A. GIỚI THIỆU CHUNG VỀ HUYỆN YÊN PHONG

I.Thông tin chung.

Yên Phong là một huyện đồng bằng, nằm ở phía tây tỉnh Bắc Ninh, thuộc vùng Châu thổ Sông Hồng.

Tọa độ địa lý của Yên Phong nằm trong khoảng vĩ độ (21°8’45”) đến (21°14;30”) độ vĩ Bắc; và khoảng kinh độ từ (105°54;30”) đến (106°4;15”) độ kinh Đông.

Phía Bắc lấy Sông Cầu làm giới hạn, Yên Phong giáp với hai huyện Hiệp Hòa và Việt Yên (Tỉnh Bắc Giang).

Phía Nam giáp huyện Đông Anh (TP. Hà Nội), huyện Từ Sơn, huyện Tiên Du (Bắc Ninh).

Phía đông giáp thành phố Bắc Ninh (Bắc Ninh).

Phía tây lấy Sông Cà Lồ làm giới hạn, Yên Phong giáp huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội).

Trung tâm huyện Yên Phong (Thị trấn Chờ) cách tỉnh lỵ Bắc Ninh 15km về phía Đông; cách Thủ đô Hà Nội 29km về  phía Tây Nam, cách quốc lộ 1A 8km về phía Nam, có quốc lộ 18 chạy qua cách sân bay quốc tế Nội Bài 15km về phía Tây, cách cảng Hải Phòng 115km về phía Nam, quốc lộ 18 nối khu chế xuất Đông Anh và sân bay quốc tế Nội Bài với KCN và du lịch Quảng Ninh chạy qua Yên Phong từ Tây sang Đông; tuyến quốc lộ 3B Hà Nội-Thái Nguyên, cùng với đường 295, đường 286 mạng lưới giao thông đường bộ của Yên Phong có nhiều điều kiện thuận lợi trong giao lưu và hội nhập kinh tế, văn hóa, xã hội với các vùng trong, ngoài tỉnh và quốc tế.

Phía Bắc có Sông Cầu, thượng lưu thông đến Thái Nguyên, hạ lưu thông đến Hải Dương, Hải Phòng tạo nên tiềm lực phát triển mạnh kinh tế, thương mại, dịch vụ.

Với hệ thống di tích lịch sử văn hóa đa dạng (đã có 73 di tích được cấp bằng công nhận cấp Quốc gia, cấp tỉnh). Lễ hội dân gian phong phú và đặc sắc, Yên Phong còn là vùng quê du lịch hấp dẫn cho du khách trong nước và quốc tế.

Yên Phong có địa danh nổi tiếng là dòng sông Như Nguyệt, nơi đây năm 1077, người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt đã chỉ huy quân và dân ta đánh tan 30 vạn quân xâm lược nhà Tống, chiến công đó mãi mãi đi vào trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Những con người, những địa danh đó mãi khắc sâu trong tâm khảm của chúng ta, trường tồn với non sông đất nước.

Từ năm 1225 lúc khai cơ triều Trần đến nay năm 2016 trải qua 791 năm, trừ 06 năm mang tên huyện Yên Phú (thuộc thời Hồng Thuận 1509-1515), còn 785 năm huyện mang tên Yên Phong, cái tên bền vững, thủy chung như lòng người dân sống trên vùng đất từ thủa khai danh lập huyện đến nay. Từ xa xưa Yên Phong đã nổi tiếng là đất văn vật, nơi sản sinh ra nhiều bậc kỳ tài và cũng đã là địa phương có nhiều địa danh gắn với chiến công chống giặc ngoại xâm hiển hách của dân tộc Việt Nam. Trong kỳ thi đình dưới triều đại phong kiến, từ khoa thi Quý Sửu, niên hiệu Thuận Thiên thứ 06 đời Lê Thái Tổ (1433) đến khoa thi Kỷ Dậu năm Tự Đức thứ 2 (1849) nhà nước phong kiến Việt Nam tổ chức 136 khoa thi Tiến sĩ thì có 30 khoa thi đất Yên Phong có 01 trạng nguyên và 47 tiến sỹ, 16 cử nhân thời Nguyễn.

Ngày nay: có 02 Giáo sư, 19 phó giáo sư, 101 tiến sĩ, 296 thạc sĩ và 5533 người đạt trình độ đại học.

Năm 2015, dân số Yên Phong là: 162.592 người, chiếm 14,08% dân số toàn tỉnh, (trong đó nam: 76.786 người và nữ: 85.806 người).

Theo địa giới hành chính hiện nay, Yên Phong có 14 đơn vị hành chính bao gồm 01 Thị trấn Chờ và 13 xã là: Hòa tiến, Yên Phụ, Văn Môn, Tam Giang, Đông Tiến, Đông Thọ, Trung Nghĩa, Long Châu, Yên Trung, Đông Phong, Thụy Hòa, Dũng Liệt, Tam Đa. Với 74 thôn làng, khu phố.

