Sau khi lập đỉnh cao nhất lịch sử 1.517,95 điểm trong phiên giao dịch đầu năm mới 2022, chỉ số VN-Index đã chứng kiến đà lao dốc không phanh xuống ngưỡng 1.269,62 điểm kết phiên 9/5/2022. Thị trường đang gây tâm lý chán nản khi cổ phiếu cơ bản, hàng đầu cơ, cổ phiếu doanh nghiệp dù báo lãi hay lỗ vẫn đồng loạt rớt giá.

Thị trường chứng khoán về mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021: Lên trong ngỡ ngàng, xuống trong lo sợ

Ảnh minh hoạ.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại một năm 2021 thăng hoa khi hàng loạt chỉ tiêu liên tiếp lập đỉnh lịch sử. VN-Index tăng hơn 12 điểm, tăng gần 36% so với cuối năm 2020. VN-Index lọt vào Top 10 thị trường chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới.

Nhiều dự báo được đưa ra trong tuần đầu tiên của năm 2022, cụ thể là phiên ngày 4/1/2022, các công ty chứng khoán đều lạc quan, cho rằng thị trường sẽ khởi sắc với nhiều khả năng vượt đỉnh 1.510 điểm.

Và không nằm ngoài dự đoán lạc quan, thị trường chứng khoán mở phiên đầu năm mới 2022 đạt mức cao nhất trong lịch sử với 1.517.95 điểm. Nhà đầu tư hào hứng, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư trong nước lập kỷ lục, dòng tiền đổ vào thị trường tăng vọt.

Tuy nhiên, sau khi thị trường liên tiếp xuất hiện nhiều thông tin bất lợi, chỉ số VN-Index

Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/5/2022, VN-Index giảm mạnh 59,64 điểm, xuống còn 1.269,62 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021 đến nay (phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7/2021, chỉ số VNIndex đóng cửa ở mức 1.310,05 điểm). Áp lực bán tháo khiến các mã cổ phiếu từ vốn hóa lớn đến nhỏ giảm sàn hàng loạt. Toàn thị trường có tổng cộng 943 mã giảm giá, cao gấp 8 lần số mã tăng giá. Đáng chú ý là thị trường có đến 358 mã giảm kịch sàn trong tổng số 1.136 mã có giao dịch.

Trong rổ VN30, sắc đỏ áp đảo hoàn toàn với 30 mã giảm, trong đó có đến 13 mã giảm kịch sàn gần 7% bao gồm BID, BVH, CTG, GVR, KDH, MWG, PLX, PNJ, POW, SSI, STB, TCB và VPB.

Vn-Index giảm khoảng 15% kể từ đầu năm, trong khi đã có mã cổ phiếu giảm đến hơn 90% từ mức đỉnh (tính đến phiên giao dịch ngày 9/5), quả thực là con số đáng lo ngại.

Có lẽ với nhiều người thì sự sụt giảm trên là phi lý, không có lý do gì để giảm mạnh như vậy, nhưng mà thị trường chứng khoán vốn là vậy.

Nhìn lại quá khứ, năm 2014 là năm thị trường chứng khoán chịu nhiều các tác động từ những yếu tố bên ngoài, mà tiêu biểu nhất là sự kiện biển Đông và những đột biến của giá dầu thế giới. Chỉ trong vòng 7 phiên, VN-Index đã sụt giảm hơn 11%, rơi xuống mức thấp nhất 508,51 điểm.

Đến tháng 8/2015, chỉ số Vn-Index rơi mạnh cuốn bay mọi thành quả của 6 tháng đầu năm sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và Ngân hàng Nhà nước quyết định nâng tỷ giá.

Năm 2018, thị trường chứng khoán từ đỉnh lịch sử trượt sâu xuống đáy. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng năm 2018, hàng loạt cổ phiếu blue-chips bất ngờ bị bán tháo khiến chỉ số Vn-Index đảo chiều, chốt ở mức 892,54 điểm, giảm 9,32% so với cuối năm 2017. Diễn biến của chỉ số Vn-Index đã ngược dòng hoàn toàn so với những diễn biến kinh tế. Trong khi 2018 ghi dấu ấn khá tốt về tăng trưởng GDP với mức tăng 7,08%, cao nhất từ 2008 trở lại đây thì VN-Index lại giảm sâu hơn 9,3%.

