[ad_1]

Hiện tại Thanh Hóa vẫn đang là địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung với 164 dự án, tổng vốn đăng ký lên tới 14,57 tỷ USD. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Thanh Hóa đang có dấu hiệu “hụt hơi” trong cuộc đua thu hút vốn ngoại…

Nhà máy Nhiệt điện Nghí Sơn 2, dự án có tổng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD là điểm sáng trong thu hút FDI của Thanh Hóa Nhà máy Nhiệt điện Nghí Sơn 2, dự án có tổng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD là điểm sáng trong thu hút FDI của Thanh Hóa

Đến thời điểm 31/12/2019, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 93 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 14,32 tỷ USD. Riêng năm 2018 nguồn vốn FDI đầu tư vào Thanh Hóa lên đến 554,42 triệu USD.

ĐÃ TỪNG LÀ ĐIỂM SÁNG THU HÚT VỐN FDI

Sau 30 năm thực hiện chính sách mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nguồn vốn này đã phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt trong những năm gần đây với thế và lực mới, Thanh Hóa đã trở thành điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư của nước ngoài.

Một số dự án lớn có sự lan tỏa như: dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy xi măng Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2… Các dự án này đã đóng góp chủ yếu vào giá trị sản lượng công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu ngân sách và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hóa.

Trong đó, chỉ riêng Dự án Khu liên hiệp lọc hóa dầu Nghi sơn đã có suất đầu tư hơn 9 tỷ USD, trong đó đóng góp của nhà tài trợ khoảng 4 tỷ USD. Nhà máy lọc dầu này có công suất chế biến 200.000 thùng dầu thô nhập khẩu từ Kuwait mỗi ngày (tương đương 10 triệu tấn mỗi năm).

Bên cạnh đó, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 có tổng mức đầu tư gần 2,8 tỷ USD, gồm 2 tổ máy công suất 600MW. Công trình được Chính phủ Việt Nam giao cho Công ty TNHH Điện Nghi Sơn 2 (NS2PC) làm chủ đầu tư. Đây là dự án FDI có vốn đầu tư lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do liên doanh: Tổng Công ty Điện lực KEPCO (Hàn Quốc) góp vốn 50%; Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) góp vốn 40% và Công ty Điện lực Tohuku (Nhật Bản) góp vốn 10%. Được đầu tư theo hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao, dự án sẽ được bàn giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam sau 25 năm vận hành. Hai dự án này đã chiếm 82% tổng nguồn vốn ngoại đầu tư vào Thanh Hóa tính đến nay.

DẤU HIỆU “HỤT HƠI”

Từ năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid, Thanh Hóa bắt đầu tỏ ra “hụt hơi” trong thu hút nguồn vốn FDI. Năm 2020 nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã tìm đến KKT Nghi Sơn và các KCN trên địa bàn tỉnh này để khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư như: Tập đoàn Exxon Mobil (Hoa Kỳ), Tập đoàn Foxconn (Đài Loan), Tập đoàn Mintal (Hồng Kông), Tập đoàn Fangda (Trung Quốc), Tập đoàn INTCO (Singapore), Tập đoàn Chuwa Busan (Nhật Bản), các tổ chức JICA (Nhật Bản), KOIKA (Hàn Quốc)…

Tuy nhiên, cho đến nay, sau nhiều lần khảo sát, chưa có thông tin chính thức khẳng định những nhà đầu tư này sẽ chọn Thanh Hóa để “xây tổ”.

Năm 2021, tỉnh Thanh Hóa thu hút được 8 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng kí mới đạt 112,7 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 5 dự án FDI với số vốn điều chỉnh là 14,8 triệu USD. Thanh Hóa bắt đầu chững lại so với các tỉnh bạn trong khu vực Bắc Trung Bộ mặc dù cơ chế ưu đãi của tỉnh này vẫn được đánh giá là tốt nhất so với các địa phương khác.

Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư của tỉnh được triển khai tích cực. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các tập đoàn, nhà đầu tư ngoài nước như: Đoàn công tác Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB), Đoàn chuyên gia Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Đoàn công tác của nhà đầu tư Ấn Độ; Tập đoàn WHA của Thái Lan, Tập đoàn Ramky của Ấn Độ, Tập đoàn Millennium (Hoa Kỳ), Tập đoàn Compal (Đài Loan), Công ty TNHH Vaude Việt Nam, Công ty TNHH JFE Engineering Việt Nam… nhằm kêu gọi, giới thiệu cơ hội đầu tư và tháo gỡ các khó khăn cho các dự án đang chuẩn bị đầu tư. Đáng kể phải kể đến việc ký kết Bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh với Công ty TNHH Giầy Venus Việt Nam; thỏa thuận hợp tác với Công ty TNHH Biomass Fuel Nghi Sơn về đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, kết quả hoạt động thu hút vốn ngoại của Thanh Hóa không đạt được kỳ vọng. Từ đầu năm đến nay, Thanh Hóa mới chỉ thu hút được 4 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 41 triệu USD, thuộc diện thấp nhất trong khu vực Bắc Trung Bộ.

Nhìn sang tỉnh láng giềng, trong khoảng thời gian Thanh Hóa chững lại, thì Nghệ An đã thu hút được 1,8 tỷ USD từ nguồn vốn FDI. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, Nghệ An đã thu hút được hơn 500 triệu USD từ vốn ngoại, gấp 12 lần so với Thanh Hóa.

Vì thế, Thanh Hóa cần những biện pháp mạnh, tránh tình trạng “ngủ quên trên chiến thắng” để khơi thông nguồn vốn ngoại trong thời gian tới. Trong đó việc cải thiện môi trường đầu tư được xem là yếu tố then chốt. Một trong những tín hiệu tiêu đáng lưu ý là trong năm 2021, Thanh Hóa đã tụt hạng khá sâu trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

Theo đó từ vị trí thứ 28 năm 2020, Thanh Hóa đã tụt 15 hạng xuống vị trí thứ 43. Một vấn đề nan giải khác cần phải đặt ra là hiện quỹ đất sạch tại Khu kinh tế Nghi Sơn đã trở nên khan hiếm, vị trí không thuận lợi với khoảng cách ra Cảng Nghi Sơn ngày càng bị đẩy xa. Chất lượng nhân công và sự phát triển của các doanh nghiệp phụ trợ còn tự phát, manh mún chính là một trở lực không nhỏ trong cuộc đua thu hút vốn ngoại của Thanh Hóa trong thời gian tới.

Nguồn: https://vneconomy.vn/thanh-hoa-dang-co-dau-hieu-hut-hoi-trong-cuoc-dua-thu-hut-von-ngoai.htm

[ad_2]