Ngày nay cùng với sự phát triển của đất nước, lực lượng lao động Yên Phong đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi yêu cầu đặt ra của thời đại.

Về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

Các thủ tục hành chính: Với chủ trương đổi mới, thông thoáng, ưu đãi, khuyến khích đầu tư, huyện Yên Phong đã đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế quản lý “một cửa”, “một cửa liên thông hiện đại”, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đảm bảo môi trường đầu tư cởi mở, hiện đại.

Công nghiệp dịch vụ:

Khu công nghiệp Yên Phong I: có hơn 30 doanh nghiệp với 25000-27000 công nhân.

Cụm công nghiệp Đông Thọ: Diện tích 48,76ha với hơn 23 doanh nghiệp và 5283 công nhân.

Khí hậu: thuộc vùng khí hậu nhiệt đới ẩm, có mùa đông lạnh.

Cơ sở khám chữa bệnh: 159 trong đó có 01 Bệnh viện đa khoa huyện.

1.     Đất đai huyện Yên Phong:

Đất đai Yên Phong được hình thành do quá trình bồi tụ phù sa của hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, trực tiếp là 3 con sông: Sông Cầu, Sông Cà Lồ, sông Ngũ Huyện Khê, phần còn lại được hình thành tại chỗ do sự phong hóa trực tiếp từ đá mẹ.

Yên Phong có 3 nhóm đất chủ yếu: Đất phù sa, đất bạc màu, đất đồi núi đỏ vàng.

2. Sông ngòi, ao hồ:

Địa hình Yên Phong tương đối bằng phẳng, tuy dốc từ tây bắc xuống đông nam, độ cao trung bình so với mặt nước biển 07m.

Yên Phong được bao bọc bởi 03 con sông: Sông Cầu phía Bắc; Sông Cà Lồ phía Tây; Sông Ngũ Huyện Khê bao phía Nam.

Yên Phong có diện tích tự nhiên 9676,34ha (Trong đó đất nông nghiệp: 6127,78ha; đất lâm nghiệp: 0ha; đất chuyên dùng: 1910ha; đất ở: 929,20ha; còn lại là đất có mặt nước ao, hồ, chưa sử dụng là: 34,03ha ).

2.1. Sông Cầu:

Bắt nguồn từ cánh cung Ngân Sơn thuộc tỉnh Bắc Cạn chảy về qua địa phận tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Sóc Sơn ( Hà Nội) huyện Yên Phong, thành phố Bắc Ninh, huyện Quế Võ, hợp lưu với sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống… rồi theo sông Thái Bình đổ ra biển.

Tên sông Cầu có từ đầu thế kỷ 20 khi thực dân pháp xây dựng 3 cây cầu lớn trên sông: Cầu Đáp Cầu ( Bắc Ninh ), cầu Đa Phúc Sóc Sơn ( Hà Nội ), cầu Gia Bẩy   (Thái Nguyên).

Vào thời Gia Long thuộc triều Nguyễn, Sông Cầu có tên là sông Nguyệt Đức. năm Tự Đức thứ 3, sông Cầu được liệt vào hàng sông lớn Quốc gia, nên chép vào điển thờ.

Vào thời Lý, Sông Cầu có tên là sông Như Nguyệt. Tống sử chép là sông Nam Định hay sông Kháo Túc đều là sông Như Nguyệt cả.

Năm 981 Lê Đại Hành đắp thành Bình Lễ phá tan quân Tống.

Năm 1077 Lý Thường Kiệt xây dựng phòng tuyến Như Nguyệt đại phá 30 vạn quân Tống lần thứ hai. Cả hai ông đều lấy sông Như Nguyệt làm “chiến hào” thiên nhiên để chống giặc Tống và đều đại thắng.

2.2. Sông Ngũ Huyện Khê:

Sông Ngũ Huyện Khê là con sông lớn thứ 2 của huyện Yên Phong sau Sông Cầu, chảy từ Tây sang Đông bao bọc phía Nam huyện là ranh giới giữa Yên Phong với Thị xã Từ Sơn, Tiên Du. Cách đây hơn 2000 năm vào thời An Dương Vương xây thành ốc ở kinh đô Cổ Loa, sông Ngũ Huyện Khê có tên là sông Hoàng Giang là một chi lưu của sông Hồng chảy vào sông Cầu. Về sau do sự bồi lắng của sông Hồng, nên thượng nguồn sông Ngũ Huyện Khê bị vùi lấp tạo nên một hồ lớn gọi là Ao cả vực đê của huyện Đông Anh (Hà Nội) ngày nay. Vì thế không còn là một chi lưu của Sông Hồng mà trở thành con sông tiêu nội địa cho 5 huyện: Yên Lãng, Đông Anh, Từ Sơn, Yên Phong, Tiên Du.

2.3. Sông Cà Lồ:

Bắt nguồn từ huyện Yên Lạc ( Vĩnh Phúc) rồi chảy qua hai huyện Đông Anh, Sóc Sơn (TPHN), chảy qua huyện Yên Phong từ xã Hòa Tiến đến Tam giang rồi đổ vào sông Cầu tạo nên Ngã ba Xà. Ở Ngã ba Xà thuộc địa phận thôn Đoài ( Tam giang ) có đền thờ Trương Hống và Trương Hát, tục gọi là thánh Tam Giang, đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử quốc gia.

