[ad_1]

Sự khác biệt giữa tình yêu và hôn nhân là gì?

“Sự khác biệt giữa tình yêu và hôn nhân là gì?” Nhiều người từng đặt câu hỏi này, nhưng không phải ai cũng có câu trả lời chính xác cho riêng mình.

Trên mạng xã hội hỏi đáp Zhihu của Trung Quốc gần đây có một cuộc thảo luận về chủ đề “Sự khác biệt giữa tình yêu và hôn nhân”. Trong số này, câu trả lời của một người đàn ông 80 tuổi được hưởng ứng nhiệt tình nhất.

“Nhiều bạn trẻ hỏi tôi: Tình yêu là gì? Theo tôi, chúng ta chỉ có thể mượn câu trả lời của Plato, triết gia người Hy Lạp”, người đàn ông họ Vương kể.

Một ngày, Plato hỏi cô giáo: “Thưa cô, tình yêu là gì? Làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy nó?”. Cô giáo trả lời: “Trước mặt chúng ta là cánh đồng lúa mì. Em hãy đi đến đó và hái bông lúa mì vàng nhất, mang về đây cô sẽ giải thích cho em”. Plato tiến về phía trước và mò mẫm trong cánh đồng lúa một lúc lâu. Tuy vậy khi trở về, ông vẫn tay trắng. Cô giáo hỏi: “Tại sao em không hái được bông lúa nào?” Cậu học sinh trả lời: “Em đã tìm thấy bông lúa mỳ vàng nhất nhưng em không biết liệu có bông nào vàng hơn phía trước hay không, vì em mới đi được một phần cánh đồng. Bởi thế em đã không hái nó”.

Cô giáo lúc này mỉm cười nói: “Đây chính là tình yêu”.

“Vì không biết phía trước có lựa chọn nào tốt hơn nên chúng ta đã không hạ quyết tâm, dẫn đến việc bỏ lỡ “mối tình đẹp nhất” của mình. Theo cách này, tình yêu là thứ không thể đạt được, nó giống như một lý tưởng hơn, em sẽ bỏ lỡ nó nếu không cẩn thận”, cô giáo nói thêm.

Một ngày khác, Plato hỏi cô giáo: “Hôn nhân là gì? Làm thế nào chúng ta có thể tìm thấy nó?. Cô giáo trả lời: “Trước mặt em có một khu rừng. Em hãy đến đó chặt một cây cao và tươi nhất. Em sẽ biết hôn nhân là gì”.

Plato đi về phía trước, một lúc sau, ông chặt một cái cây và quay trở lại. Cây này không tươi cũng chẳng cao, chỉ là một cái cây bình thường. Cô giáo hỏi: “Tại sao em lại chọn cây này?” Plato trả lời: “Như lần trước, em cẩn trọng tìm khắp nơi rồi nhưng nửa ngày vẫn trắng tay. Em nhìn thấy cây này giữa đường và nghĩ nó cũng không quá tệ, vì vậy đã chặt nó mang về”.

Cô giáo nói: “Đây chính là hôn nhân. Hôn nhân thường đến sau tình yêu. Sau khi một người đã bỏ lỡ tình yêu lý tưởng đời mình, họ sẽ lo lắng đến được và mất. Do đó khi gặp được người tự đánh giá là thích hợp, dù có bình thường thế nào thì họ cũng thấy mãn nguyện. Tư tưởng này thường là bước khởi đầu cho một cuộc hôn nhân”.

Câu chuyện của Plato nói lên một thực tế: Trong mắt nhiều người, tình yêu thường lý tưởng, còn hôn nhân rất thực tế. Mọi người thường có tâm lý tìm một người không quá lý tưởng nhưng phù hợp để tiến tới hôn nhân.

Những cá nhân có hôn nhân hạnh phúc đều biết hy sinh bản thân, chịu đựng và thậm chí bỏ qua cái tôi cá nhân vì cái chung. Bởi điều lớn lao nhất mà họ muốn là được ở bên cạnh người đã từng cùng họ bước lên lễ đường trong tiếng chúc phúc.

Trong hành trình của tình yêu, có hai gợi ý để duy trì sự thân mật:

Tích cực giao tiếp

Khi xảy ra xung đột, hãy tích cực giao tiếp thay vì lựa chọn im lặng. Cần bày tỏ mong muốn của bản thân rõ ràng, đồng thời lắng nghe ý kiến của đối phương để tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề.

Cùng nhau làm việc nhà

Một cuộc hôn nhân lâu dài có vẻ như không chỉ dựa trên tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau mà còn có sự tham gia của cả vợ và chồng vào việc nhà.

Một nghiên cứu gần đây tiến hành trên 160 cặp vợ chồng trong độ tuổi từ 25 đến 30, có ít nhất một con dưới 5 tuổi đã phát hiện gia đình hạnh phúc là gia đình có người đàn ông tham gia vào công việc nhà. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Family Issues. Giáo sư Adam Galovan, Đại học Missouri (Mỹ) – chủ trì nhóm nghiên cứu cho biết, không nhất thiết phải chia đều việc nhà mà các cặp vợ chồng hãy làm điều đó cùng nhau.

Chuyên gia này nói: “Chia sẻ có thể nghĩa là làm một cái gì đó nhiều lần với nhau. Đó là lần lượt chia nhau thay tã lót cho con hoặc người này trông trẻ, trong khi người kia chuẩn bị bữa tối”. Hôn nhân sẽ hạnh phúc hơn khi người vợ cảm nhận được ông chồng gần gũi với những đứa trẻ.

Nguồn: Alobuowang

Xem thêm

[ad_2]