[ad_1]

    Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) và dữ liệu của batdongsan.com.vn đã ghi nhận tín hiệu tích cực từ thị trường địa ốc. Cụ thể, theo VARs, trước thời điểm nhiều địa phương bắt đầu mở cửa từ đầu tháng 10/2021 cho thấy, có khoảng 80% số nhà đầu tư được hỏi cho biết chờ ngày mở cửa trở lại để tìm sản phẩm mua vào.

    Theo Batdongsan.com.vn, xu hướng tìm mua nhà đất trong tháng 9 tăng tới gần 55% so với tháng 8, trong đó phân khúc đất thổ cư có mức độ quan tâm tăng 2%, chung cư tăng 7%, đất nền tăng 2%. Ngay sau thời điểm chính sách giãn cách xã hội kết thức, lượng nhà đầu tư đổ bộ về các tỉnh tăng nhanh chóng.

    Chia sẻ tại Hội thảo mới đây, Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, thị trường bất động sản đang dần phục hồi.

    Các số liệu trong 6 tháng đầu năm 2021 của thị trường bất động sản đã cho thấy dấu hiệu dần phục hồi khi đợt dịch thứ 3 được kiểm soát, có một số chỉ số tương đối khả quan.

    Chia sẻ tại tọa đàm “Bất động sản trong xu thế mới – Linh hoạt để thích ứng” do Báo Người Lao Động tổ chức, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cũng nhận định, thị trường bất động sản đang có nhiều tiềm năng tăng trưởng tốt trong giai đoạn cuối năm.

    Theo TS. Lực, nếu như trước đây, khi thị trường gặp khó khăn thì nhu cầu sụt giảm ngay lập tức. song ở đại dịch hiện nay, sự sụt giảm giao dịch của thị trường đến từ yếu tố thiếu hụt nguồn cung chứ không đến từ nhu cầu mua nhà suy giảm.

    Một điểm khác biệt nữa đó là giá bất động sản không giảm trong thời điểm dịch. Giá bất động sản tại nhiều phân khúc trong 9 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng trung bình từ 9-17% so với cùng kỳ, điều này phản ánh sức mua thực của thị trường vẫn lớn, nhất là ở phân khúc căn hộ. Dòng tiền rẻ, lãi suất thấp ở các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền chờ vào bất động sản tương đối dồi dào thời gian qua.

    Đặc biệt, nhiều phân khúc BĐS như văn phòng, nghỉ dưỡng, khách sạn gặp khó khăn nhưng các lĩnh vực khác vẫn hoạt động tốt trong dịch như bất động sản khu công nghiệp, logictics…

    Thế nên, khi đánh giá về sự phục hồi của thị trường, ông Lực lạc quan tin tưởng bởi yếu tố kinh tế của Việt Nam được dự báo phục hồi khá nhanh, sẽ như một chiếc lò xo bật dậy mạnh mẽ sau kìm nén và thị trường bất động sản cũng sẽ đi theo sức bật này.

    Ngoài ra, Chính phủ vẫn chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn, môi trường pháp lý được khơi thông qua việc sửa đổi 4 luật: Luật nhà ở, Luật đất đai, Luật kinh doanh BĐS và một số điểm trong Luật xây dựng.

    Thêm một yếu tố khác đó là dòng vốn đổ vào bất động sản, dù trong tình hình dịch, dòng vốn đầu tư bất động sản vẫn tăng trưởng mạnh. Giá cổ phiếu bất động sản niêm yết tăng 21%, trong 9 tháng đầu năm.

    “Các yếu tố trên cho thấy người dân đầu tư vào bất động sản, mua nhà và thị trường khó có chuyện nguội lạnh trong thời gian tới”- ông Lực khẳng định.

    Không ít nhà đầu tư cho rằng, với lực đỡ tích cực cộng với diễn biến phục hồi nhanh của thị trường địa ốc thì bất động sản sẽ tăng trưởng đáng kể. Sốt đất cũng có thể bùng phát xảy ra cục bộ, trong ngắn hạn ở một số nơi nếu như nơi đó có tín hiệu tích cực về sự thay đổi cơ sở hạ tầng.

    Nhìn vào chu kỳ của thị trường địa ốc thời gian quan, TS. Vũ Đình Ánh từng chia sẻ, một điều có thể thấy là ngay trước khi đợt dịch xảy ra, quý 1/2021, tín hiệu bất động sản, sốt đất xảy ra ở nhiều địa phương. Báo cáo của Bộ Xây dựng về biến động giá trong 6 tháng đầu năm cho thấy, sốt đất không chỉ là phân khúc bất động sản nhà ở mà còn ở cả phân khúc khác như khu công nghiệp.

    Với chu kỳ dịch kiểm soát và sốt đất bùng nổ thì dự báo về nguy cơ sốt đất xảy ra của giới đầu tư và chuyên gia là điều hoàn toàn có cơ sở.

    Việt Khoa

    Theo Nhịp sống kinh tế

    [ad_2]