2.4. Ao Hồ:

Yên Phong có gần 400ha ao, hồ được phân bố đều ở các làng, xã. Đáng kể nhất có 3 đầm lớn: Đầm Nâu ở thôn Đoài (Tam Giang) được tạo nên bởi trận vỡ đê sông Cà Lồ thế kỷ 19. Đầm Vọng ở thôn Vọng Nguyệt (Tam Giang) được tạo bởi trận vỡ đê Sông Cầu năm 1945. Đầm Phù Yên (Dũng Liệt) được tạo nên bởi trận vỡ đê sông cầu năm 1875. Hồ, ao, đầm ở Yên phong chủ yếu dùng để chứa nước và nuôi cá, mang lại nguồn thực phẩm phục vụ đời sống nhân dân.

3. Khí hậu, thủy văn:

Các yếu tố: Nhiệt độ, độ ẩm không khí, gió bão, lượng mưa, sự bốc hơi nước và số giờ nắng trong năm của Yên Phong nằm trong vùng khí hậu Sông Hồng, có tính nhiệt đới, chia hai mùa nóng lạnh rõ rệt.

3.1. Nhiệt độ:

Nhiệt độ trung bình cả năm của Yên Phong là 23,4 °. Nhiệt độ trung bình mùa nóng là từ 24° – 29 °; Nhiệt độ trung bình mùa lạnh từ 16° – 21°.

3.2. Độ ẩm không khí:

Độ ẩm không khí trung bình trong năm là 83%. Độ ẩm không khí cao nhất vào tháng 4 là 89%,  thấp nhất vào tháng 12 là 77%.

3.3. Gió bão:

Mỗi năm có hai mùa rõ rệt. Mùa lạnh từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau có gió mùa đông bắc thường mang theo giá rét và sương muối. Tốc độ gió trung bình 10m/s. Mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10 có gió Đông Nam, thường mang theo mưa, nên gọi là mùa mưa. Tốc độ gió trung bình từ 20 – 25m/s.

Hàng năm có bão ảnh hưởng đến Yên Phong nhưng ảnh hưởng không lớn.

3.4. Lượng mưa:

Mỗi năm có lượng mưa trung bình từ 1512mm. Tháng có mưa nhiều nhất trong năm là tháng 07 (348,3mm). Tháng có mưa thấp nhất trong năm là tháng 12 (28.1mm).

3.5. Sự bốc hơi nước:

Lượng nước bốc hơi trung bình hàng năm ở Yên Phong là 950mm. Năm có lượng mưa bốc hơi nhiều nhất: 1226mm; Tháng thấp nhất là 856mm. Tháng có lượng mưa bốc hơi lớn nhất trong năm là tháng 07 (109mm); tháng thấp nhất trong năm là tháng 03 (67mm).

3.6. Giờ nắng:

Hàng năm Yên Phong có 1832,9 giờ nắng. Tháng có giờ nắng nhiều nhất là tháng 07 (263,4 giờ). Tháng có giờ nắng ít nhất là tháng 03 (13.6 giờ).

4. Sản vật:

4.1. Thóc gạo: Thóc gạo là sản vật nhiều nhất của huyện.

4.2. Rượu sắn Đại Lâm: Đại Lâm có nghề nấu rượu từ lâu đời.

4.3. Đồ nhôm Văn Môn: Nghề chế biến nhôm ở Văn Môn là nghề mới du nhập từ giữa thế kỉ XX đến nay.

4.4. Cày bừa Đông Xuất: Cày bừa Đông Xuất là sản vật đặc sắc của Yên Phong thời cổ

4.5. Tơ tằm Vọng Nguyệt: Có từ thời Vua Hùng, ngày nay Vọng Nguyệt đã có nghề trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt lụa cung cấp vải mặc cho cả vùng.

4.6. Hàng tre đan Đông Thái: Đông Thái nổi tiếng hàng tre đan với đủ chủng loại: Nong nuôi tằm, nong phơi thuốc lào, thuốc lá, nia sảy thóc, dần, sàng, thúng, quang vặn, đòn gánh mấu liền, đòn gánh xóc, sọt, các cốt con giống hàng mã…, cót đồ cốp pha, cót ép, cót quây thóc, gạo, bồ, rổ, sảo, rế,…

Yên Phong còn có rất nhiều sản vật khác như: Chế biến đồ gỗ mĩ nghệ, gỗ công nghệ, Baba Đông Xuyên, Rắn ở Yên Hậu, gà công nghiệp Yên Phụ, Hòa Tiến, Thị Trấn Chờ, men rượu Như Nguyệt,…

II. HÀNH CHÍNH HUYỆN YÊN PHONG

Trước cách mạng tháng tám năm 1945, các đơn vị hành chính trực thuộc huyện có hai cấp: Cấp tổng và cấp xã. Đây là các đơn vị hành chính huyện Yên Phong thời kì Gia Long ( 1802-1818 ) gồm 6 tổng, 71 xã, thôn, phường, trang, vạn, sở.

