Thiên đạo có 3 điều tối kỵ

Thiên đạo có ba điều tối kỵ là kỵ xảo, kỵ dư thừa và kỵ hai lòng. Một người phạm phải ba điều này thì rất khó thành công, cho dù nhất thời đạt được thành công thì cũng không thể được lâu dài.

1. Thiên đạo kỵ xảo

“Thiên đạo kỵ xảo” ở đây chính là nói đạo của Trời kỵ khôn khéo không thật. Bởi vậy, con người sống trên đời muốn đạt được thứ gì nhất định phải bỏ công bỏ sức thực sự, không nên tìm đường đi tắt.

Trong cuộc sống, một số người giở chút khôn khéo ra, tất nhiên là có thể đi nhanh hơn người khác. Nhưng trên thực tế, nền móng và tâm thái của họ cũng không ổn định vững vàng, dẫn đến thành công trong tương lai bị giới hạn, cuối cùng là thất bại.

Người thực sự sáng suốt không bao giờ chỉ một mực hấp tấp lựa chọn đi con đường tắt, dốc lòng lo nghĩ mưu kế, mà sẽ lựa chọn trầm tĩnh lại, cần cù gắng sức học tập, dùng phương pháp “trả giá thật sự” ứng đối với tất cả cơ mưu khéo léo trong thiên hạ.

Làm người, làm việc không thể cứ dựa vào một chút khôn khéo mà cần phải hiểu được đạo lý thiết thực. Mưu kế, cơ hội, khéo léo kiếm lợi đều không thể lâu dài. Cổ ngữ nói: “Trên đời không có bữa ăn miễn phí”. Thế gian hoàn toàn không có giấc mơ đẹp làm giàu chỉ sau một đêm. Đằng sau tất cả những thành công đều là sự trả giá tương xứng.

2. Thiên đạo kỵ nhị

“Thiên đạo kỵ nhị”, tức là đạo trời kỵ sự bất trung, hai lòng, dụng tâm không chuyên nhất. Đời người chính là phải có mục tiêu nhất định, làm việc phải có sự chuyên tâm, toàn tâm toàn ý kiên trì.

Trong xã hội, rất nhiều người thất bại không phải là bởi vì họ không đủ thông minh, cũng không phải vì họ không nguyện ý cố gắng mà là họ thay đổi thất thường, làm gì cũng không dốc lòng, chuyên chú. Những người này khi thấy người khác kinh doanh quần áo thành công cũng liền kinh doanh quần áo, thấy người khác tham gia chứng khoán có tiền cũng liền tham gia. Những người như vậy thường đứng núi này trông núi khác, không bền lòng, thật khó để có được thành công.

Đạo trời kỵ những người bất trung, không thành thật. Cổ nhân giảng, thành tín là cái gốc của làm người. Người mà không có thành tín thì sẽ không thể có chỗ đứng trong xã hội, càng không thể có được thuận lợi, không có được sự tín nhiệm của người khác mà đạt được thành công.

3. Thiên đạo kỵ mãn

“Thiên đạo kỵ doanh”, hay “Thiên đạo kỵ mãn” đều có ý nghĩa là Đạo trời kỵ sự dư thừa, kỵ người tự mãn, tự kiêu.

Trong “Dịch Kinh” viết: Đạo của Trời rút bớt chỗ dư thừa mà bồi đắp cho chỗ thiết hụt. Đạo của Đất là chỗ cao thì bị xói mòn còn chỗ trũng thì được đắp bồi. Đạo của quỷ Thần thì trừng phạt kẻ ngạo mạn, ban phước cho người khiêm tốn. Đạo của con người thì tự mãn bị oán ghét còn khiêm nhường thì được thương yêu chào đón. Trăng tròn thì trăng sẽ khuyết.

Mặt đối lập của dư thừa (doanh) là thiếu hụt (khiêm). Lùi một bước được gọi là khiêm, không kiêu ngạo là khiêm, nhường người một bước cũng là khiêm. Đối với con người thì tự mãn, tự kiêu, cao ngạo là tính cách làm tổn đức lớn nhất. Bởi vì, con người một khi đã có tâm tự mãn thì không thể dung nạp được người khác, dung nạp được sự việc, không coi Trời Đất con người ra gì. Hơn nữa, khi một người đã có tâm cao ngạo thì tất sẽ thả lỏng cảnh giác ở các phương diện khác, do đó tai họa, rắc rối và thất bại cũng liền tự nhiên nối gót nhau mà đến.

Xem thêm



Dự án xem nhiều:

Có thể bạn sẽ quan tâm: