[ad_1]

Bài cập nhật 

Thanh khoản chứng khoán lại phá kỷ lục, giá trị giao dịch vọt lên gần 56 ngàn tỷ

Kết phiên 19/11, tổng giá trị giao dịch toàn thị trường (cả 3 sàn HOSE, HNX, UPCoM) đạt gần 56 ngàn tỷ đồng (tương đương gần 2.5 tỷ USD), thiết lập mức kỷ lục mới về thanh khoản của thị trường chứng khoán Việt Nam. Khối lượng giao dịch lên tới hơn 2 tỷ cổ phiếu, mức cao kỷ lục từ trước tới nay.

Thanh khoản chứng khoán lại phá kỷ lục, giá trị giao dịch vọt lên gần 56 ngàn tỷ

Thanh khoản bùng nổ trong tháng 11

Trong phiên hôm nay (19/11) thị trường ghi nhận nhiều biến động mạnh. VN-Index tăng tích cực điều phiên tuy nhiên thị trường bất ngờ lao dốc mạnh trong phiên chiều, có thời điểm chỉ số giảm hơn 30 điểm. Tuy nhiên, lực cầu mạnh vào cuối phiên đã kéo chỉ số hồi phục. Kết phiên, VN-Index chốt ở 1,452.35 điểm, giảm 17.5 điểm, HNX-Index cũng có phiên giảm mạnh gần 15 điểm về còn 453.97 điểm.

Tổng giá trị giao dịch sàn HOSE đạt gần 44.6 tỷ đồng, khối lượng giao dịch đạt hơn 1.5 tỷ cổ phiếu. Đây cũng là kỷ lục thanh khoản mới của sàn này.

Kể từ năm 2020 tới nay, thị trường chứng khoán liên tục lập các mặt bằng thanh khoản mới. Trong các tháng đầu năm 2020, thanh khoản trên 2 sàn niêm yết ở quanh mức 5 ngàn tỷ đồng/phiên. Cuối năm 2020, thanh khoản bứt phá và lập nền mới ở mức 15 ngàn tỷ đồng. Thị trường tiếp tục sôi động và lập mức nền mới ở vùng từ 20 – 25 ngàn tỷ đồng trong giai đoạn từ tháng 5 – 10/2021. Tới tháng 11/2021, thanh khoản bứt phá và tạo nền mới cao kỷ lục. Chỉ trong 3 tuần đầu tháng 11, giá trị giao dịch bình quân trên 2 sàn niêm yết đã đạt trên 37 ngàn tỷ đồng/phiên, cao hơn 60% so với bình quân 10 tháng đầu năm 2021.

Thanh khoản trên 2 sàn niêm yết liên tục tạo nền mới trong 2 năm qua
Đvt: Tỷ đồng/phiên

Thanh khoản chứng khoán lại phá kỷ lục, giá trị giao dịch vọt lên gần 56 ngàn tỷ

Giá trị giao dịch bình quân trên 2 sàn HOSE và HNX. Nguồn: VietstockFinance

Đà tăng thanh khoản có lẽ đến từ sức nóng của thị trường chứng khoán thời gian qua. Với mức tăng 51% của VN-Index và hơn 340% của HNX-Index (so với đầu năm 2020), chứng khoán đang là kênh đầu tư thu hút sự quan tâm của nhiều người. 10 tháng đầu năm 2021, lượng tài khoản chứng khoán mở mới đạt trên 100 ngàn tài khoản trong nhiều tháng liền. Chỉ trong 10 tháng đầu năm, tổng số tài khoản mở mới tại thị trường Việt Nam lên tới gần 1.1 triệu tài khoản, gấp gần 3 lần con số của năm 2020.

Thanh khoản đang nóng trong ngắn hạn

Tại một hội thảo tổ chức ngày 18/11, ông Phạm Vũ Thăng Long – Giám đốc Nghiên cứu kinh tế vĩ mô CTCK TP.HCM (HSC, HOSE: HCM) đã có những bình luận về tình hình thị trường hiện tại. Theo ông Long, ước tính GDP Việt Nam năm 2021 đạt 370 tỷ USD, theo cách tính mới. Do Covid-19, nhiều nước đi thụt lùi như Thái Lan, Philippines, Indonesia… đồng nghĩa, Việt Nam có thể vượt qua quy mô GDP của một số quốc gia trong Đông Nam Á, hiện vượt qua Singapore, có khả năng vượt qua quy mô Philippines, Thái Lan trong vài năm tới.

Xét về quy mô vốn hoá của các chỉ số chính trong khu vực Đông Nam Á thì thị trường Việt Nam còn khiêm tốn, sàn HOSE có vốn hoá trên 240 tỷ USD, tương ứng 65% GDP theo cách tính mới, chỉ cao hơn thị trường Indonesia với chỉ số chính khoảng 48%GDP, và các nước khác trung bình thì 100% GDP, như Thái Lan là 107% GDP, thì dư địa tăng trưởng cho thị trường Việt Nam là hoàn toàn khả thi.

Ông Long đánh giá thị trường đang tiềm ẩn rủi ro như thanh khoản hiện nay liệu có bền vững không. Thanh khoản thống kê của HOSE đã vượt chỉ số chính của Singapore, có một số phiên đạt bằng cả thị trường Thái Lan. Trong khi quy mô GDP chỉ bằng 2/3 Thái Lan. Có nghĩa thị trường có mức độ “nóng” trong ngắn hạn.

Trong dài hạn, GDP/người của Việt Nam sẽ tăng lên ít nhất 5,500 USD đến 2025, và tầng lớp trung lưu Việt Nam gia tăng từ 20% lên 25% vào năm 2025, tức có khoảng 25 triệu người Việt Nam có thu nhập lớn gấp đôi GDP bình quân (khoảng 11,000 USD/người/năm). Đây là cơ sở cho mục tiêu 8% dân số mở tài khoản chứng khoán tới 2030. Do vậy, nền tảng vĩ mô đang rất thuận lợi cho TTCK phát triển.

Chí Kiên

[ad_2]