[ad_1]

Tân Hoàng Minh mất gì khi bỏ cọc lô đất 24.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm?

Chuyên gia cho rằng cái mất lớn nhất của Tân Hoàng Minh là danh dự và uy tín, nên cần bị cấm tham gia đấu giá về sau nếu có hành vi bỏ thầu giá quá cao để trục lợi.

Ngày 10/1, Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (công ty con của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) xin bỏ cọc lô đất đấu giá 24.500 tỷ đồng ở Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TP.HCM).

Ông Đỗ Anh Dũng, chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, lấy lý do “vì lòng tự hào dân tộc và danh dự của các tập đoàn đầu tư BĐS trong nước” nên ngày 10/12/2021, ông đã quyết tâm trả giá cao hơn 3%, tương đương 700 tỷ đồng để vượt qua người trả giá thứ hai là một công ty nước ngoài.

Tuy nhiên, chỉ một tháng sau, ông Dũng suy nghĩ lại.

Cái mất của Tân Hoàng Minh sau khi bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm ảnh 1

Ông Đỗ Anh Dũng (phải) khi đấu giá thành công lô đất ký hiệu 3-12 tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Hà Bùi.

Bỏ cọc, Tân Hoàng Minh liệu có chịu thiệt?

Trao đổi với chúng tôi, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, phân tích có 2 lý do khiến Tân Hoàng Minh xin tự nguyện đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản lô đất 3-12 thuộc khu chức năng số 3 trong Khu đô thị Thủ Thiêm.

Thứ nhất, doanh nghiệp trực tiếp đấu giá và xin bỏ cọc là công ty con của Tân Hoàng Minh – Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt. Do đó, có thể Tân Hoàng Minh đứng đằng sau “đạo diễn” nên tập đoàn này sẽ không bị ảnh hưởng gì cả.

Thứ hai, việc đấu giá đất Thủ Thiêm cao kỷ lục đã tác động tới thị trường BĐS thời gian qua, cụ thể là làm cho giá đất quanh khu vực này “sốt” cao hơn. Sau đó, công ty con của Tân Hoàng Minh bỏ cọc, nhưng sẽ để lại được tiếng vang rằng giá đất bên cạnh quận 1 rất cao.

Theo GS Đặng Hùng Võ, việc hủy kết quả đấu giá lô đất mà Tân Hoàng Minh thắng đấu giá sẽ không có nhiều tác động đến giá đất Thủ Thiêm ở thời điểm hiện tại.

Động tác của Tân Hoàng Minh để kích giá thị trường BĐS lên, chứ không thể có giá 2,45 tỷ đồng/m2 tại Thủ Thiêm, cao gấp đôi giá đất trên đường Đồng Khởi được.

GS Đặng Hùng Võ

“Động tác của Tân Hoàng Minh để kích giá thị trường BĐS lên, chứ không thể có giá 2,45 tỷ đồng/m2 tại Thủ Thiêm, cao gấp đôi giá đất trên đường Đồng Khởi được. Tôi cho rằng giá 500 triệu đồng/m2 ở đây là hợp lý”, ông Võ nói.

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng sau khi xin bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm, cái mất lớn nhất của Tân Hoàng Minh là danh dự và uy tín, bên cạnh mất khoản tiền đặt trước là 588,4 tỷ đồng.

Bởi trên thị trường, Tân Hoàng Minh hiện được nhiều người đánh giá là một nhà đầu tư có tiềm năng.

Còn dự báo về giá đất Thủ Thiêm sau sự kiện trên, ông Đính đánh giá “không bị ảnh hưởng gì nhiều vì các ông ảo đang chơi với nhau, nếu nhà đầu tư không có kinh nghiệm nhảy vào sẽ bị sập bẫy”.

Tuy nhiên, khi nguồn cung dồi dào, thị trường sẽ tự điều tiết về đúng giá trị thực. Muốn nguồn cung dồi dào, Nhà nước cần nhanh chóng tháo gỡ các rào cản về chính sách pháp lý.

“Cấm vĩnh viễn không cho đấu thầu nếu nhằm mục đích trục lợi”

Do đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, Công ty TNHH đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt phải mất khoản tiền đặt trước 588,4 tỷ đồng. Đây là số tiền lớn, nhưng có thể sẽ không là gì nếu so với mục đích khác của doanh nghiệp, hay hệ lụy gây ra cho thị trường BĐS, cho kinh tế địa phương.

TS Nguyễn Văn Đính thẳng thắn nhìn nhận các quy định trong Luật Đấu thầu chưa bao quát hết những vấn đề có thể phát sinh ngoài thực tiễn.

Ngoài mất cọc, ông Đính đề xuất các đối tượng có hành vi bỏ thầu giá quá cao để nhằm mục đích khác như làm tăng giá trị tài sản và lên sàn chứng khoán, thì sẽ vĩnh viễn không cho tham gia đấu giá trên toàn quốc.

Thậm chí, không giao các dự án để loại trừ các thành phần mang mục tiêu, mục đích khác làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS.

Các đối tượng có hành vi bỏ thầu giá quá cao để nhằm mục đích khác như làm tăng giá trị tài sản và lên sàn chứng khoán, thì sẽ vĩnh viễn không cho tham gia đấu giá trên toàn quốc.

TS Nguyễn Văn Đính

Đối với trường hợp của Tân Hoàng Minh, thực tế đây không phải lần đầu tiên tập đoàn này dính lùm xùm liên quan đến đấu giá “đất vàng”.

Trong quá khứ, cụ thể vào năm 2015, doanh nghiệp của ông Đỗ Anh Dũng từng trúng đấu giá lô đất 23 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM), diện tích 3.000 m2 với mức trả 1.430 tỷ đồng nhưng sau đó đòi hủy kết quả và không nộp số tiền đã trúng đấu giá.

Đến tháng 6/2016, Tân Hoàng Minh lại có văn bản gửi UBND TP.HCM, đề nghị được tiếp tục mua khu đất 23 Lê Duẩn. Do quá thời gian quy định, ngoài số tiền trúng đấu giá, Tân Hoàng Minh phải nộp thêm hơn 260 tỷ đồng tiền phạt.

Bên cạnh đề xuất mang tính tẩy chay, GS Đặng Hùng Võ cho rằng cần tăng tính ràng buộc với đơn vị tham gia đấu thầu, cụ thể là tăng mức độ khó khăn khi đấu thầu.

Cái mất của Tân Hoàng Minh sau khi bỏ cọc lô đất đấu giá ở Thủ Thiêm ảnh 2

Trước đó, Công ty Ngôi Sao Việt đã trúng đấu giá lô đất với ký hiệu 3-12 có diện tích 10.059,7 m2 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần so với giá khởi điểm. Ảnh: Chí Hùng.

Hiện nay, theo Luật Đấu thầu, khi người thắng đấu giá đầu tiên không trả được tiền thì sẽ lựa chọn người trả giá cao thứ hai làm người thắng đấu giá.

Thế nên, để tránh những trường hợp kích giá ảo thị trường, theo nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, phải hoàn chỉnh pháp luật một cách chặt chẽ về đấu giá quyền sử dụng đất theo hướng nhà đầu tư tham gia đấu giá thì phải có trách nhiệm tài chính đảm bảo.

“Nếu bỏ thầu, doanh nghiệp cần phải chịu thiệt hại thực sự lớn về mặt tài chính”, ông Võ nói.

Văn Hưng

[ad_2]