Rủi ro đằng sau những 'hợp đồng hứa' Công ty cổ phần Địa Tín phân phối độc quyền dự án: Khu đô thị Từ Sơn Garden City
[ad_1]

Hợp đồng hứa mua, đặt cọc, góp vốn… bất động sản phổ biến trên thị trường hiện nay. Xuống tiền bằng niềm tin, vì lợi nhuận kỳ vọng khiến nhiều người không để ý đến khối rủi ro cực lớn đằng sau những bản hợp đồng này.

Lấy tiền cọc của khách để mua… tiền ảo

Những ngày qua, Báo Thanh Niên cùng lúc nhận đơn tố cáo của nhiều người về hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua các hợp đồng hứa mua của ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH bất động sản (BĐS) Phú Gia Hân (Công ty Phú Gia Hân). Theo đơn của ông Tô Minh Thái (Cà Mau), ông Nguyễn Thanh Bình tự giới thiệu Công ty Phú Gia Hân được Tập đoàn Vingroup ủy thác cho phép phân phối các sản phẩm BĐS của Vingroup, bao gồm các căn biệt thự tại dự án Vincity Q.9 (TP.Thủ Đức, TP.HCM) do Công ty CP Vinhomes làm chủ đầu tư. Ngày 20.4.2019, ông Thái đến Công ty Phú Gia Hân và đã ký 2 hợp đồng đặt chỗ mua 1 căn hộ cao cấp, 1 căn biệt thự với số tiền 370 triệu đồng. Hợp đồng thỏa thuận đặt chỗ ghi rõ thời gian của thỏa thuận là 18 tháng kể từ ngày ký. Nếu hết thời gian thỏa thuận trên mà bên mua không muốn mua căn hộ nữa thì Phú Gia Hân sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận đặt chỗ, cộng với tiền lãi ở mức lãi suất tiền gửi 12 tháng tính theo Ngân hàng Vietcombank. Việc hoàn tiền được thực hiện ngay khi kết thúc thời hạn 18 tháng trên.

Rủi ro đằng sau những 'hợp đồng hứa'

Nhiều đơn tố cáo về hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản thông qua các hợp đồng hứa mua của ông Nguyễn Thanh Bình. Ảnh: Vinh Nghi

Tuy nhiên, khi hết thời hạn hợp đồng thỏa thuận đặt cọc, Công ty Phú Gia Hân vẫn không thể hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý để bàn giao 1 căn biệt thự, 1 căn hộ cho khách hàng như đã thỏa thuận. Nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo và chiếm dụng vốn trái phép nên ông Thái đã đi tìm hiểu và được biết Công ty Phú Gia Hân không phải là đơn vị được ủy thác bán các sản phẩm từ dự án Vincity Q.9 nên yêu cầu công ty này giải thích. “Ban đầu, ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định đã dùng tiền của tôi chuyển để đặt chỗ mua căn hộ nhưng vì một số lý do về tài chính nên công ty đã không thể thực hiện tiếp hợp đồng thỏa thuận đặt chỗ. Tuy nhiên, khi tôi và rất nhiều người yêu cầu ông Bình đưa ra các hợp đồng ký đặt chỗ với chủ đầu tư mua căn biệt thự tại dự án Vincity thì ông Bình không đưa ra được. Sau đó, ông Bình thừa nhận đã sử dụng 370 triệu đồng của tôi và những khách hàng khác để mua BĐS ở Phú Quốc, Đà Lạt và đầu tư vào tiền điện tử Onecoin. Sau nhiều lần yêu cầu trả lại toàn bộ tiền tôi đã đặt chỗ và tiền lãi, ông Bình đã trả tôi 111 triệu đồng, tương ứng 30%. Số tiền còn lại ông ta không chịu hoàn trả và bắt đầu mời tôi tham gia vào những dự án khác hoặc phải nhận lại là các đồng tiền ảo. Đây là hành vi chiếm dụng vốn trái phép và lừa đảo chiếm đoạt tài sản thực có tinh vi, bài bản”, ông Tô Minh Thái kể.

Hay ủy thác đầu tư tiền ảo?

