[ad_1]

Tại sao chuỗi cung ứng lại đứt gãy?

Khi các dự báo không đủ chính xác để doanh nghiệp có thể dựa vào thì chuỗi cung ứng sẽ không thể điều chỉnh kịp thời và hiệu quả. Vì tính chất phân hóa của chuỗi cung ứng toàn cầu nên khi có sự cố xảy ra sẽ dẫn đến những thay đổi lớn hơn bình thường. Sự trì hoãn, thiếu hụt, tồn đọng và tắc nghẽn là những gì mà chúng ta đang trải qua.

Tại sao chuỗi cung ứng lại đứt gãy?

Nguồn: Project Syndicate

* Bài viết thể hiện quan điểm của Michael Spence

Nguồn cung không thể đáp ứng được nhu cầu đang tăng mạnh

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Đây thực sự là một tình huống rất khác thường. Các sản phẩm và dịch vụ bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ và thiếu hụt (từ những loại hàng hóa trung gian, chất bán dẫn đến các sản phẩm hoàn thiện cuối cùng) giống hệt như thời chiến tranh. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng đã làm tất cả chúng ta phải bất ngờ.

Trên thực tế, trong quý đầu tiên của năm nay, tăng trưởng được phần đông chuyên gia dự báo sẽ tăng tốc nhưng họ lại không đưa ra cảnh báo rằng nguồn cung sẽ không thể đáp ứng được nhu cầu đang tăng mạnh. Các nhà kinh tế học cho rằng sự kết hợp của chính sách tiền tệ mở rộng, tiết kiệm tại các hộ gia đình tăng cao, nhu cầu bị dồn nén và chi tiêu công tăng mạnh sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ lạm phát. Những dự đoán này đã thành hiện thực. Sự gia tăng tổng cầu được thúc đẩy bởi nguồn thanh khoản dồi dào và giá tài sản cao ngất ngưởng ám chỉ rằng khả năng cung ứng sẽ không theo kịp tổng cầu. Nhưng tình trạng mất cân bằng trên sẽ kéo dài bao lâu thì vẫn chưa được xác định rõ ràng. Giới chuyên gia cho rằng lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ chỉ là vấn đề “tạm thời”.

Trong khi đó, những thành viên tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu đang ngày một nghiêng về giả thiết rằng tình trạng thiếu hụt, tồn đọng và mất cân bằng cung cầu nhiều khả năng sẽ kéo dài tới năm 2022 và hơn thế nữa.

Rõ ràng trong một số giai đoạn quan trọng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị giới hạn bởi mức cung tối đa của hệ thống (một sự tương phản rõ rệt so với những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008). Điều này làm cho việc giải quyết các vấn đề nền tảng ở phía cung càng trở nên cấp thiết hơn.

Đầu tiên, có những giới hạn nào về nguồn cung sẽ vẫn tồn tại ngay cả sau khi các tắc nghẽn liên quan đến đại dịch biến mất hay không?

Thứ hai, có yếu tố nào về cấu trúc và phương thức hoạt động có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng phản ứng kịp thời của toàn chuỗi cung ứng hay không?

Cũng dễ hiểu nếu mọi người nghĩ rằng đại dịch đã tạo ra những thay đổi lâu dài trong hệ thống cung ứng hiện nay. Đối với những độc giả ít theo dõi tin tức kinh tế, vấn đề đáng chú ý hiện nay của nền kinh tế là việc lượng lớn nhân sự đã rời bỏ thị trường lao động hoặc trì hoãn gia nhập lại thị trường lao động, bất chấp các cơ chế hỗ trợ mà nhà nước cung cấp. Điều này liên quan đến môi trường làm việc căng thẳng hoặc nguy hiểm tới sức khỏe mà người lao động phải trải qua trong mùa dịch, chẳng hạn như các nhân viên y tế. Một ví dụ khác có thể kể đến như nhiều công nhân vận chuyển hàng hóa đã gặp phải trường hợp bị mắc kẹt trên tàu trong suốt nhiều tháng.

Nếu người lao động chấp nhận quay lại làm việc với những vị trí như vậy ngay bây giờ, họ sẽ yêu cầu nhận được mức lương cao hơn và những cải thiện trong điều kiện làm việc. Tương tự như vậy, những nhân viên chuyển sang làm việc từ xa (online) trong thời kỳ đại dịch không muốn quay lại văn phòng. Sự dịch chuyển nhu cầu và sở thích sẽ kéo đến sự thay đổi lớn trong cấu trúc của thị trường lao động. Điều này có thể kéo đến những hệ quả mang tính lâu dài mà chúng ta vẫn chưa nhìn ra được.

Ănh hưởng từ nguồn cung lao động chỉ là một phần của câu chuyện. Chúng ta biết rằng nhu cầu của thị trường đang tăng lên. Vậy tại sao các chuỗi cung ứng toàn cầu lại đang dậm chân tại chỗ?

Một lý do là nhu cầu bị dồn nén đã làm tăng mạnh tổng cầu của thị trường trước khi đại dịch thực sự được kiểm soát. Vì vậy, khi nhu cầu tăng lên, những hệ quả xuất phát từ sự gián đoạn của chuỗi cung ứng đã tiếp tục gây ra tắc nghẽn tại các cảng và cơ sở sản xuất lớn, qua đó làm giảm khả năng đáp ứng của nguồn cung.

