[ad_1]

Dự kiến khi dự thảo báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước được thông qua, Bộ Tài chính tính toán thời gian trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước được rút ngắn khoảng 6 tháng so với quy định hiện hành…

Để triển khai thành công lộ trình này, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải tăng tính chủ động và tự chịu trách nhiệm.
Để triển khai thành công lộ trình này, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải tăng tính chủ động và tự chịu trách nhiệm.

Bộ Tài chính cho biết vừa qua đã xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương về dự thảo báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước. Trên cơ sở dự thảo, các bộ, ngành cơ quan trung ương đã đóng góp ý kiến để Bộ Tài chính hoàn thiện trình Chính phủ trong thời gian tới.

QUY TRÌNH CHỒNG CHÉO, TỐN THỜI GIAN, CHƯA ĐẠT HIỆU QUẢ CAO

Báo cáo từ Kho bạc Nhà nước cho thấy sau 7 năm thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước đã có nhiều kết quả tích cực.

Theo đó, trên cơ sở báo cáo quyết toán của các tỉnh, thành phố được hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn và thẩm định, Kho bạc Nhà nước tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước trình Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội theo đúng trình tự, thời hạn quy định và được các đại biểu Quốc hội nhất trí thông qua với tỷ lệ tán thành cao trên 90%, góp phần giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính – ngân sách của quốc gia.

Tuy nhiên, thực tế việc lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hiện nay vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước chung của cả nước.

Cụ thể, “mô hình quản lý ngân sách của Việt Nam hiện nay là mô hình lồng ghép, quy trình tổng hợp, lập báo cáo phức tạp, được thực hiện ở nhiều cấp ngân sách. Đồng thời, quy trình xét duyệt, thẩm định quyết toán còn chồng chéo, chưa hiệu quả, chưa đề cao trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách”, Bộ Tài chính nêu rõ bất cập.

Cũng theo Bộ Tài chính, đối với quyết toán ngân sách trung ương, một số bộ, cơ quan trung ương có cơ cấu tổ chức gồm nhiều cấp dự toán và có nhiều đơn vị trực thuộc ở các tỉnh, thành phố khác nhau, vì vậy, rất khó đảm bảo thời hạn nộp báo cáo quyết toán gửi Bộ Tài chính trước ngày 1/10 năm sau theo quy định.

Đối với quyết toán ngân sách địa phương, ở mỗi cấp ngân sách, hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách cấp mình và phê duyệt lại quyết toán của ngân sách cấp dưới đã được hội đồng nhân dân cấp dưới phê chuẩn. “Điều này dẫn đến quy trình tổng hợp quyết toán ngân sách địa phương mất nhiều thời gian và chưa đạt hiệu quả cao”, Bộ Tài chính khẳng định.

Hơn nữa, vẫn còn tình trạng một số đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực và thời gian cho công tác tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước, dẫn đến chất lượng, hiệu quả công tác quyết toán tại một số đơn vị rất hạn chế.

Đáng chú ý, một số bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Tài chính báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời hạn quy định; mẫu biểu không đúng quy định; số liệu chưa chính xác, phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhiều lần…

NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG DỰ THẢO

Từ những bất cập trong quá trình lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm, tại Nghị quyết số 53/2022/QH15 ngày 15/6/2022 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương báo cáo Quốc hội lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm theo Nghị quyết số 22/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội để tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước.

Vừa qua, Bộ Tài chính xây dựng và lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, địa phương về dự thảo báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước; lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước được xây dựng theo hướng.

Theo đó, dự thảo được xây dựng theo hướng tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác tổng hợp, lập báo cáo quyết toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách các cấp; tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị đối với công tác quyết toán ngân sách nhà nước.

Đồng thời, cơ quan tài chính các cấp thực hiện kiểm tra, rà soát số liệu quyết toán ngân sách nhà nước, không thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước.

Cụ thể, đối với quyết toán ngân sách địa phương, tại mỗi cấp ngân sách, hội đồng nhân dân họp để xem xét, phê duyệt quyết toán của ngân sách cấp tương ứng, không phê duyệt lại quyết toán của ngân sách cấp dưới đã được hội đồng nhân dân cấp dưới phê duyệt.

Quốc hội chỉ xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách trung ương và không phê duyệt lại quyết toán ngân sách địa phương đã được hội đồng nhân dân các cấp phê duyệt.

Bộ Tài chính cũng đề xuất cơ quan tài chính các cấp không thẩm định quyết toán ngân sách nhằm giảm sự chồng chéo của các cấp trong việc thẩm định quyết toán và tăng cường trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách.

Theo đó, Bộ Tài chính không thẩm định quyết toán của các bộ, cơ quan trung ương. Trường hợp đơn vị dự toán cấp I đồng thời là đơn vị sử dụng ngân sách, Bộ Tài chính xét duyệt quyết toán cho đơn vị dự toán cấp I.

Đối với quyết toán ngân sách địa phương, cơ quan tài chính các cấp không thẩm định quyết toán của các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách cấp mình.

Cơ quan tài chính cấp tỉnh, huyện không thẩm định mà chỉ tổng hợp quyết toán của ngân sách cấp dưới; trường hợp phát hiện có sai sót thì yêu cầu uỷ ban nhân dân cấp dưới trình hội đồng nhân dân cùng cấp điều chỉnh lại số liệu.

Bộ Tài chính cũng lưu ý, việc rút ngắn thời gian, quy trình quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm có ảnh hưởng, tác động từ đơn vị sử dụng ngân sách đến các cơ quan quản lý cấp trên của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Do đó, để triển khai thành công lộ trình này, rất cần các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn.

Đồng thời, bổ sung quy định đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước chịu trách nhiệm toàn bộ đối với việc chi ngân sách nhà nước, đảm bảo chi ngân sách nhà nước đúng chính sách, chế độ; chứng từ chi ngân sách nhà nước đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước phải có trách nhiệm giải trình trước Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền.

Đến nay, Bộ Tài chính nhận được 49 ý kiến tham gia của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương.

Trong đó, 48/49 ý kiến tham gia của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thống nhất (gồm 17 bộ, cơ quan trung ương, địa phương thống nhất hoàn toàn) với đề xuất rút ngắn thời gian quyết toán ngân sách nhà nước xuống còn 12 tháng và thực hiện sau khi sửa Luật Ngân sách nhà nước 2015 và các điều kiện để triển khai như: tăng trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước, bỏ quy định cơ quan tài chính các cấp thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước…

Theo đó, Bộ Tài chính không thẩm định quyết toán của các Bộ, cơ quan trung ương; cơ quan tài chính cấp tỉnh, cấp huyện không thẩm định quyết toán của ngân sách cấp dưới.

Cùng với đó, hội đồng nhân dân phê duyệt quyết toán của ngân sách cấp tương ứng, không phê duyệt lại quyết toán của ngân sách cấp dưới đã được hội đồng nhân dân cấp dưới phê duyệt.

Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách trung ương, không phê duyệt lại quyết toán ngân sách địa phương đã được hội đồng nhân dân các cấp phê duyệt.

 

Tại dự thảo báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Tài chính, thời gian trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước được rút ngắn khoảng 6 tháng so với quy định hiện hành sẽ tạo thuận lợi cho công tác lập, tổng hợp báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước nhưng trước mắt sẽ ảnh hưởng đến các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, các cấp ngân sách với mức độ và phạm vi rất lớn.

Nguồn: https://vneconomy.vn/rut-ngan-6-thang-quy-trinh-quyet-toan-ngan-sach-nha-nuoc.htm

[ad_2]