Cũng tố cáo ông Nguyễn Thanh Bình lừa đảo, chiếm đoạt 100 triệu đồng với thủ đoạn y hệt trường hợp của ông Thái, bà Trần Kim Ngân (ngụ Cà Mau) cho biết người đứng đầu Công ty Phú Gia Hân đã lập một nhóm Zalo và mời khoảng 300 khách hàng tham gia. Sau đó, công ty này thông báo các khách hàng cần làm việc với một pháp nhân khác là Công ty CP Tập đoàn Onesgroup mà ông Bình cũng làm Tổng giám đốc. Công ty này liên tục ban hành các thông báo đưa ra lời hứa trả lại tiền và đến ngày 10.1.2021, một thông báo ghi rõ từ ngày 15 – 30.1, công ty sẽ giải ngân 10 tỉ đồng để thanh toán cho khách hàng đã thực hiện đối soát và chia theo tỷ lệ phần trăm. Phần thanh toán còn lại khách hàng có thể chọn một trong 3 phương án là chuyển đổi sang cổ phần của Công ty CP đầu tư Quốc tế (UBG); chuyển đổi sang hợp đồng BĐS nghỉ dưỡng hoặc nhận thanh toán bằng Onecoin.

“Sau khi buộc tôi phải chấp nhận làm việc với một pháp nhân mà tôi không liên quan, ông Nguyễn Thanh Bình đơn phương tuyên bố hợp đồng thỏa thuận đặt chỗ giữa khách hàng với Công ty Phú Gia Hân là vô hiệu. Ông Bình ép chúng tôi phải chọn nhận lại số tiền đã chiếm dụng vốn trước đó bằng tiền điện tử UBG; cổ phần của Công ty UBG hoặc bằng tiền điện tử Onecoin không có giá trị và hoàn toàn chưa được pháp luật VN thừa nhận. Nạn nhân nào không đồng ý nhận “tài sản ảo” trên được hiểu là khước từ quyền nhận tài sản do ông Nguyễn Thanh Bình trả. Khi đó, ông ta đơn phương đưa thông tin sai sự thật rằng hợp đồng thỏa thuận đặt chỗ và hợp đồng ủy thác mà khách hàng và Công ty Phú Gia Hân ký kết trước đó là hình thức góp vốn đầu tư tiền ảo Onecoin”, bà Trần Kim Ngân thông tin thêm.

Về vụ việc này, trao đổi với Thanh Niên chiều qua, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty Phú Gia Hân, khẳng định công ty ông không lừa đảo, không chiếm đoạt tiền của khách và không chạy trốn như nội dung các đơn tố cáo. Theo ông Bình, hợp đồng đặt cọc giữa các bên không chỉ đơn thuần là đặt cọc mua nhà mà có điều kiện là ủy thác đầu tư đồng tiền điện tử Onecoin. Đây là một dạng đầu tư mạo hiểm. Cụ thể, những người đầu tư đều là những người trong cộng đồng Onecoin, sở hữu Onecoin, đóng tiền giữ chỗ với kỳ vọng đồng tiền điện tử này sau khi được lên sàn sẽ tăng giá rất cao, sau đó thanh khoản số tiền này để mua nhà tại Vincity. Phía Phú Gia Hân là đại lý, nhận ủy thác đầu tư của khách hàng để thanh khoản khi Onecoin được lên sàn, đổi thành tiền mua nhà cho các nhà đầu tư.

“Làm sao có chuyện đặt cọc 100 triệu đồng mà đòi mua căn hộ, biệt thự ở Vincity? Họ bảo không biết Onecoin, không hiểu hợp đồng ủy thác là sai sự thật. Họ cố tình giấu chuyện đó để quy tội cho tôi vì bây giờ ai cũng muốn đòi lại tiền mặt”, ông Bình nói và thừa nhận chuyện công ty chậm trễ trả tiền cho khách hàng là sai. Tuy nhiên, trong thời gian qua do dịch bệnh, các doanh nghiệp đều gặp rất nhiều khó khăn, dự án BĐS của Phú Gia Hân không bán được nên chưa xoay được tiền mặt trả cho khách hàng. Điều này cũng đã được công ty thông báo và mong khách hàng thông cảm. Trong bối cảnh đó, phía Phú Gia Hân vẫn đang cố gắng trả tiền cho khách. Một số khách hàng đã nhận khoản trả 20 – 30% số tiền cọc. Ngoài ra, Phú Gia Hân có đề xuất thêm các hướng bồi thường như trả bằng đất, ai không đủ tiền thì cho trả góp và bán với giá rất ưu đãi; hoặc trả bằng những kỳ nghỉ du lịch mà công ty đang kinh doanh. Đối với những khách hàng không chịu chuyển đổi, ông Bình cam kết muộn nhất là trong 6 tháng tới sẽ trả đủ tiền cho khách hàng.

Ông Tô Minh Thái cho biết đã gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Thanh Bình đến Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an). Đến cuối tháng 3, ông đã nhận được văn bản từ cục này thông báo đã chuyển đơn tố cáo của ông đến Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) để giải quyết theo thẩm quyền.

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/rui-ro-dang-sau-nhung-hop-dong-hua-108583.html

[ad_2]