Từ tháng 8 năm 1945 dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa, tiếp đó từ 1976, dưới chính thể Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đơn vị hành chính trung gian là cấp tổng đã được bãi bỏ, dưới thôn không còn là trang, vạn, sở. Hiện nay Yên Phong còn 1 thị trấn và 13 xã:

1. Thị trấn Chờ:

Thị trấn Chờ được thành lập theo Nghị định 89 của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/01/1998 trên cơ sở địa bàn dân cư của xã Hàm Sơn, có 5 thôn và 2 khu phố.

2. Xã Tam Giang:

Tháng 9 năm 1948 xã Tam Giang chính thức được thành lập gồm có 5 thôn.

3. Xã Hòa Tiến:

Tháng 10 năm 1956 được thành lập tách ra từ Xã Yên Phụ lấy tên là xã Hòa Tiến gồm có 5 thôn.

4. Xã Yên Phụ:

Đầu thời Nguyễn đến trước cách mạng tháng 8/1945 có tên gọi là An Phụ. Năm 1948 hợp nhất với xã Yên Diên, xã Hợp Tiến, thành lập xã Hòa Bình. Năm 1971 đổi tên Hòa Bình thành xã Yên Phụ gồm có 5 thôn.

5. Xã Trung Nghĩa:

Tháng 9/1948 xã Trung Nghĩa chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất của hai xã Đông Từ và xã Ngô Nội, xã gồm có 5 thôn.

6. Xã Đông Thọ:

Sau cách mạng tháng 8/1945 xã Đông Thọ được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 xã Thọ Khê, Đông Bích, Đông Xuất. Năm 1949 xã Đông Thọ hợp nhất với xã Văn Môn, thành lập xã Đông Môn.

Năm 1954, 2 xã được tách ra thành đơn vị hành chính độc lập, Đông Thọ trở về với tên cũ gồm 7 thôn.

7. Xã Văn Môn:

Năm  1949 Văn Môn họp nhất với Đông Thọ thành lập xã Đông Môn.

Năm 1954 hai xã được tách ra thành hai đơn vị hành chính độc lập, Văn Môn trở về với tên gọi cũ, xã gồm có 5 thôn.

8. Xã Đông Tiến:

Tháng 9/1948 hợp nhất 3 xã Đông Lân, Đông Thái, Đông Xuyên, thành lập xã Đông Tiến gồm 5 thôn.

9. Xã Yên Trung:

Tháng 6/1948 hợp nhất 2 xã Ngũ Phúc và Hiệp Hòa thành lập xã Phúc Hòa. Đến năm 1971 đổi tên thành xã Yên Trung gồm có 9 thôn.

10. Xã Dũng Liệt:

Tháng 3/1947 hợp nhất 2 xã Phù Lương và Mộ Thượng thành lập xã Dũng Liệt gồm 5 thôn.

11. Xã Tam Đa:

Trong thời kỳ lịch sử, xã Tam Đa đã nhiều lần thay đổi tên gọi và tên đơn vị hành chính khác nhau. Năm 1947 các xã Phấn Động, Đại Lâm, Thọ Đức hợp nhất thành xã Tam Đa. Năm 1963 một số hộ dân ở huyện Lý Nhân ( Hà Nam ) lên khai hoang lập ấp ở địa phương lập ra thôn Đức Lý. Năm 1964 thôn Đức Lý thuộc xã Tam Đa, từ đó đến nay xã Tam Đa gồm có 4 thôn.

12. Xã Đông Phong:

Tháng 8/1948  xã Đông Phong được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 xã (Đông Yên và Phong Xá) xã Đông Phong gồm có 4 thôn.

13. Xã Long Châu:

Tháng 8/1948 hợp nhất 2 xã (Đại Mẫn và Long Xá) thành lập xã Long Châu gồm 4 thôn.

14. Xã Thụy Hòa:

Tháng 9/1948 hợp nhất 3 xã (Thiểm xuyên, Lạc Bằng, Đông Sơn ) thành lập xã Thụy Hòa gồm 4 thôn.

III: Danh sách hệ thống chính trị cấp huyện:

1. Huyện ủy:

1.1. Ban tổ chức

1.2. Ban tuyên giáo

1.3. Ủy ban kiểm tra

1.4. Ban dân vận

1.5. Văn phòng

1.6. Trung tâm bồi dưỡng Chính trị

2. Hội đồng nhân dân:

2.1 Thường trực HĐND

2.2 Văn phòng HĐND-UBND

2.3 Ban kinh tế – xã hội

2.4 Ban pháp chế

3. Ủy ban nhân dân: gồm 20 đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc.

(Cơ quan quản lý nhà nước)

3.1. Văn phòng HĐND-UBND

3.2. Phòng Nội vụ

3.3. Phòng Giáo dục& Đào tạo

3.4. Phòng Văn hóa & Thông tin

3.5. Phòng Tài chính – Kế hoạch

3.6. Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn

3.7. Phòng Kinh tế và Hạ tầng

3.8. Phòng Lao động, thương binh & Xã hội

3.9. Phòng Y Tế

3.10. Phòng Tư pháp

3.11. Phòng Tài nguyên & Môi trường

3.12. Thanh tra

(Các đơn vị sự nghiệp và tổ chức hội)

–         Đài phát thanh

–         Trung tâm Văn hóa-Thể thao

–         Trung tâm dạy nghề

–         Trạm khuyến nông

–         Ban quản lý các khu công nghiệp

–         Ban quản lý các dự án xây dựng

–         Hội người mù

–         Hội chữ thập đỏ

4.     Khối dân vận:

4.1.          Mặt trận tổ quốc

4.2.          Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

4.3.          Hội liên hiệp phụ nữ

4.4.          Hội nông dân

4.5.          Liên đoàn lao động

4.6.          Hội cựu chiến binh

5.     Các đơn vị ngành dọc đóng trên địa bàn huyện:

5.1.          Chi cục thuế

5.2.          Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn

5.3.          Công an huyện

5.4.          Viện kiểm sát nhân dân

5.5.          Tòa án nhân dân

5.6.          Chi cục thi hành án dân sự

5.7.          Ban chỉ huy quân sự

5.8.          Bệnh viện đa khoa

5.9.          Trung tâm y tế dự phòng

5.10.      Chi cục thống kê

5.11.      Trạm thú y

5.12.      Trạm bảo vệ thực vật

5.13.      Cửa hàng lương thực

5.14.      Công ty xuất nhập khẩu

5.15.      Kho bạc nhà nước

5.16.      Bảo hiểm xã hội

5.17.      Đội quản lý thị trường số 3

5.18.      Công ty khai thác công trình thủy lợi

5.19.      Ban quản lý bến phà

5.20.      Trung tâm Dân số – KHH gia đình

5.21.      Ngân hàng chính sách xã hội

5.22.      Điện lực Yên Phong

5.23.      Bưu điện Yên Phong

5.24.      Trung tâm Viễn thông

5.25.      Hạt giao thông

5.26.      Cửa hàng dược

5.27.      Cửa hàng vật tư nông nghiệp.

B. TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ VĂN HÓA:

Yên Phong là miền quê vốn có truyền thống thượng võ và lòng yêu nước nồng nàn, các thế hệ người dân Yên Phong luôn có tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia đóng góp vào công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc.

Thời kỳ đầu Công nguyên, nhà Hán xâm lược cai trị nước ta, vùng Yên Phong thuộc quận Long Biên (quận Giao Chỉ). Năm 43 nhân dân trong vùng đã nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng, đánh đuổi giặc Tô Định, giải phóng Long Biên.

Mùa xuân 542, nhân dân Yên Phong hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Lý Bí đánh đuổi giặc Lương, Lý Bí lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, đóng ở Long Biên, câu truyện còn được lưu truyền qua hình ảnh người con gái quê hương Hứa Trinh Hòa, đã từng theo giúp Lý Bí đánh giặc dựng nước.

Thế kỷ thứ XI nơi đây đã trở thành trung tâm diễn ra cuộc kháng chiến chống Tống, dưới sự chỉ huy của người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt, nhân dân Yên Phong đã đóng góp lực lượng dân binh lớn tham gia cuộc kháng chiến, cùng nhân dân cả nước đánh tan 30 vạn quân xâm lược nhà Tống, xây dựng một quốc gia “Đại Việt” độc lập tự cường, đất nước bước vào một thời kỳ phát triển thịnh vượng về kinh tế, xã hội, thương mại.

Năm 1285, giặc Nguyên hung hãn mở cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai. Với lá cờ thêu 6 chữ vàng, “Phá cường địch, báo hoàng ân” dưới sự chỉ huy của Trần Quốc Toản trong hào khí “Sát Thát” (giết giặc Nguyên) khắp vùng quê Yên Phong, nhân dân hưởng ứng góp công, sức cùng quân đội nhà Trần đánh giặc. Phạm Ngộ từng làm tham tán quân vụ, có công giúp Hưng Đạo Vương đánh giặc Nguyên, được vua thưởng nhiều ruộng đất cho cả một vùng Đông Lâu.

Thời Pháp thuộc Yên Phong là địa bàn hoạt động của nghĩa quân Yên Thế, nhiều thanh niên các xã Đông tiến, Tam Giang, Hàm Sơn ( nay là Thị trấn Chờ), Trung Nghĩa, Yên Phụ, Dũng Liệt,…tham gia nghĩa quân, trực tiếp cầm gươm, súng giết giặc. Rừng Đông Xuyên có địa thế hiểm yếu là nơi cất dấu quân của nghĩa quân.

Trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Yên Phong là địa bàn sớm có tổ chức tiền thân của Đảng và phong trào quần chúng mạnh mẽ, từ những năm 1928, chi hội Việt Nam thanh niên cách mạng đã được thành lập và có nhiều hoạt động phong phú như: Hình thức giao lưu quan họ, rải truyền đơn, kêu gọi bãi khóa, bãi thị, đòi ngày làm việc 8 giờ, ủng hộ nước Nga, kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga.

Trong phong trào Cách Mạng tháng Tám năm 1945, đội thanh niên cứu quốc được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng tham gia tích cực vào cuộc khởi nghĩa giành chính quyền của huyện Yên Phong ngày 18/8, cướp đồn điền Vũ Văn An ngày 19/8, giành chính quyền tỉnh Bắc Ninh ngày 20/08/1945.

9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Yên Phong không quản ngại hi sinh gian khổ, đóng góp sức người, sức của hưởng ứng các  phong trào thi đua yêu nước như “ Tuần lễ ủng hộ kháng chiến”, “Mùa đông binh sĩ”, “Hũ gạo kháng chiến”… hàng ngàn người được huy động tham gia thanh niên xung phong dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch, đào 5.050m2 đất hào, đắp 4.600m3 đất ụ để ngăn cản bước tiến của xe địch. Tổng kết cuộc kháng chiến có 901 thanh niên tham gia nhập ngũ; 214 liệt sĩ; bộ đội, du kích, huyện đã đánh 237 trận, phá 13 ban tề phản động, đánh bại hàng trăm cuộc càn quét lớn nhỏ của địch; diệt 685 tên địch, làm bị thương 204 tên, bắt sống 61 tên, bức hàng 146 tên, thu 189 súng trường, 46 tiểu liên, 50 trung  liên và đại liên, 02 đại bác và hàng trăm tấn quân trang, quân dụng; được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng nhì.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, toàn huyện có 6.697 người tham gia nhập ngũ, 1013 liệt sĩ, 384 thương bệnh binh, 1.539 gia đình được cấp bằng danh dự có công với nước, 7945 người được tặng thưởng Huân, Huy chương cứu nước, 10 Huân chương Lao động kháng chiến các hạng, 784 Huân chương chiến công Giải phóng, 6 Huân chương Chiến công, 34 mẹ Việt Nam Anh hùng, 1 Anh hùng lực lượng vũ trang Đào Xuân Tiến.

Tổng kết 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, một chặng đường đầy khó khăn, gian khổ, mất mát hi sinh, nhân dân Yên Phong  luôn tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, vượt qua mọi thử thách đóng góp sức người, sức của cùng nhân dân cả nước mở ra một trang sử mới huy hoàng của dân tộc, cả nước đi lên CNXH, Yên Phong được đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Cùng với truyền thống đấu tranh yêu nước, miền quê Yên Phong còn là nơi có 73 di tích lịch sử, văn hóa với những sự tích, truyền thuyết dân gian khá đặc sắc và hấp dẫn.

Thông qua truyền thuyết phản ánh những nét đẹp trong lao động sản xuất có sự tích Bà Chúa Chóa, Bà Chúa Sành dạy dân trồng rau nuôi tằm, dệt vải, làm đồ gốm; Sự tích về nàng Nhũ Hương, đức tài nhân ( ở Phong Xá ), bà Thí Thóc ( ở Vọng Nguyệt ) với đức tính cần cù, nhân hậu để tiếng thơm cho đời. Sự tích miêu tả những nỗ lực của nhân dân ta trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước, chống thiên tai như: Truyền thuyết về Quý Minh đại vương ( ở Hàm Sơn ), ba vị tướng người Đại Lâm giúp vua Hùng đánh giặc, chuyện An Dương Vương đắp thành Cổ Loa và Bạch Kê Tinh ở Yên Phụ. Chuyện Đức Thánh Tam Giang hiển linh  với bài thơ “Nam quốc sơn hà” đánh Tống ở Đền Xà, chuyện Nguyễn Hữu Nghiêm ( Thọ Khê ) vâng lệnh vua cầu đảo ở đền Hàm Sơn (nay là Thị trấn Chờ)… cùng với nhiều sự tích về địa danh như: “Chợ Chờ”, “Đò Lo”, “ Bến Gầm”, “Làng Lẫm”, “Đồng Xác”, “ Thất Diệu Sơn”, “ Sông Thiếp”.

Nhiều làng xã còn lưu giữ được những ngôi đình, chùa, khá đặc sắc như:, đình Ngô Nội, đình Quan Đình, là những công trình kiến trúc khá độc đáo, với những bức chạm khắc có giá trị nghệ thuật cao.

Chùa Khai Nghiêm Vọng Nguyệt do công chúa Nguyệt Sinh nhà Lý xây dựng năm Khai Hựu 5 (1333) đời Trần Hiến Tông, có sông núi bao quanh là nơi thắng cảnh nổi tiếng thời xưa. Được Hàn Lâm học sĩ Trương Hán Siêu có bài văn bia “Khai Nghiêm Tự”.

