[ad_1]
Để được tách thành dự án độc lập đối với khu đất thực hiện dự án đầu tư, thì diện tích đất đó phải liền thửa; có ít nhất một mặt tiếp giáp với đường giao thông hiện trạng, chiều rộng đường tối thiểu là 5m và chiều dài đoạn tiếp giáp tối thiểu 5m. Đây là một trong những quy định tại quyết định 09/2022 do UBND tỉnh Thanh Hoá vừa ban hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 10/ 3 tới….
Ảnh minh hoạ
Quyết định này đã nêu rõ điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập đối với khu đất thực hiện dự án đầu tư có phần diện tích đất do Nhà nước giao đất để quản lý quy định tại Điều 8 Luật Đất đai, đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, đất mà người đang sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không có tài sản gắn liền với đất…
Theo đó, các điều kiện để tách diện tích đất thành dự án độc lập bao gồm: Phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được phê duyệt và công bố; Diện tích đất phải liền thửa, không bị chia cắt bởi các thửa đất tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; Diện tích đất có ít nhất một mặt tiếp giáp với đường giao thông hiện trạng có chiều rộng đường tối thiểu là 5m, chiều dài đoạn tiếp giáp tối thiểu 5m (trừ các dự án sản xuất nông nghiệp).
Về tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách khu đất thành dự án độc lập: Diện tích đất công tối thiểu phải đảm bảo điều kiện tách thửa theo quy định đối với loại đất được quy hoạch; Phần diện tích đất công chiếm tỷ lệ 100% tổng diện tích khu đất đề xuất thực hiện dự án đối với dự án sản xuất nông nghiệp; Phần diện tích đất công chiếm tỷ lệ từ 90% trở lên trên tổng diện tích khu đất đề xuất thực hiện dự án đối với các dự án còn lại. Trường hợp đặc biệt khác do UBND tỉnh quyết định.
Tại quyết định này, UBND tỉnh Thanh Hoá cũng quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện thủ tục chấp thuận đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, với trường hợp tổ chức kinh tế thực hiện đồng thời thủ tục chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thì trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của tổ chức kinh tế đề nghị chấp thuận việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ.
Nếu nội dung văn bản đề nghị của tổ chức kinh tế chưa đầy đủ, hợp lệ theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản trả lời tổ chức kinh tế yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung theo đúng quy định và gửi 01 bản đến Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trường hợp văn bản của tổ chức kinh tế đầy đủ, hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia kiểm tra thực địa cùng đoàn kiểm tra thực địa do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, thực hiện tổ chức kiểm tra thực địa, lập biên bản làm việc xác định cụ thể: vị trí, ranh giới, hiện trạng, diện tích, nguồn gốc, đối tượng quản lý, sử dụng đất.
Trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do Sở Tài nguyên và Môi trường trình, UBND tỉnh xem xét có văn bản chấp thuận hoặc trả lời tổ chức kinh tế về việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; xem xét, quyết định việc tách phần diện tích đất công thành dự án độc lập theo quy định của pháp luật (nếu có).
Đồng thời xác định điều kiện tách diện tích đất công thành dự án độc lập; Có văn bản báo cáo UBND tỉnh chấp thuận hoặc trả lời tổ chức kinh tế về việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; Xem xét, quyết định việc tách phần diện tích đất công thành dự án độc lập theo quy định của pháp luật (nếu có) và đồng thời gửi văn bản này về Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Với trường hợp tổ chức kinh tế chỉ thực hiện thủ tục xin chấp thuận nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư phi nông nghiệp thì trong thời hạn 10 ngày làm việc, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ: Nếu nội dung văn bản đề nghị của tổ chức kinh tế chưa đầy đủ, hợp lệ theo quy định, phải có văn bản trả lời tổ chức kinh tế yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung theo đúng quy định.
Còn trong điều kiện văn bản của tổ chức kinh tế đầy đủ, hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện tổ chức kiểm tra thực địa, lập biên bản làm việc xác định cụ thể: vị trí, ranh giới, hiện trạng, diện tích, nguồn gốc, đối tượng quản lý, sử dụng đất; Xác định điều kiện tách diện tích đất công thành dự án độc lập; Có văn bản báo cáo UBND tỉnh chấp thuận hoặc trả lời tổ chức kinh tế về việc nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất; xem xét, quyết định việc tách phần diện tích đất công thành dự án độc lập theo quy định của pháp luật (nếu có).
[ad_2]