[ad_1]

Sự tức giận có thể dập tắt những ý tưởng vĩ đại

Tất cả chúng ta đều muốn có một trí tuệ minh mẫn và sự trầm tĩnh, nhưng đáng tiếc, hiện thực cuộc sống với trăm ngàn thứ tiêu cực dễ dàng biến chúng ta thành những người dễ nổi nóng. Giận dữ là một cảm xúc khi một cái gì đó nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta hoặc cảm thấy không công bằng, khi chúng ta không thể đạt được mục tiêu hoặc khi bị tổn thương hay bị đe dọa.

Tức giận là một thứ tập khí thuộc căn bản phiền não lâu đời. Nó là một trong ba thứ có gốc rễ sâu xa trải qua từ vô lượng kiếp. Nó thuộc loại câu sinh hay bản hữu chủng tử. Khi có mặt ta là đã có mặt nó. Ba thứ đó là: “Tham, Sân, Si”. Trong kinh sách thường gọi ba thứ này là “Tam độc”.

Trong giới võ thuật có câu nói rằng: “Luyện quyền bất luyện công, đáo lão nhất tràng không”. Nghĩa là, luyện quyền mà không tu dưỡng nội tâm thì dù có luyện đến già vẫn chỉ là uổng công vô ích. 

Nóng giận là một cơ chế phản xạ của con người khi đứng trước một sự việc không như ý. Tuy nhiên việc tức giận quá mức sẽ dẫn đến ức chế tinh thần, khi không kiểm soát được ắt sẽ bộc phát gây ra những hành động sai trái.

Nóng giận cũng là một trạng thái xúc cảm rất phổ biến của con người. Nó là một loại xúc cảm tiêu cực, không lành mạnh và là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề rắc rối khác. Sự tức giận có thể biểu hiện dưới những mức độ khác nhau, từ sự bực mình đến tức giận điên cuồng và nổi cơn thịnh nộ. 

Chỉ khi nào chúng ta có một tâm hồn thuần tịnh, một tâm thái hòa ái, bao dung rộng lượng, lúc đó ta mới có thể có được trí huệ của mình, có được sự rộng mở của tấm lòng, đạt được kết quả cao nhất của cuộc đời. Khi đó chúng ta có thể thấy, người đại trí đại huệ chính là người đối với vạn sự vạn vật đều không oán hận, có thể xả bỏ mọi bực bội, kiểm soát cảm xúc một cách lý trí.

Cổ nhân dạy rằng: “Không dễ nổi giận là người thông minh, đại trí. Tâm tính nóng giận chính là người ngu muội.” Con người có kiến thức sẽ không dễ oán giận, khoan dung cho người chính là khoan dung cho mình. Nếu như một người có thể thông qua tu dưỡng bản thân, trừ bỏ triệt để tâm oán giận, đây mới là người tài giỏi chân chính nhất.

Phật gia có câu: “Kẻ thù lớn nhất của đời mình chính là bản thân mình”, nguyên nhân chính bởi thế giới nội tâm của con người chính là nơi khó chinh phục nhất, bao gồm cả tính khí của chúng ta.

Như những loại xúc cảm khác, sự tức giận thường kéo theo những thay đổi về sinh lý ở trong cơ thể con người. Khi bạn tức giận thì tim của bạn sẽ đập nhanh hơn, huyết áp tăng lên, thở nhanh, căng cơ và các hoóc-môn như là adrenaline và noradrenaline cũng tiết ra nhiều hơn. 

Đức Phật dạy rằng, cần phải học cách nhận diện và chuyển hóa cơn giận, khi giận, không nên đè nén trong lòng mà nên nói ra: “Ta nên bày tỏ nỗi khổ của ta một cách rất chân tình và thật thà với người mà ta đang giận, có như thế mới có cách giải quyết vấn đề.”

Tức giận xuất phát từ tâm, do vậy muốn không bị tức giận cũng phải xuất phát từ tâm, phải dưỡng tâm. Không tức giận không có nghĩa là phải là kìm nén cơn giận trong tâm, mà là cần xả bỏ chúng từ căn nguyên gốc rễ. Vì dù nguyên nhân khiến bạn tức giận thuộc về ai thì nóng giận chỉ làm nó phức tạp thêm.

Chúng ta nên lấy lòng từ bi và tính ôn hoà để ức chế phẫn nộ. Đồng thời ta còn phải thận trọng lời nói, giữ gìn ngôn ngữ cho nhẹ nhàng, đúng đắn và không bao giờ nên nói ra những lời nặng nề thô lỗ làm tổn thương người khác.

Đừng vì mất bình tĩnh mà nói cho hả cơn giận, đừng dùng những lời lẽ cay độc để hạ thủ đối phương, như vậy chỉ càng khiến cho vấn đề trở nên xấu hơn, nếu mọi chuyện bi ai dẫn đến thù hận lớn hơn, thì chúng ta sao có thể là người hạnh phúc?

Để ức chế cơn nóng giận tốt nhất, chúng ta sẽ dùng tình thương và lòng bao dung để đáp lại mọi trường hợp mà mọi người đều cho là đáng giận, trong những lúc tranh giành phải trái hơn thua. Hãy luôn nhớ rằng, dứt bỏ được nóng giận, không tranh hơn thua thắng bại, cuộc đời sẽ tự nhiên thanh thản và dễ chịu hơn nhiều. 

Xưa nay các bậc tu hành đắc Đạo đều khuyên nhủ con người nên tu tâm dưỡng tính, mở rộng tấm lòng thì đường đi sẽ  thênh thang, sẵn sàng bao dung, sẵn sàng tha thứ cho bất kỳ sự việc gì. Làm được như vậy thì mọi ức chế cảm xúc ắt không còn chỗ đứng trong tâm chúng ta và thân thể cũng theo đó mà tự nhiên tự tại.

Hằng Tâm biên tập

[ad_2]