Những tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến những đợt giảm điểm mạnh. Cuối quý I/2020, VN-Index giảm 33% so với cuối năm 2019.

Trải qua những cú sốc giảm mạnh như vậy, bất kể nhà đầu tư chuyên nghiệp hay các nhà đầu tư “F0” trong tránh khỏi tâm lý lo sợ, chán nản và bi quan.

Dù vậy, nhìn vào mặt khác, nếu không có những nỗi sợ, thị trường không giảm điểm, nhà đầu tư cũng sẽ không có cơ hội để mua cổ phiếu tốt với giá rẻ.

Một trong những câu nói để đời của nhà đầu tư chứng khoán nổi tiếng Jack Bogle, đó là: “Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi hình dung tới khoản lỗ 20% trên thị trường chứng khoán, bạn không nên đầu tư chứng khoán nữa”.

Jack Bogle cho rằng nhà đầu tư cần luôn sẵn sàng cho chuyện thị trường có thể giảm 20% đến 30% – hay thậm chí sâu hơn. Là một nhà đầu tư, bạn cần nhận thức được rằng một khi đã chấp nhận rủi ro nghĩa là bất cứ một biến động nào bên ngoài thế giới (chẳng hạn như thiên tai, động đất…) cũng sẽ tác động đến bạn. Nhưng bạn sẽ không thể làm gì với thiên tai, động đất cả.

Một nhà đầu tư khôn ngoan sẽ biết rằng: chỉ cần bỏ qua những biến động ngắn hạn, bạn sẽ không phải lo sợ nữa.

Trong lần trả lời phóng vấn, Bogle từng cảnh báo không nên thay đổi kỳ vọng chỉ vì những thông tin nhiễu tạp trên thị trường. Cha đẻ của thuyết đầu tư giá trị, Benjamin Graham cũng đồng ý với nhận định này: “Kẻ thù lớn nhất của nhà đầu tư thường chính là chính bản thân mình”.

Nhiều nhà đầu tư có kiến thức và kỹ năng nhưng bản lĩnh thiếu vững vàng nên ùa theo tâm lý đám đông, kết quả là chịu cảnh bị dẫm đạp bởi nghìn vạn con bò, con gấu trong đám đông thị trường. Các công ty môi giới chứng khoán cũng góp phần làm lung lay tâm lý vì họ muốn nhà đầu tư giao dịch và trả phí nhiều hơn. Họ hay nói “đừng ngồi im như thế, làm gì đi”, còn với Bogle lời khuyên sẽ là đừng làm gì cả, cứ ngồi im đó.

Dù 2 nguyên tắc của Bogle nghe giống như những lời khuyên đơn giản, nhưng ông nói rằng mọi người thường hay làm ngược lại. Thay vì đi theo một lối đi có nguyên tắc do suy nghĩ có lý trí dẫn dắt, những nhà đầu tư trẻ và ít kinh nghiệm hơn lại để cảm xúc dẫn dắt – đặc biệt là vào những thời điểm căng thẳng.

“Trong một thị trường giá lên, mọi người cảm thấy tốt, họ cảm thấy lạc quan, họ muốn đầu tư thêm vào cổ phiếu. Nếu có một thị trường giá xuống, mọi người hoảng sợ và muốn rút tiền ra khỏi cổ phiếu. Họ muốn bỏ thêm tiền vào khi giá cao và lấy tiền ra khi giá thấp – đó là một phương pháp đầu tư thất bại”, ông nói.

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/thi-truong-chung-khoan-ve-muc-thap-nhat-ke-tu-thang-72021-len-trong-ngo-ngang-xuong-trong-lo-so-109505.html



Dự án xem nhiều:

Có thể bạn sẽ quan tâm: