[ad_1]

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Dự án “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê” đã được Chính phủ trình Quốc hội, dự kiến được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV…

“Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê” bổ sung thêm loạt chỉ tiêu về công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh và tăng trưởng bao trùm…
“Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê” bổ sung thêm loạt chỉ tiêu về công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh và tăng trưởng bao trùm…

Tại Hội thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và phụ lục, danh mục chi tiêu thống kê quốc gia ngày 9/11, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, việc thông qua dự án Luật này tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho việc thu thập, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời tình hình kinh tế – xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030 phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Luật Thống kê số 89/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016. Sau 5 năm triển khai, Luật Thống kê 2016 đã không còn phù hợp với thời điểm hiện tại.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 9/2021, Chính phủ trình Quốc hội dự án “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê” với phạm vi điều chỉnh mở rộng.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ ban hành nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu GDP, chỉ tiêu GRDP; Hướng dẫn, kiểm tra tình hình và báo cáo kết quả thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; Định kỳ 5 năm rà soát quy mô GDP báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô GDP…

Thay thế Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia bằng Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật này.  Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia, Dự án Luật quy định 21 nhóm với 230 chỉ tiêu.

Sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê phù hợp với giai đoạn mới - Ảnh 1

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, so với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13, danh mục chỉ tiêu thống kê lần này có một số thay đổi.

Trong đó, về nhóm chỉ tiêu: tăng 1 nhóm chỉ tiêu (nhóm “Trật tự, an toàn xã hội và tư pháp” tách thành 2 nhóm: “Trật tự, an toàn xã hội” và “Tư pháp”. Sửa tên 3 nhóm chỉ tiêu, cụ thể: Nhóm “7. Tiền tệ và bảo hiểm” sửa tên thành “7. Tiền tệ, bảo hiểm và chứng khoán”. Nhóm “11. Giá cả” sửa tên thành “11. Chỉ số giá”. Nhóm “13. Công nghệ thông tin và truyền thông” sửa tên thành “13. Công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông và truyền thông”.

Về chỉ tiêu, ngành Thống kê sẽ giữ nguyên 128 chỉ tiêu; sửa tên 44 chỉ tiêu; bổ sung 58 chỉ tiêu và bỏ 14 chỉ tiêu…

Đáng chú ý, danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia tại Dự án Luật đã cập nhật, phản ánh, đánh giá một số chính sách pháp luật, mục tiêu đường lối đổi mới trong thời gian gần đây. Trong đó, 19 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

17 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030; 52 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nội dung về phát triển bền vững; 22 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các nhóm chuyển đổi số, kinh tế số; 12 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá thực hiện nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; 26 chỉ tiêu thống kê phản ánh, giám sát, đánh giá về giới và bình đẳng giới… Đặc biệt là bổ sung thêm loạt chỉ tiêu về công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh và tăng trưởng bao trùm…

“Điều này nhằm đảm bảo công tác thống kê phù hợp với xu thế phát triển mới của Việt Nam trong giai đoạn tới”, ông Tiến nhấn mạnh.

[ad_2]