Đền Tam Giang: thờ Uy địch đại vương, Vương Húy Hát, em trai Trương Hống. Nằm trên ngã ba sông Nguyệt Đức là ngôi đền thiêng bậc nhất có tới 270 làng quê thờ phụng.

Đền Hàm Sơn thờ Quý Minh thần là con vua Lạc Long Quân khi chết hiển linh ở đây; được dân lập đền thờ luôn được linh ứng “ Cầu Đảo”.

Thời Đinh Tiên Hoàng cầu đảo, đền được ứng nghiệm, nên ban cho câu đối rằng: Vũ lai giang thượng nhân cơ trục/ Nguyệt chiếu hò tâm hiện kính đài; nghĩa là: Mưa rơi trên sông, có nhàn xoay chiếu/ Trăng chiếu lòng hồ, hiện đài gương.

Hiện nay Yên Phong còn có 72 ngôi đình, 72 ngôi chùa, 17 từ đường, 4 miếu, 1 điếm, 73 di tích đã được nhà nước xếp hạng, trong đó: Di tích cấp quốc gia có 37, di tích cấp tỉnh có 36, trong 73 di tích có 34 di tích lịch sử, 39 di tích văn hóa nghệ thuật.

Cùng với việc điều tra khảo sát của Viện Hán Nôm năm 1991, Yên Phong còn phát hiện 303 tư liệu văn bia, 22 quả chuông, 241 câu đối, 317 bức hoành phi và nhiều tư liệu chép tay bằng chữ Hán, chữ Nôm. Đây là mảng tư liệu khá phong phú giúp cho việc khảo cứu đầy đủ hơn về các mặt đời sống văn hóa xã hội của huyện.

Mỗi độ tết đến xuân về, Yên Phong còn là miền quê của lễ hội với 65 lễ hội hiện có, trong đó 64 lễ hội dân gian, 1 lễ hội lịch sử: Lễ hội dân gian thường được tổ chức diễn ra xuân thu nhị kỳ mỗi năm mỗi năm 1 lần hoặc có nơi 1 năm 3 lần có rước sắc, văn tế thần và các trò chơi dân gian như vật, chọi gà, cờ người, bơi chải trên sông Cầu: lễ hội lịch sử chiến thắng Như Nguyệt được tạo dựng sau kỷ niệm 920 năm chiến thắng quân xâm lược nhà Tống ( 1077-1997) thời gian lấy ngày 18/2 Âm lịch hàng năm là ngày lễ chính, 5 năm tổ chức 1 lần mô phỏng hình tượng Lý Thường Kiệt đánh Tống và Hội bơi chải trên sông Cầu.

Vốn sinh ra từ vùng đất sông nước bao quanh, người dân Yên Phong luôn quan tâm đến việc phát triển kinh tế, lấy nông nghiệp làm nghề sản xuất chính, ngoài việc chăn nuôi, trồng trọt còn nghề phụ khác như: Trồng dâu nuôi tằm, dệt vải ra đời từ rất sớm và phát triển rộng rãi ở Vọng Nguyệt (Tam Giang), Chân Lạc (Dũng Liệt)… nghề tre đan ở Đông Xuyên, Đông Thái; nghề cày bừa ở Đông Xuất, đúc mũi cày ở Phú Mẫn, dệt vải trắng ở Yên Phụ, nấu rượu ở Quan Đình, Đại Lâm. Ép dầu ở Phương La, mì gạo ở Đại Lâm(Tam Đa), Cầu Gạo (Yên Phụ)… Đặc biệt hơn 25 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nền kinh tế có bước chuyển biến rõ rệt. Tính đến năm 2010, tổng sản phẩm trên địa huyện đạt 1023,5 tỷ đồng: Khu vực nông nghiệp đạt 366 tỷ đồng, công nghiệp xây dựng 1.616 tỷ đồng, khu vực dịch vụ 326 tỷ đồng; giá trị thu được trên 1ha canh tác đạt 70 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 16,9 triệu đồng.

Toàn huyện số máy điện thoai thuê bao cố định 18.700 cái, bình quân đạt 14,8 máy/100 dân

Hệ thống giao thông khá thuận tiện cho việc giao thương, tiếp xúc kinh tế, văn hóa với các nơi trong ngoài nước và khu vực. Phía Bắc huyện lỵ có đường quốc lộ 18 chạy dọc theo hướng Đông – Tây dài 9km đi từ Quảng Ninh về Hà Nội, qua địa bàn các xã trong huyện là: Hòa Tiến, Thị trấn Chờ, Đông Tiến, Yên Trung, Long Châu, Đông Phong.

Phía Tây có đường quốc lộ 3 theo hướng Bắc Nam dài khoảng 5km nối liền Hà Nội – Thái Nguyên chạy qua các xã Văn Môn, Đông Thọ, Hòa Tiến, Tam Giang. Huyện có tổng chiều dài 10km, nằm trên 3 nút giao thông quốc lộ 18 và quốc lộ 3 là điểm của Thị trấn Chờ, Đông Phong, Hòa Tiến.

