[ad_1]
Tăng thuế chứng khoán: Cần thêm thời gian
Vừa qua, một số ý kiến trong Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tăng thuế đối với giao dịch chứng khoán, bất động sản và một số hình thức kinh doanh qua mạng. Dù đây mới chỉ là đề xuất và chưa bàn gì chi tiết nhưng thông tin trên ngay lập tức khiến nhà đầu tư phải chú ý.
Thứ nhất, nhà đầu tư chứng khoán đang trả không ít thuế, phí. Hiện tại, khi chuyển nhượng chứng khoán, thuế được lựa chọn là 0.1% trên tổng giá trị chứng khoán bán ra.
Cùng đó, bên cạnh các khoản phí phổ biến như phí giao dịch qua sàn, phí dịch vụ (chuyển khoản ngân hàng, xác nhận số dư, sao kê, trích lục hồ sơ…), phí lưu ký chứng khoán… nhà đầu tư chịu thêm thuế thu nhập cá nhân 5% khi bán cổ phiếu là cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng đã nhận được. Đây có lẽ là một trong những lý do góp phần giúp nguồn thu ngân sách từ thị trường chứng khoán đạt gần 11,000 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi năm 2020 (chỉ 5,200 tỷ đồng).
Giới phân tích thừa nhận, cách tính thuế hiện nay trên TTCK có yếu tố thuế chồng thuế. Dù vậy, năm 2021, sức hút thị trường chứng khoán quá lớn đến nỗi các vướng mắc về thuế, phí trở nên không còn quan trọng. Những phiên giao dịch tỷ đô liên tục xuất hiện cùng lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng đột biến gần 1.5 triệu tài khoản năm 2021, bằng 4 năm trước cộng lại đã làm nhà đầu tư hồ hởi. Tuy nhiên, tính chung, Việt Nam mới chỉ hơn 4 triệu tài khoản chứng khoán, xấp xỉ 4% dân số. Đây là con số vẫn còn khiêm tốn so với các nước như Thái Lan (25%-30% dân số), Đài Loan (80% dân số)…
Để Việt Nam có thể đạt tới số lượng tài khoản chứng khoán ngang bằng với các nước trong khu vực, thị trường chứng khoán Việt Nam cần thêm những giải pháp có tính khuyến khích tạo động lực để nhà đầu tư tham gia tích cực hơn, thay vì đề xuất các cách thức thu thêm thuế từ chứng khoán.
Cũng cần cân nhắc về chất lượng nhà đầu tư ở Việt Nam. Theo đánh giá của các CTCK, phần lớn các nhà đầu tư mới (F0) của năm 2021 đều tham gia trong tâm thế đánh nhanh rút nhanh, lướt sóng kiếm lời ngắn hạn. Họ vẫn còn dựa nhiều vào may rủi hên xui chứ chưa thực sự chuyên môn, kinh nghiệm, bản lĩnh để đầu tư chứng khoán như một kênh thu nhập ổn định, lâu dài. Như vậy, ở góc độ chất lượng nhà đầu tư, chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững.
Trong khi dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước lại đang dẫn dắt thị trường. Nếu tăng thêm thuế chứng khoán, khả năng nhà đầu tư lo ngại, rút lui là có thể xảy ra. Khi đó, vai trò kênh dẫn vốn trung dài hạn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán dễ gặp trở ngại.
Thực tế, trên thế giới, các nước đã rất chặt chẽ trong áp thuế phí chứng khoán. Ví dụ ở Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU), ngoài các khoản thuế phải nộp do lợi nhuận từ đầu tư, các doanh nghiệp sẽ nộp thêm các khoản mục liên quan đến chênh lệch giá thị trường (thường chiếm khoảng 20-30%, tùy từng nước). Đối với nhà đầu tư cá nhân tại các nước thuộc EU và OECD hoặc một số nước khác thì khi mua đi bán lại cổ phiếu trên thị trường, cần nộp thuế 20-40% chênh lệch giá. Thuế tính cho cổ tức tại các nước EU và OECD là từ 5-10%.
Có thể thấy, các giao dịch liên quan đến chứng khoán đều có thể bị đánh thuế. Tuy nhiên, ở quốc gia mới nổi như Việt Nam, thay vì tăng thuế thì nên chờ thị trường đạt đến một quy mô lớn hơn, với số lượng tài khoản chiếm 20% dân số chẳng hạn. Khi đó, việc tăng thuế sẽ dễ được chấp nhận hơn.
Thuế chứng khoán cũng chỉ hợp lý khi xem xét đến tác động toàn diện và đặt trong bình diện bên chịu thuế có bị thiệt thòi hơn lúc chưa tham gia không. Ngoài ra, để tính thuế cho chuẩn xác rất cần đến ứng dụng công nghệ tài chính. Cuối cùng, hệ thống thuế cần đảm bảo khả năng kết nối với thế giới và tuân thủ những cam kết mà Việt Nam đã ký với các nước trong các hiệp định thương mại tự do, hiệp định thuế.
Ngọc Thủy
[ad_2]