Một yếu tố khác là nhu cầu hiện tại dường như đã tăng vượt quá khả năng cung cấp tối đa của hệ thống. Việc mở rộng khả năng cung ứng đó sẽ đòi hỏi đầu tư và quan trọng là cần phải có thời gian xây dựng. Tuy nhiên, trong khi khả năng cung cấp tối đa là rất quan trọng đối với các dịch vụ như sản xuất điện (vì đặc tính khó lưu trữ) thì đối với hàng hóa thông thường khả năng tối đa lại ít quan trọng bằng. Khả năng đáp ứng phải được quản lý bằng một hệ thống hiệu quả hơn, có thể dự đoán trước được sự tăng vọt về nhu cầu và dàn trải các đơn đặt hàng một cách có hệ thống nhằm tránh tắc nghẽn.

Có một vấn đề còn phức tạp hơn ở sâu bên trong. Mạng lưới cung ứng toàn cầu rất phức tạp, phi tập trung hóa và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhằm tối đa hiệu quả và giảm thiểu chi phí. Tuy nhiên, hệ thống này hoạt động tốt ở trạng thái bình thường nhưng lại không thể xử lý tốt các cú sốc hoặc những biến động lớn về nhu cầu. Đặc biệt, việc phi tập trung hóa dẫn đến tình trạng thiếu đầu tư để tăng khả năng chịu rủi ro của hệ thống bởi vì lợi nhuận thường không đủ lớn để thu hút đầu tư.

Một hệ quả khác của hệ thống phi tập trung còn khó nhận biết hơn và nếu tôi so sánh với dự báo thời tiết thì độc giả sẽ dễ hình dung hơn. Mặc dù thời tiết là kết quả của một hệ thống vô cùng phức tạp và liên kết với nhau nhưng dự báo ngày càng trở nên chính xác theo thời gian nhờ vào các mô hình rất phức tạp để đánh giá sự tương tác giữa các yếu tố liên quan – chẳng hạn như gió, khí quyển, nhiệt độ đại dương và sự hình thành mây.

Cần các mô hình tốt hơn để dự báo chuỗi cung ứng

Mạng lưới cung ứng toàn cầu cũng phức tạp tương tự như thời tiết. Chúng ta có thể cho ra dự đoán về các xu hướng lớn, chẳng hạn như dự đoán rằng nhu cầu sẽ tăng lên. Tuy nhiên, hiện nay lại không có mô hình hoặc tập hợp các mô hình nào cho phép chúng tôi dự đoán chính xác những ảnh hưởng từ xu hướng lớn đến các yếu tố cụ thể bên trong chuỗi cung ứng. Ví dụ, chúng tôi không có cách nào để biết được nơi nào sẽ xảy ra tình trạng tắc nghẽn tiếp theo, chứ chưa nói đến những khuyến nghị cụ thể đối với từng doanh nghiệp.

Khi các dự báo không đủ chi tiết để có thể lên phương án hành động, hệ thống không thể phản ứng một cách kịp thời và hiệu quả. Các mô hình dự đoán hiện này hầu như không có tác dụng gì vì nó chỉ phát hiện ra những điểm tắc nghẽn khi chúng đã thực sự xảy ra. Và bởi vì tính chất phân hóa của chuỗi cung ứng toàn cầu nên khi có sự cố dẫn đến thay đổi lớn sẽ dẫn đến sự trì hoãn, thiếu hụt, tồn đọng và tắc nghẽn giống như gì mà chúng ta đang trải qua.

Bài học rút ra từ những gì chúng ta bàn luận ở trên tương đối rõ ràng. Chúng ta cần các mô hình tốt hơn để dự báo chuỗi cung ứng sẽ vận hành như thế nào, bao gồm những tác động lên chuỗi cung ứng khi có sự biến động mạnh trên thị trường. Những dự báo này cần được công bố rộng rãi để tất cả những người tham gia vào chuỗi cung ứng có thể nhìn thấy chúng và điều chỉnh cho hợp lý. Trí tuệ nhân tạo có thể sẽ là chìa khóa quan trọng để xây dựng các mô hình dự báo; may thay, ứng dụng của trí tuệ nhân tạo cho mục đích dự đoán đã được sử dụng rộng rãi. Nhưng điều này đòi hỏi hợp tác mang tính quốc tế, các quốc gia cần phải sẵn sàng chia sẻ dữ liệu theo thời gian thực liên quan tới chuỗi cung ứng.

Những tác động của một cơn bão lớn hay sóng thần ngày nay đã được giảm thiểu đáng kể nhờ vào hệ thống dự báo chính xác và qua đó giúp chúng ta lên kế hoạch ứng phó hiệu quả. Sự gián đoạn ngày nay liên quan tới chuỗi cung ứng cũng là một bài toán tương tự.

Giới thiệu tác giả Michael Spence

Michael Spence sinh năm 1943 tại New Jersey (Hoa Kỳ). Ông tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Yale năm 1966, tốt nghiệp thạc sĩ tại Đại học Oxford năm 1968 và nhận bằng tiến sĩ vào năm 1972 tại Đại học Harvard. Ngoài ra, ông từng giảng dạy tại Đại học Harvard và Đại học Stanford. Năm 2010, ông trở thành giáo sư tại Trường Kinh doanh Leonard N. Stern của Đại học New York.

Cùng với George A. Akerlof và Joseph E. Stiglitz, ông giành giải Nobel Kinh tế năm 2001 vì đã đặt nền móng cho Lý thuyết thông tin bất cân xứng (Asymmetric Information).

Ngoài ra, ông cũng là Giáo sư Kinh tế Danh dự tại Đại học Stanford và là Thành viên cao cấp tại Học viện Hoover.

Tại sao chuỗi cung ứng lại đứt gãy?

Nguồn: NobelPrize.org

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

[ad_2]