Song song với quốc lộ 18 còn có đường tỉnh lộ 286, theo hướng (Đông – Tây) Bắc Ninh nối với Đa Phúc, Phủ Lỗ dài 10km đi qua các xã Hòa Tiến, Yên Phụ, Thị trấn Chờ, Trung Nghĩa, Long Châu, Đông Phong. Theo hướng (Bắc – Nam) có đường tỉnh lộ (295) ngược đường phía Bắc có thể đi phố Thắng, Hiệp Hòa, xuôi đường phía Nam đi Từ Sơn – Hà Nội dài 8km qua các xã Đông Tiến, Thị trấn Chờ, Đông Thọ; theo hướng Bắc và Tây Nam có đường tỉnh lộ 271 từ bến Như Nguyệt đi cầu Tó dài 9km qua các xã: Tam Giang, Thị trấn Chờ, Văn Môn.

Đường thủy có sông Cầu bao phía Bắc; Sông Cà Lồ bao phía Tây, có tổng chiều dài 26km, chảy qua các xã: Hòa Tiến, Tam Giang, Đông Tiến, Yên Trung, Dũng Liệt, Tam Đa. Sông Ngũ Huyện Khê bao phía Nam và Đông Nam hợp lưu với sông Cầu chảy qua các xã: Đông Phong, Long Châu, Trung Nghĩa, Đông Thọ, Văn Môn. Cùng với tổng số 56km đường huyện, 64,5km đường liên xã, 220km đường bê tông thôn xóm, rất thuận lợi cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa và sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Kể từ khi được khai danh thành lập huyện, trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, vốn là vùng đất cổ xinh đẹp giàu có tiềm năng, người dân trung hậu và chất phác, làng xã Yên Phong không ngừng được củng cố, liên kết chặt chẽ bền vững, đã trở thành pháo đài đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ giữ làng, tạo nên sức mạnh cộng đồng dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh về vật chất, tiên tiến đậm đà về bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.

Đất nền Long Châu Riverside Bắc Ninh

Dự án đất nền Long Châu Riverside do Công ty Cổ phần Trường Thịnh TTP làm chủ đầu tư. Công ty Cổ phần Trường Thịnh TTP được thành lập vào ngày…

Dự án Korea Town Yên Phong

Korea Town Yên Phong tọa lạc tại xã Yên Trung và xã Thụy Hòa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Dự án nằm liền kề với Tổ hợp dự án Cát…

Dự án An Bình Golden Town Yên Phong

An Bình Golden Town Yên Phong được xây dựng trên quỹ đất rộng 6,6ha nằm tại xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Chủ đầu tư dự án…

Khu công nghiệp Yên Phong – Bắc Ninh

Khu công nghiệp Yên Phong - Bắc Ninh Huyện Yên Phong, Tỉnh Bắc Ninh Giá từ: Đang cập nhật Chủ đầu tư: Tổng Công ty Viglacera Diện tích: 6.652.000 m²…

Khu đô thị Viglacera Yên Phong, Bắc Ninh

Viglacera Yên Phong Đường 18, Xã Đông Tiến, Yên Phong, Bắc Ninh Giá từ:20 triệu/m² Chủ đầu tư:Tổng Công ty Viglacera Diện tích:98.000 m² Tiến độ:Đang mở bán Khu đô…

Dự án Cát Tường Smart City Yên Phong

Cát Tường Smart City Xã Thụy Hòa, Yên Phong, Bắc Ninh Giá từ:Đang cập nhật Chủ đầu tư:Đang cập nhật Diện tích:Đang cập nhật Tiến độ:Đang cập nhật Được xây…

Khu đô thị mới Yên Trung

Khu đô thị mới Yên Trung Xã Thụy Hòa, Yên Phong, Bắc Ninh Giá từ:11.8 triệu/m² Chủ đầu tư: Đang cập nhật Diện tích: 141.000 m² Tiến độ: Đang thi…

Khu đô thị mới Hải Quân Tam Giang

Khu đô thị mới Hải Quân Tam Giang Xã Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh Giá từ:12 triệu/m² Chủ đầu tư:Đang cập nhật Diện tích:Đang cập nhật Tiến độ:Đang cập…

Khu đô thị mới Yên Phong City

Khu đô thị mới Yên Phong City nằm tại thôn Trung Lạc, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Dự án là sự kết hợp giữa mô hình nhà…

Khu đô thị Tam Đa New Center

Thông tin tổng quan dự án Khu đô thị Tam Đa New Center Tam Đa New Center là một trong số ít những khu đô thị kiểu mẫu tại Yên Phong, Bắc…

Dũng Liệt Green City

Khu đô thị Dũng Liệt Green City được đầu tư bởi Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Xây dựng Khu đô thị với quy mô 8.5ha tại Yên Phong, Bắc…

Khu đô thị QCL Yên Phong

Thông tin tổng quan dự án Khu đô thị QCL Yên Phong Khu đô thị QLC Yên Phong do Công ty Cổ phần Trường Thịnh TTP làm chủ đầu tư, triển…