[ad_1]

Thanh tra Chính phủ vừa chuyển hồ sơ cho Bộ Công an xem xét dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh ở Hà Nam vận hành 5 năm qua nhưng chưa có quyết định giao đất, cho thuê…

Thanh tra Chính phủ chuyển Bộ Công an xem xét dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh ở Hà Nam
Khách sạn Mường Thanh nằm ở vị trí đắc địa của thành phố Phủ Lý, Hà Nam. Ảnh: Mường Thanh

Loạt sai phạm liên quan đến đất đai

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ thông báo kết luận thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, đầu tư xây dựng ở tỉnh Hà Nam.

Theo kết luận, giai đoạn 2012-2018, việc quản lý, sử dụng đất đai của UBND tỉnh Hà Nam đã thu hút nhiều nhà đầu tư triển khai các khu công nghiệp, khu dân cư… Tuy nhiên quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, vi phạm.

Một trong các sai phạm được chỉ ra là Dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và căn hộ để bán, cho thuê Mường Thanh diện tích 1,25 ha, đưa vào kinh doanh từ tháng 6/2017. Nhưng thời điểm thanh tra, UBND Hà Nam chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất, chưa xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, thuê đất.

Với phần diện tích đất xây dựng tòa nhà hỗn hợp hơn 4.300 m2, cơ quan thanh tra cho rằng Sở Tài nguyên và Môi trường đã thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá đất, tạm xác định tiền sử dụng đất là hơn 69 tỷ đồng. Phần diện tích còn lại, cơ quan thuế tạm thu tiền thuê đất trả hàng năm theo mục đích sử dụng đất.

Thanh tra kết luận dự án này không phù hợp với quy hoạch chung thành phố Phủ Lý về chiều cao tầng, chức năng ô đất; vi phạm quy định về Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị. Sau khi kết thúc thanh tra, UBND tỉnh Hà Nam đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Phủ Lý.

Cấp phép xây dựng khi chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất

Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cũng xác định Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam cấp giấy phép xây dựng công trình dự án khi tỉnh chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất. Thời điểm này dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh mới chỉ có biên bản tạm thời bàn giao đất trên thực địa. Việc cấp phép xây dựng 28 tầng cho dự án cũng “không phù hợp với quy hoạch chung thành phố Phủ Lý đã được phê duyệt“.

Thanh tra kết luận Mường Thanh đã xây dựng công trình không đúng giấy phép được cấp, chuyển nhượng 118/130 căn hộ khi chưa có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất. Việc này bị cơ quan thanh tra đánh giá là vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, Ban Thường vụ tỉnh ủy Hà Nam nhất trí chủ trương chỉ định doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên là chủ đầu tư dự án không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đã “vi phạm quy định Luật Nhà ở”.

Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an xem xét, xử lý

Về xử lý kinh tế, Mường Thanh đã tạm nộp hơn 69 tỷ đồng tiền sử dụng đất tạm xác định vào ngân sách nhà nước. Dù vậy, theo Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Hà Nam vẫn phải rà soát, thu hồi số tiền trên 69 tỷ đồng tiền sử dụng đất tạm xác định đối với phần diện tích đất xây dựng tòa nhà hỗn hợp hơn 4.300 m2 của dự án tổ hợp khách sạn Mường Thanh.

Sau khi chỉ ra các sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sơ vụ việc liên quan dự án tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại và căn hộ Mường Thanh đến Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng đã chuyển thông tin liên quan đến dự án của Tập đoàn Mường Thanh tại Đắk Lắk cho Cơ quan điều tra Bộ Công an.

Cụ thể, tại Thông báo Kết luận Thanh tra số 2012/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Đắk Lắk trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng và quản lý đất đai ở địa phương, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra một số sai phạm của vi phạm, tồn tại liên quan đến dự án Khu trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí của Tập đoàn Mường Thanh tại Đắk Lắk.

Với những vi phạm, tồn tại liên quan đến dự án Khu trung tâm thương mại, dịch vụ, giải trí của Tập đoàn Mường Thanh tại Đắk Lắk, Thanh tra Chính phủ chuyển thông tin đến Cơ quan điều tra Bộ Công an xem xét về việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định, không công bố danh mục dự án và không sắp xếp quản lý tài sản công theo quy định liên quan đến việc cho thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao tại số 81 đường Nguyễn Tất Thành.

lethanhthan-1-1562758080185248105748-16173394535652144776496.jpg
Ông Lê Thanh Thản – Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh người thường được biết đến với danh xưng “Đại gia điếu cày”.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Mường Thanh hoàn toàn thuộc sở hữu của gia đình ông Lê Thanh Thản. Trong đó, ông Lê Thanh Thản nắm giữ 68,5%; bà Lê Thị Hoàng Yến (con gái ông Thản) nắm giữ 19%, ông Đỗ Trung Kiên (chồng bà Yến) nắm giữ 8,4% và và ông Lê Hải An sở hữu 4% vốn điều lệ công ty.

Xuất phát điểm ban đầu của Mường Thành là Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu được thành lập những năm 90 do ông Lê Thanh Thản làm chủ. Sau đó công ty đổi tên thành Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên, có trụ sở tại Điện Biên cho đến nay.

Sự thay đổi của Tập đoàn này bắt đầu tư năm 1996, khi tỉnh Lai Châu đề nghị doanh nghiệp nhượng lại khách sạn Điện Biên Phủ và trao đổi bằng 1 mảnh đất giá trị. Đến năm 1997 công ty đã tiến hành đổi lấy và xây dựng nên khách sạn Mường Thanh, mở đầu cho thương hiệu Mường Thanh ra đời. Năm 2013, ông Lê Thanh Thản bổ nhiệm con gái đầu là bà Lê Thị Hoàng Yến làm Tổng giám đốc Mường Thanh.

Bà Lê Thị Hoàng Yến sinh năm 1987. Trước khi gia nhập công ty gia đình, bà Yến trải qua 7 năm du học tại Anh, tốt nghiệp chuyên ngành kế toán tài chính, đại học Brimingham.

Ông Lê Thanh Thản – Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh từng bị khởi tố vì liên quan đến vụ án “Lừa dối khách hàng” xảy ra tại Công ty Cổ phần sản xuất – xuất nhập khẩu Bemes do ông Thản làm Tổng giám đốc. Cụ thể, ông Lê Thanh Thản bị đề nghị truy tố về tội lừa dối khách hàng theo khoản 2, điều 198, BLHS năm 2015.

[ad_2]

Nguồn: https://markettimes.vn/thanh-tra-chinh-phu-chuyen-bo-cong-an-xem-xet-du-an-to-hop-khach-san-muong-thanh-o-ha-nam-14874.html