[ad_1]

Người xưa thường nói ‘Nghèo không đi thủy, giàu không hoang dâm’, nhiều người có thể hiểu nôm na ‘thủy’ ở đây là nước, còn ‘dâm’ ý chỉ sắc dục, nhưng thực chất, câu tục ngữ này còn có một tầng ý nghĩa sâu xa khác.

Tại sao ‘Nghèo không đi thủy’?

Thời xưa trình độ khoa học chưa cao, thuyền bè đơn sơ, người thời ấy lại chỉ có thể dựa vào các vì sao trên bầu trời để ra biển mỗi đêm, thuận theo đó mà đi thuyền giữa biển nước mênh mông, trong khi bão gió vốn thất thường khó có thể đoán trước, chỉ một cơn gió lớn thổi qua thôi cũng đủ khiến người đi thuyền xấu số mãi nằm lại dưới biển nước sâu, nguy hiểm vô cùng. 

Người nghèo khi túng quẫn, thường chấp nhận làm đủ thứ việc để mưu sinh dù nó có nguy hiểm đến đâu, kể cả việc đường thủy này.

Theo đó, ‘Nghèo không đi thủy’ có thể hiểu đơn giản là lời của cổ nhân khuyên những người nghèo khổ thời bấy giờ nên chọn những công việc khác, đừng làm các việc nguy hiểm liên quan đến đường thủy. 

Tại sao nói “Nghèo không đi thủy, giàu không hoang dâm”? (Ảnh minh họa qua Internet)

Ngoài ra, ‘đi thủy’ hay ‘tẩu thủy’ thời xưa còn có một ý nghĩa khác liên quan đến lửa, chính là ‘thất hỏa’ (cháy lớn).

Thời phong kiến xưa, người ta cho rằng ‘thất hỏa’ là sự trừng phạt của thần lửa đối với những ai làm điều xấu, cho nên cấm kỵ, không gọi thẳng tên, mà thủy có thể khắc chế hỏa, vì vậy khi có hỏa hoạn mọi người đều sẽ hô to câu ‘Tẩu Thủy liễu’ ngụ ý ‘cháy nhà rồi, đi lấy nước mau’.

Thời xưa không có bình cứu hỏa hay lực lượng cứu hỏa để dập lửa như ngày nay, nên một khi xảy ra hỏa hoạn thì thường cả cơ nghiệp sẽ hóa thành tro tàn, với những gia đình nghèo thường chỉ ở trong 4 bức vách, nếu xảy ra cháy lớn thì sẽ chẳng còn nơi để tá túc.

Như vậy ‘Thủy’ trong ‘Nghèo không đi Thủy’ có thể lý giải rộng hơn là các hoạt động bất hợp pháp, hàm nghĩa nhắc nhở mọi người dù có nghèo túng thì vẫn phải giữ được sự ngay thẳng, chính trực, không vì cái lợi trước mắt mà bất chấp, tham gia vào các hoạt động phi pháp, làm giàu bất chính, nếu không cuối cùng sẽ hại cả người khác và chính bản thân mình. 

Giàu không hoang dâm

Để kiếm được tiền bạc, lập lên cơ nghiệp không phải là dễ, nhưng để giữ gìn và phát triển được cơ nghiệp ấy lại càng khó hơn. Người xưa thường nói muốn giữ gìn được cơ nghiệp ấy thì cần phải rời xa mỹ sắc, bởi trên đầu chữ sắc (色) có một cây đao (刀).

Con người ai cũng có tình cảm và ham muốn riêng, nếu không đủ lý trí mà phóng túng bản thân, phung phí bạc tiền vào những thứ không đáng, trầm luân trong dâm loạn thì không chỉ cơ thể trở nên yếu nhược mà phúc khí cũng tiêu hao, dù là gia tài bạc tỷ cũng tan thành khói. 

Nếu không đủ lý trí mà phóng túng bản thân, trầm luân trong dâm loạn thì không chỉ cơ thể trở nên yếu nhược mà phúc khí cũng tiêu hao. (Ảnh minh họa qua Internet)

Từ xưa đến nay, những trường hợp như trên nhiều vô số kể, Ngô Vương Phù Sai vì mê luyến nhan sắc của Tây Thi, bỏ bê triều chính, cuối cùng khiến cả vương triều hùng mạnh phải diệt vong; Chu U Vương vì một nụ cười của mỹ nhân Bao Tự mà đốt lửa trên đài để lừa triệu chư hầu chạy đến, gây ra họa loạn quốc gia sau này khi có quân Khuyển Nhung thực sự đến đánh chiếm. 

Lại phải kể đến một Điêu Thuyền dùng mỹ nhân kế trước giúp Tư Đồ Vương Doãn trừ gian thần Đổng Trác, sau khiến Lã Bố sa cơ… Những câu chuyện lịch sử này đều cho người đời thấy, tham luyến mỹ sắc tuyệt đối không phải là điều tốt, nó không chỉ khiến bản thân gặp họa mà còn khiến cả một đất nước đứng bên bờ diệt vong.

Ngoài ý nghĩa trên, ‘giàu không hoang dâm’ còn có một hàm nghĩa khác ám chỉ lòng tham không đáy, khuyên bảo người giàu không nên tham lam quá độ, giữ của cải bo bo bên mình. 

Lưu hoàng hậu của Hậu Đường Trang Tông là bậc mẫu nghi quốc gia, hưởng vô vàn vinh hoa phú quý, nhưng lại chấp nhất vào tiền tài, coi tiền như mạng sống, cho dù là đem tiền đi để cứu nạn cho đất nước bà cũng phải suy nghĩ đắn đo, lúc quân địch đã đến cửa thành, bà vẫn không để triều đình xuất quân lương, cuối cùng khiến Hậu Đường diệt vong, chính bà cũng bị ép phải tự sát. 

Đời người ngắn ngủi chỉ vỏn vẹn mấy chục năm, giàu sang phú quý không phải là tất cả, có nhiều bạc vàng chưa hẳn đã hạnh phúc, nếu có thể yêu thương, chia sẻ, vừa lòng với hiện tại thì mới cảm nhận được niềm vui và thực sự sống một đời yên bình.

Nhiệt Bạch (Theo Jinri Toutiao)

Nguồn: https://tinhhoa.net/tai-sao-noi-ngheo-khong-di-thuy-giau-khong-hoang-dam.html

[ad_2]