đầu tại nút giao thông Thân Cửu Nghĩa (cũng là điểm cuối của cao tốc TP.HCM – Trung Lương, thuộc huyện Châu Thành) và điểm kết phía tả ngạn sông Tiền tại Mỹ Thuận, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu về phía thượng nguồn.
#box1642600215197{background-color:#a9dfae}
[ad_2]