[ad_1]

Đã bao giờ bạn cảm thấy rằng tha thứ cho người khác là một việc đầy khó khăn chăng? Mẩu truyện dưới đây hy vọng sẽ gợi ý cho bạn.

Xưa có một ông lão râu tóc bạc phơ sống với ba người con trai. Một ngày kia, ông lão gọi các con của mình lại và nói:

“Cả đời cha đã gánh vác cho gia đình ta, bị người ta ức hiếp cũng nhiều rồi. Giờ thì cha đã già, không biết còn sống được bao lâu nữa, vậy nên một trong ba anh em con cần phải thay cha gánh vác gia đình. Hôm nay, cha giao cho mỗi con một thỏi bạc, hãy đi hành thiện và tích đức. Ai có thể chứng tỏ là người thiện đức nhất sẽ được thay cha trở thành trụ cột của gia đình”.

Một thời gian sau, ba người con trở về. Người cha yêu cầu họ kể lại những gì họ đã trải qua.

Anh cả tỏ ra tự hào: “Con nhìn thấy một người phụ nữ định trẫm mình xuống sông, con vội nhảy xuống và cứu được cô ấy lên bờ. Vì cô ấy mang bầu nên con đã cứu được hai mạng người”.

Anh thứ hai cũng hào hứng kể: “Con đi ngang qua một thôn làng và thấy có ngôi nhà đang bén lửa. Vì ngôi nhà ở ngay đầu gió nên cơ hồ cả làng sẽ bị thiêu rụi. Con nhảy vào trong lửa và dập tắt đám cháy ấy, đã cứu được rất nhiều mạng sống và tài sản”. Người cha mỉm cười, nhưng cũng không nói thêm lời nào.

Cuối cùng chỉ còn lại anh út, anh ngập ngừng: “Cha ạ, con rất buồn vì chẳng làm nên công trạng gì mà chỉ toàn là những việc ngớ ngẩn. Ngày hôm trước khi đi ngang qua rặng núi, con nhìn thấy vị lực sĩ mà thường ngày vẫn hay ức hiếp nhà chúng ta. Lúc ấy anh ta đang say rượu nằm ngay bên bờ vực thẳm. Chỉ cần anh ta trở mình một cái là sẽ rơi xuống vực.

Lẽ ra con nên bỏ mặc anh ta đó mà đi tìm việc gì khả dĩ hơn vì kẻ đồi bại như anh ta thì cả làng đều cho rằng chết là đáng kiếp. Nhưng tâm con lúc đó bứt rứt, còn đành gọi anh ta dậy, bảo anh ta cẩn trọng tránh xa cái vực đó ra. Cuối cùng không tìm được việc gì để làm theo nguyện của cha”.

Người cha nghe xong, không ngờ khuôn mặt trở nên vô cùng rạng rỡ, nói: “Con có thể buông bỏ oán hận, tha thứ để cứu cả kẻ thù của mình thì tâm đủ rộng để gánh vác việc lớn“. Ông quyết định trao cho con trai út kế thừa gia sản, trụ cột gia đình.

Sau khi người con út trở thành trụ cột gia đình, vị lực sĩ từng bắt nạt anh ngày trước vô cùng biết ơn và nhận ra rằng việc mình làm trước đây là sai trái. Từ đó, anh ta bỏ hẳn thói ngang nhiên hống hách, đối xử với tất cả mọi người bằng thiện tâm và hoà ái. Hai gia đình từ đó cũng trở thành những người bạn tốt.

Nỗi oan của vị thiền sư

Nói về lòng bao dung và tha thứ, hẳn không ai quên câu chuyện có thật về vị thiền sư Nhật Bản Hakuin Ekaku.

Thiền sư Hakuin Ekaku sinh năm 1684 ở thời kỳ Edo Nhật bản, xuất gia từ năm 8 tuổi, ông được coi là thiền sư vĩ đại “500 năm mới có một người” của nước Nhật.

Thiền sư Hakuin rất được mọi người trọng vọng kính nể bởi đạo đức thánh thiện của ông. Một ngày kia, có một người con gái trẻ đẹp nhà gần chùa của thiền sư bỗng bị chửa hoang. Người ta không biết cha đứa bé là ai.

Bố mẹ cô gái vô cùng tức giận và xấu hổ nên đánh đập tra khảo con gái để biết về lai lịch tình nhân. Ban đầu cô con gái không chịu nói gì cả, nhưng sau cùng vì bị đánh đập dữ dội, cô tiết lộ cha của đứa bé là thiền sư Hakuin.

Một vị sư được mọi người kính trọng lại làm chuyện như vậy, câu chuyện lan ra khắp xóm làng. Cha mẹ cô gái giận dữ, đùng đùng lên chùa và mắng xối xả vào mặt Hakuin.

Tuy nhiên, khi đối mặt với tất cả, thiền sư Hakuin bình thản trả lời: “Thế à!”.

Đệ tử của thiền sư dần dần bỏ đi gần hết. Không chỉ có vậy, gia đình cô gái vô cùng tức giận, chờ đứa cháu được sinh ra rồi mang tới bỏ mặc cho thiền sư.

Thiền sư Hakuin không nói gì, bình thản nhận lấy đứa bé. Vì không có sữa cho đứa bé, bị đệ tử xa lánh, nên chính thiền sư phải bồng đứa bé ngày ngày đi xin sữa, bị người đời chê bai, dè bỉu.

Sau một thời gian dài, cô gái vì cảm thấy day dứt, hối hận nên đã thú thực với cha mẹ là người cha đứa bé không phải là Hakuin mà là một chàng thanh niên làm việc ở chợ cá.

Cha mẹ cô nghe xong liền hoảng hốt, cảm thấy tội lỗi vô cùng nên tức tốc dẫn con gái tới chùa dập đầu sám hối với thiền sư và xin đứa cháu mang về.

Thiền sư nghe xong, chỉ bình thản nói: “Thế à!”.

Sự tình được truyền đi, dân chúng ngưỡng mộ, các đệ tử cảm phục đức nhẫn nhục và tấm lòng bao dung rộng lượng của thiền sư. Danh tiếng của thiền sư cũng nhờ vậy mà ngày càng vang xa.

Xem thêm

[ad_2]