[ad_1]
Mua bán sáp nhập bất động sản – cuộc chơi của các “ông lớn”
Theo đánh giá của giới chuyên gia và doanh nghiệp tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2021 vừa tổ chức tháng 12 này, các thương vụ mua bán sáp nhập sẽ tiếp tục là hướng đi chính mà nhiều ông lớn trong ngành bất động sản nhắm đến để giải bài toán quỹ đất và phát triển dự án mới trong năm 2022.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương chia sẻ, bất chấp đại dịch khó lường, quy mô giá trị thị trường mua bán sáp nhập Việt Nam vẫn đạt 8,8 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021, tăng 18% so với năm 2020.
Trong đó, 58% tổng giá trị các giao dịch mua bán sáp nhập đến từ ngành hàng tiêu dùng thiết yếu. Bất động sản và tài chính với hơn 500 số thương vụ được công bố trong 10 tháng đầu năm 2021.
Thị trường tiếp tục được dẫn dắt bởi các nhà đầu tư nội địa. Đã có 1,6 tỷ USD được thực hiện bởi các nhà đầu tư trong nước trong 10 tháng năm, trong đó, 1,13 tỷ USD được thực hiện bởi 5 công ty hàng đầu của Việt Nam và hai trong số đó là các tập đoàn bất động sản lớn như Vingroup, NovaLand.
Masterise Homes đã nhận chuyển nhượng hơn 7 ha đất thuộc dự án Vinhomes Grand Park quận 9 (TP.HCM). Ảnh: Trụ sở Masterise Homes
Sự thu hút mua bán sáp nhập ngày càng tăng tại Việt Nam được thể hiện một cách rõ nét không chỉ qua sự tăng trưởng của tổng giá trị giao dịch, mà còn qua giá trị bình quân trong mỗi giao dịch, ngày càng nhiều thương vụ có giá trị trên 100 triệu USD được ghi nhận.
Đáng chú ý, trong lĩnh vực bất động sản, mua bán sáp nhập vẫn là cuộc chơi mà các thương hiệu lớn ưa chuộng để giải bài toán quỹ đất.
Ông Nguyễn Thái Phiên, Phó TGĐ Tập đoàn Nova Group cho biết, hiện nay chỉ khoảng 10-20% quỹ đất Novaland đang có là do tự phát triển, đền bù đất, còn lại đều là mua trên thị trường thứ cấp thông qua các thương vụ mua bán sáp nhập. Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng khan hiếm và tăng giá, thủ tục triển khai dự án siết chặt, doanh nghiệp nào nắm giữ quỹ đất lớn sẽ trở thành sếu đầu đà của thị trường.
“Những năm qua Nova Group đã tích lũy được nhiều quỹ đất thông qua hoạt động chuyển nhượng, tính đến cuối quý 1/2021, Tập đoàn sở hữu hơn 5.400 ha đất, tổng giá trị phát triển dự án của quỹ đất này ước đạt gần 45 tỷ USD. Mục tiêu đến năm 2030 bổ sung thêm 10.000 ha, nâng tổng số quỹ đất lên 15.000 ha để chuẩn bị cho các giai đoạn phát triển tiếp theo”, ông Phiên chia sẻ.
Cũng ở góc độ doanh nghiệp, ông Angus Liew, TGĐ Công ty Gamuda Land cho biết, năm 2021 doanh nghiệp này thông qua mua bán sáp nhập để tìm kiếm các cơ hội mua lại nhiều dự án tại Việt Nam.
Môi trường mua bán sáp nhập của Việt Nam đang đầy hào hứng, tăng trưởng kinh tế tích cực nên hiện tại không chỉ Gamuda Land mà nhiều doanh nghiệp ngoại đều xác định đây là thị trường trọng điểm đầu tư, là thời điểm để nắm bắt cơ hội lớn. Điều này sẽ khiến hoạt động mua bán sáp nhập tại Việt Nam có tính cạnh tranh cao và sẽ bùng nổ trong năm 2022.
“Mục tiêu của Gamuda Land là tạo ra các khu đô thị, tuy nhiên xét theo thị trường giai đoạn hiện tại, để tìm quỹ đất rộng phát triển đô thị là không dễ dàng, nên doanh nghiệp bắt đầu nghiên cứu phương hướng mở rộng trọng điểm về địa lý, thay vì tập trung Hà Nội và TP.HCM sẽ mở rộng săn tìm quỹ đất tại các địa phương là vùng vệ tinh liền kề TP.HCM.
Việt Nam đang có thay đổi về hành lang pháp lý khiến việc tái định cư, đền bù khó khăn hơn. Với các chủ đầu tư nước ngoài, tiêu chí luôn phải là đất sạch nên đây là thách thức lớn nhất. Nhưng với các thương vụ mua bán sáp nhập, các khó khăn này đang được giảm nhẹ”, ông Angus Liew cho hay.
Thủ tục mua bán sáp nhập vẫn còn nhiều khó khăn
Ông Trương An Dương, Giám đốc khối bất động sản nhà ở công ty Fraser Property Vietnam cho biết, hướng phát triển các năm tới đây của doanh nghiệp sẽ là bất động sản khu công nghiệp. Năm 2021 Fraser chỉ phát triển được 1 dự án nhà ở ở Thảo Điền, 2 tòa nhà văn phòng, 1 khu thương mại nhỏ để hoàn thiện mảnh ghép cuối cùng là phát triển khu công nghiệp ở Bình Dương.
Nhiều lô đất của Công ty TNHH Booyoung (Hàn Quốc) tại khu đô thị Làng Việt Kiều (Hà Đông, Hà Nội) đang bỏ hoang nhiều năm. Ảnh: Trần Kháng
Tuy nhiên, ông Dương nhận định, để chốt các thương vụ chuyển nhượng bất động sản thời điểm này là cực kỳ khó khăn, không chỉ do giá đất ở khu công nghiệp tăng nhanh mà thủ tục phức tạp và quỹ đất đẹp khó kiếm.
Mua bán sáp nhập được xem là phương thức hữu hiệu giúp những doanh nghiệp giàu tiềm lực có thể giảm bớt thời gian, chi phí trong việc tham gia thị trường, giúp các dự án đang gặp khó khăn được hồi sinh, gia tăng nguồn cung cho thị trường.
Theo hầu hết các chuyên gia, đến thời điểm hiện tại, thị trường còn khá cẩn trọng, nhưng các hoạt động mua bán sáp nhập tại Việt Nam đang có vị thế tốt để phục hồi. Sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường mua bán sáp nhập bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện với các thông tin mới về việc phát triển vắc-xin ngừa và thuốc điều trị Covid-19.
Trong thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư, như cơ sở hạ tầng, đất đai, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực. Hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng không ngừng được hoàn thiện.
Sau khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư (PPP) chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2021, mới đây, Chính phủ cũng đã xây dựng và chuẩn bị trình Quốc hội xem xét dự án một luật sửa nhiều luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có hoạt động M&A.
[ad_2]